Giải pháp sáng tạo: “Ứng dụng khoa học - kỹ thuật cải tạo đất nhiễm phèn mặn nhằm tăng năng suất lúa 2 vụ tại cánh đồng xóm Mới và xóm Suối Hai, thôn Giải Phóng xã Cam Phước Đông” của ông Cao Hữu Lý, Hội Nông dân xã Cam Phước Đông (huyện Khánh Vĩnh, Khánh Hòa) giúp tăng năng suất lúa và giảm chi phí đầu tư đem lại lợi nhuận cao hơn. Xin giới thiệu chi tiết giải pháp để bà con tham khảo.
1. Cải tạo đất nhiễm phèn sắt, nhôm
Phèn sắt: Ở những chân ruộng thấp trũng, úng và đất ngả màu nâu đỏ của rỉ sắt, trên mặt nước đôi khi cũng nổi màu váng nâu đỏ làm bộ rễ kém phát triển hoặc chết với các biểu hiện điển hình rễ bị thối rữa, đen, tầng lông hút của rễ bị hư hại làm cho rễ không hút được chất dinh dưỡng trong đất nên tăng trưởng chậm, đẻ nhánh ít, trên lá xuất hiện những vết sọc nhỏ ngắn có màu nâu đỏ, cây lúa suy kiệt dần rồi chết.
Phèn nhôm: thường xuất hiện ở ruộng gò cao hay ruộng thường gặp khô hạn nặng, đất bị nứt nẻ (xì phèn) thì ngoài phèn sắt còn xuất hiện phèn nhôm (có biểu hiện dễ thấy là lớp váng màu trắng giống như muối) ngăn chặn sự hấp thu nước của cây lúa làm cho cây bị khô lá, cuốn mép, bộ rễ bị quăn queo, dị dạng và dễ gẫy, nếu tình trạng bị nhiễm phèn nhôm kéo dài cây lúa bị vàng úa, còi cọc và chết.
Để xử lý ngộ độc 2 loại phèn trên, ông Cao Hữu Lý sử dụng vôi cung cấp Ca để giải độc cho cây lúa, Ca có tác dụng gia cố vách tế bào cây lúa, tăng khả năng chống chịu với điều kiện bất lợi của nắng nóng, mặn và phèn, trực tiếp làm tăng độ pH của đất, nước. Cách xử lý đối với ruộng lúa bị ngộ độc phèn là cho cát rút nước trên ruộng rồi bơm nước mới vào thay thế để hòa loãng độc tố sắt hoặc nhôm trong đất; sau đó, bón khoảng 200-300kg vôi bột/ha để nâng độ pH của đất, nước giúp cho bộ rễ phát triển mạnh thoát khỏi tình trạng nhiễm độc phèn.
2. Cải tạo đất nhiễm phèn, mặn
Theo điều tra nghiên cứu và phân tích nông hóa thổ nhưỡng của vùng đất này là đất nhiễm phèn, mặn. Do vậy, vào mùa đông, ông thấy cấu trúc đất rời rạc, chai cứng, cây lúa không hút được nước và dưỡng chất. Khi đó, việc sử dụng vôi bón lót với tác dụng tăng cường sự vững chắc của tế bào rễ sẽ rất cần thiết cho lúa ở thời điểm mới sạ chống lại các tác hại gây ra do phèn mặn. Trên chân đất nhiễm mặn và có phèn, ông bón loại vôi nung (CaO) để vừa rửa mặn hạ phèn,còn chân đất ruộng chỉ có nhiễm mặn không có phèn ông bón vôi thạch cao (CaSO4) với liều lượng: 300-500kg/ha rải đều trên đất ruộng đã được cày, xới xáo và ngập nước. Sau đó rải vôi, cày bừa lại cho đều trong đất, tiếp thoe ngâm nước 1-2 ngày rồi rút bỏ nước này.
Công việc xử lý vôi, cải tạo đất ông thường thực hiện sớm (bón lót) trước khi phay lần 1, rải vôi và phay nhằm trộn đều vôi ở tầng đất mặt giúp cho cây lúa dễ hấp thu chát dinh dưỡng và nước. Sau đó, ông bón lót phân chuồng hoai với phân super lân. Vì bón chung vopoi với 2 loại phân này dễ làm thất thoát đạm.
Trong quá trình chăm sóc lúa, ông theo dõi kỹ từng giai đoạn phát triển của cây lúa để xử lý kịp thời hiện tượng lúa bị ngộ độc phèn, mặn: Khi lúa được 12-20 ngày sau sạ, ông thấy xuất hiện ngộ độc phèn, ông kịp thời tháo nước trong ruộng ra để rửa chất độc trong đất, đồng thời phun phân bón lá có hàm lượng lân cao như Hydrophos để cải tạo bộ rễ, sau đó cung cấp thêm đạm và kaly cho cây lúa cứng cáp và nhanh phục hồi.
Ngoài ra, ông còn áp dụng kỹ thuật gieo sạ, chăm sóc áp dụng chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) và chương trình 1 phải 5 giảm trong canh tác lúa để giảm giá thành đấu tư và tăng năng suất, tạo nên sản phẩm sạch, bền vững. Sử dụng giống lúa xác nhận với lượng giống từ 80-100 kg/ha (gieo sạ bằng máy gieo) và 120kg/ha (gieo sạ thẳng). Bón lót phân chuồng 3000kg/ha + lân (nung chảy, vi sinh Sông Gianh 300kg/ha). Khi lúa được 10-12 NSS, cho bón đạm (60kg Ure/ha + 40 kg KCl/ha). Khi lúa được 22-25 NSS bón Ure 69kg/ha. Khi lúa được 45-49 ngày bón đạm (60kg Ure/ha + 40 kg KCl/ha). Bổ sung thêm các loại phân trung lượng, vi lượng cần thiết như Zn, Fe, Mn, Bo, Cu,
Giải pháp sáng tạo này sau khi áp dụng tại thửa ruộng của nông dân xóm Mới và xóm Suối Hai cho thấy: tăng năng suất của lúa tại cánh đồng nhiễm phèn mặn từ 41tạ/ha lên 60tạ/ha. Những cánh đồng khác trên toàn xã đã áp dụng đạt năng suất bình quân trên 62 tạ/ha. Giải pháp đã giúp làm giảm thiểu tình trạng suy thoái đất đang diễn ra ngày càng tăng. Giảm chi phí về tiền thuốc và công bơm thuốc BVTV. Giảm đầu tư phân bón do không sử dụng phân DAP và NPK, tăng chất lượng nông sản (không có dư lượng thuốc BVTV trong gạo) và không làm ô nhiễm môi trường./.