Trong tết giá giao dịch cà phê dù ở mức thấp nhưng biến động không đáng kể, khoảng 1.350-1.360 USD/tấn, giá trong nước ở mức 24.000-25.000 đồng/kg. Vậy mà mùng 9 Tết (22-2), chỉ một ngày giá tại thị trường London giảm 40 USD/tấn, những ngày sau đó tiếp tục giảm, chưa được 1 tuần, giá cà phê từ 1.290 USD/tấn còn 1.210 USD/tấn. Cà phê (xô) trong nước chỉ còn 22.500 đồng/kg. Theo các doanh nghiệp (DN), giá cà phê biến động thất thường, không theo quy luật, tăng lên 1.600-1.700 USD/tấn rồi rơi xuống 1.200 USD/tấn (giá FOB tại cảng TPHCM), gây khó khăn cho các DN xuất khẩu.
Thị trường giao dịch hàng hóa nông sản trên thế giới có sự chi phối mạnh của các quỹ đầu tư và các nhà đầu cơ. Cà phê Robusta Việt Nam xuất khẩu chiếm thị phần lớn nhất và chủ yếu giao dịch ở thị trường London. Do vậy, theo ông Nguyễn Văn An, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Thái Hòa, nhà đầu cơ ở London thường ép, không cho giá cà phê VN tăng lên.
Đồng quan điểm này, ông Vân Thành Huy, Tổng Giám đốc Inexim Đăc Lắc, nhận định việc giảm giá có mấy nguyên nhân: nhà đầu cơ quốc tế thao túng nên khi biết DN Việt Nam còn nhiều lô hàng “bán trừ lùi” chưa chốt giá (do chờ giá sẽ lên), đã cố tình ép giá xuống; cộng với đồng USD thời gian qua tăng giá so với tiền EUR, nhà đầu cơ bán hàng hóa nông sản để quay sang trữ ngoại tệ. Do vậy cùng với cà phê, nhiều mặt hàng nông sản khác cũng giảm giá như hạt điều, hồ tiêu… Nhưng do lượng giao dịch của cà phê quá lớn, gấp chục lần hồ tiêu nên khi giảm giá đã tạo tác động mạnh hơn.
Trước đó, ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (VICOFA) phát biểu, ngành cà phê trong nước phải đối mặt với những biến động quá lớn, diễn biến phức tạp, khó lường. Tình hình này khiến nhiều DN xuất khẩu cà phê theo phương thức trừ lùi thua lỗ rất nặng. Vì có những DN ký hợp đồng trừ lùi lên đến 90-100, thậm chí 120 USD/tấn lúc đầu vụ. Đầu tháng 11-2009, VICOFA một lần nữa khuyến cáo, các DN hạn chế bán cà phê theo hợp đồng trừ lùi, nhất là bán theo kỳ hạn quá xa. Do không làm chủ thị trường London, nếu bán kỳ hạn quá xa sẽ dễ bị nhà đầu cơ ép giá. Chỉ nên bán giao hàng trong 1-2 tháng kế tiếp. Sau đó, Câu lạc bộ những doanh nghiệp xuất khẩu cà phê hàng đầu cũng đã thống nhất, để tránh thiệt hại cho DN và người trồng cà phê, cần hợp tác về phương thức thu mua và xuất khẩu nhằm hạn chế rủi ro trong kinh doanh. Theo đó, các DN sẽ tập trung bán hàng theo phương thức giao ngay, kiên quyết không bán theo phương thức trừ lùi. Đây là bài học đắng cay mà VICOFA dù đã cảnh báo các DN mấy năm nay vẫn không tránh được.
Phơi cà phê trong nhà kính. |
VICOFA vừa đưa ra cảnh báo một số nhà nhập khẩu cà phê rơi vào hoàn cảnh khó khăn về tài chính và những hiện tượng chậm trả hoặc không thanh toán hợp đồng, kể cả gian lận của bạn hàng đã diễn ra. Các DN càng phải hết sức thận trong trước các đối tác.
Theo một số chuyên gia, lâu nay chúng ta bán chủ yếu ở thị trường London, nhưng ở đây có nhiều nhà đầu cơ tài chính chi phối, mà ta lại bán trừ lùi nên giá bán phần lớn là ảo, không phản ảnh đúng thị trường. Nhà đầu cơ thường sử dụng sức mạnh tài chính để khống chế và ép giá xuống. Vì vậy phải tìm mọi cách không để cho nhà đầu cơ gây sức ép. Trong xu thế giá giảm kiên quyết không giao dịch theo hợp đồng trừ lùi mà bán theo hình thức giao ngay. Muốn làm được điều này đòi hỏi các DN, nhất là nhóm DN trong CLB DN xuất khẩu cà phê hàng đầu phải thật sự thống nhất và đoàn kết, nhằm bảo vệ quyền lợi của các DN và bà con nông dân.
Do ngành cà phê chưa chủ động trong khâu tiêu thụ sản phẩm, chưa có sự điều hành thông nhất trong việc điều tiết việc xuất khẩu, thường bán tập trung đầu vụ nên dễ bị ép giá. Vì vậy, VICOFA đề nghị Chính phủ xem xét có chính sách ưu đãi vốn vay để DN có thể mua và ký gửi cho bà con đầu vụ khoảng 200.000 tấn cà phê nhân mỗi năm, chọn thời điểm thích hợp bán ra để điều tiết thị trường. Chủ trương này đã được nhà nước chấp thuận. Hiện đang chọn ra DN “chủ xị” như cách làm của ngành lương thực để thực hiện