Khó là dám thay đổi…
Lấy tinh heo quẹt lên mũi để nhận biết số lượng tinh trùng còn sống nhiều hay ít. Đó là cách thủ công mà Sáu Bành làm khi mới bắt đầu áp dụng phương pháp lấy tinh phối cho heo nái thời điểm năm 1997.
Sáu Bành cho tinh trùng vào mũi để kiểm tra chất lượng
Không trang thiết bị hiện đại, không chút kinh nghiệm. Nhưng 15 năm về trước, ông Hai lúa Sáu Bành vẫn quyết tâm chuyển đổi nghề phối giống trực tiếp của gia đình sang kỹ thuật lấy tinh hiện đại. Bởi vì ông hiểu rõ những hiệu quả mà việc lấy tinh phối giống mang lại cho người nuôi heo: “Phối giống trực tiếp đi rất hao công, đi xuống chạy máy tới từng nhà nên chi phí rất là cao. Trong khi lấy tinh heo thì hiệu quả cao, lấy tinh heo giúp không lây truyền dịch bệnh nên đàn heo nái sẽ khỏe mạnh hơn.”
Tuy nhiên, vào thời điểm năm 1997, kỹ thuật lấy tinh phối còn là một khái niệm mới mẻ với nhiều hộ nuôi heo ở huyện Mang Thít. Nhất là khi người thực hiện lại không có được đào tạo chuyên môn như ông Sáu Bành nên khi nghe tin Sáu Bành bỏ nghề phối heo trực tiếp để chuyển sang lấy tinh, bà con trong xã ai cũng cười và nghĩ ông đang làm một việc quá sức mình.
Dù vậy, suy nghĩ duy nhất thôi thúc ông Sáu Bành lúc đó không phải là chứng tỏ năng lực của mình mà là muốn người dân được tiếp cận với một kỹ thuật chăn nuôi hiệu quả: “Mình biết mình là Hai Lúa, nhưng phải quyết tâm làm cho bằng được để cho bà con thấy rõ cái hiệu quả như thế nào.”
Mong muốn như vậy nên Sáu Bành âm thầm thực hiện một công việc khá lạ lẫm với chính mình, đó là…nghiên cứu.
Một con heo nọc mỗi lần lấy tinh cho 300 cc. Sáu Bành chia ra và đem phối thử nghiệm cho 5 con heo nái. Heo nái cho kết quả trung bình từ 10 đến 15 heo con. Hiệu quả trên heo nái thấy rõ. Nhưng tính ra chi phí thì không lời, nên Sáu Bành lại tiếp tục mày mò nghiên cứu.
Sau 6 tháng thử nghiệm và tính toán, ông rút ra được kinh nghiệm. Nếu cứ đo lường và kiểm tra tinh trùng bằng mũi hoài như vậy. Ông sẽ khó mà tìm ra được công thức đúng cho liều lượng tinh trùng phối trên nái. Và đã đến lúc, ông phải chọn một hướng đi khá mạo hiểm, đó là vay tiền để mua kính hiển vi. “Kính hiển vi với dụng cụ về kiểm dịch nó chất lượng hơn, mình kiểm dịch biết nó chết sống bao nhiêu phần trăm”- ông Sáu Bành giải thích về quyết định mua kính hiển vi của mình.
"Phòng xét nghiệm" của Hai Lúa Sáu Bành
Mua được kính hiển vi, kiểm tra được lượng tinh trùng nhiều hay ít, Sáu Bành tìm ra được công thức đúng cho mình. 300 cc đem phối cho 10 heo nái. Hiệu quả giữ nguyên nhưng ông lại thu lời được gấp đôi.
Dễ là cái mới thường đem lại hiệu quả..
Sau 1 năm thử nghiệm thành công trên heo nái nhà. Sáu Bành bắt đầu đi đến các hộ gia đình thuyết phục mọi người áp dụng kỹ thuật mới này.
Vốn quen với phương pháp phối giống trực tiếp, nên nhiều bà con tỏ ra khá e dè với đề nghị của ông hai lúa Sàu Bành. “Hồi nào giờ mình phối heo trực tiếp đó, nên nghe bác Sáu nói cái lấy tinh này nè thì mình cũng rất sợ, sợ không đạt hiệu quả cao.”- Chị Trần Thị Kim My nói.
Tin tưởng vào hiệu quả của việc mình đang làm, Sáu Bành giải thích cho bà con cặn kẽ những ưu điểm của việc lấy tinh như sạch sẽ, đỡ vất vả, ít dịch bệnh.
Kèm thêm được đưa ra điều kiện heo đẻ dưới 5 con sẽ không lấy tiền phối giống, nhiều hộ gia đình đã đồng ý cho Sáu Bành áp dụng phương pháp này cho chuồng heo của mình. Chị My là một trong số đó. “Bác Sáu giới thiệu mình thấy được nên cho bác Sáu làm thử, sau thời gian 3 tháng, mình thấy heo nó đẻ thì thấy hiệu quả rất cao.”
Tiếng lành đồn xa. Giờ đây thương hiệu tinh heo Sáu Bành đã lan khắp các vùng ở tỉnh Vĩnh Long. Hàng trăm chai tinh heo được đặt hàng mỗi ngày. Thu nhập 200 triệu đồng mỗi năm. Đó là thành quả ngọt ngào cho ông Hai Lúa Sáu Bành dám mạnh dạn chuyển đổi kỹ thuật và kiên trì theo đuổi con đường mình đã chọn. Và kết quả ở trên tất cả là với sự kiên trì của mình, Sáu Bành đã giúp bà con quê mình có thể tiếp cận với biện pháp chăn nuôi tiến bộ, đạt hiệu quả kinh tế cao.
Thực hiện: Lệ Quyên
Ảnh: Quang Vũ