Mặc dù không chịu ảnh hưởng trực tiếp của cuộc khủng hoảng nhưng nền kinh tế nước ta cũng chịu tổn thất không nhỏ, tăng trưởng kinh tế chậm lại liên tiếp trong quý IV /2008 và quý I/2009; lạm phát ở mức thấp nhưng có nguy cơ tăng do tác động của các chính sách kích thích kinh tế, số người thất nghiệp tăng cao.
TS. Nguyễn Văn Giàu, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết: “Khi xảy ra khủng hoảng tài chính, hệ thống ngân hàng có nguy cơ gặp rủi ro; tiền gửi nước ngoài phải rút trước hạn để chuyển về gửi ở trong nước hoặc chuyển sang gửi ở ngân hàng có uy tín khác đã làm giảm thu lãi, huy động vốn từ nước ngoài giảm, chi phí vay vốn tăng lên, nợ xấu tăng hơn so với năm 2008”.
Để khắc phục những khó khăn của nền kinh tế, Chính phủ đã quyết định dành 1 tỷ USD (tương đương 17.000 tỷ đồng) dự trữ ngoại hối để kích thích sản xuất thông qua gói kích cầu hỗ trợ 4% lãi suất vốn vay cho các doanh nghiệp. Tiếp đó, ngày 12/5/2009, Bộ Kế hoạch và Đầu tư chính thức công bố gói kích cầu thứ 2 trị giá 8 tỷ USD. Hai gói kích cầu và hỗ trợ lãi suất của Chính phủ đã góp phần ngăn chặn được suy giảm kinh tế, giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn.
Tuy vậy, không ít chuyên gia kinh tế lo ngại: kết thúc khủng hoảng, chúng ta phải hành động ra sao? Theo PGS. TS Lê Văn Tề, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Công nghiệp Long An, sau thời kỳ suy giảm, chúng ta cần sử dụng chính sách tiền tệ mở rộng có chọn lọc để chống suy thoái kinh tế và chính sách tiền tệ thắt chặt để chống lạm phát. Cần đẩy mạnh kiểm soát lạm phát ổn định giá cả, ổn định sức mua đối nội của đồng tiền. Sử dụng có hiệu quả các công cụ điều hành chính sách kinh tế.
Trong khi đó, TS. Cao Sỹ Kiêm, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam lại nhấn mạnh đến vấn đề đào tạo mới và đào tạo lại nguồn nhân lực, kể cả người lao động trong các định chế môi trường tài chính sau thời kỳ suy giảm nền kinh tế, chú trọng vào đội ngũ lao động quản lý và lãnh đạo có trình độ kinh doanh quản lý, giải quyết những vấn đề cụ thể của hệ thống môi trường tài chính nước ta.
GS. TS Nguyễn Thanh Tuyền, Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế - Tài chính TP. Hồ Chí Minh đưa ra năm lĩnh vực nhạy cảm với tái cấu trúc hậu khủng hoảng kinh tế, đó là: tiền tệ, tạo thế cân đối mới giữa thị trường quốc tế và thị trường nội địa, bất động sản, các tập đoàn và tổng công ty nhà nước, thị trường chứng khoán.
TS.Trần Du Lịch, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế TP. Hồ Chí Minh cho rằng, vấn đề trọng tâm của giai đoạn sau suy giảm là, tổ chức lại nền kinh tế nhằm chuyển từ tính chất gia công sang sản xuất, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, chuyển nền kinh tế từ lệ thuộc sang tương thuộc trong quá trình hội nhập nhằm xác lập vị thế nền kinh tế Việt Nam trong thời kỳ hậu khủng hoảng với dự báo sẽ diễn ra cuộc chạy đua nhằm thay đổi trật tự kinh tế quốc tế trong quan hệ toàn cầu và khu vực.
Theo TS. Nguyễn Thị Kim Thanh, Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), chính sách tiền tệ sau khủng hoảng, bên cạnh mục tiêu kiểm soát lạm phát cũng cần chú trọng đến mục tiêu hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và ổn định thị trường tài chính. Để đạt được mục tiêu này, TS. Thanh đưa ra 4 giải pháp, trong đó nhấn mạnh đến việc thay đổi lại cơ cấu kinh tế, mô hình tăng trưởng kinh tế. Nếu như trước đây tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào tiêu dùng cuối cùng nhiều hơn đầu tư, thì nay cần chuyển sang việc tăng trưởng nên dựa vào đầu tư là chủ yếu. Bên cạnh đó, cần nâng cao hiệu quả, chất lượng đầu tư ở tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế. Đặc biệt, lượng tiền được sử dụng trong gói giải pháp chống suy giảm kinh tế của Chính phủ cần phải được sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả, nếu không được quản lý chặt chẽ thì một lượng tiền nhất định sẽ rơi vào túi một nhóm người, gây áp lực lạm phát.
Các chuyên gia kinh tế cũng nhận định, mặc dù nhiều nền kinh tế lớn trên thế giới vẫn còn trong tình trạng trì trệ, Việt Nam đang phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, nhưng với những chính sách tích cực, kịp thời của Chính phủ, đặc biệt là các gói kích cầu ngày càng phát huy tác dụng, đây chính là thời điểm cho nền kinh tế nước ta tạo đà trỗi dậy.