00:00 Số lượt truy cập: 3036716

Sẽ chặt bỏ hàng chục nghìn hecta cây ăn quả 

Được đăng : 03/11/2016

Ồ ạt trồng cây ăn quả dẫn tới bán đổ bán tháo, giá rẻ như bèo, người nông dân luôn thua thiệt. Đại diện Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT) cho rằng, giải pháp tối ưu đã chặt bỏ bớt để giảm sản lượng, đồng thời, kéo dài "tuổi thọ" cho hoa quả.


Ông Phan Huy Thông, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt, nhận định, mặc dù Bộ NN-PTNT và các tỉnh đều có những quy hoạch chung. Song trên thực tế thì tình trạng “xé” quy hoạch, trồng theo phong trào đã gây hậu quả nhãn tiền là sản phẩm làm ra không bán được.

Gần đây nhất, tại Hà Giang, hàng tấn cam sau khi trẩy xuống, bà con không biết bán cho ai, đành dồn đống thối dưới gốc. Nhiều hộ ngậm ngùi chặt cam hàng loạt.

Nguyên nhân là do bà con đổ xô trồng cam khi cam được giá, “xé” cả quy hoạch làm cho diện tích cũng như sản lượng tăng vọt. Trong khi đó, cam Trung Quốc tràn vào ồ ạt, giá rẻ hơn 30-40%, còn cam Hà Giang thì không có đường để chở về xuôi.

Không chỉ Hà Giang, hàng loạt vùng cam Tuyên Quang, Yên Bái, Hòa Bình, Nghệ An... cũng “ngậm đắng nuốt cay” khi cam trẩy xuống không bán được hoặc bán với giá quá rẻ, chỉ có 2.000-3.000 đồng/kg, tính ra nông dân lỗ đậm.

Tình trạng "khủng hoảng thừa" hoa quả nhiều năm nay liên tục xảy ra, điển hình như vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang), nhãn lồng Hưng Yên, hồng không hạt Lục Yên (Yên Bái), na dai Chi Lăng (Lạng Sơn), dứa Đồng Giao (Ninh Bình), cam xã Đoài (Nghệ An)...

Theo Bộ NN-PTNT, chỉ trong vòng 10 năm qua, diện tích cây ăn quả ở miền Bắc cũng như cả nước đã tăng mạnh. Mỗi năm, cây ăn quả ở miền Bắc mở rộng diện tích thêm 8,9%, thậm chí là 15% như ở Bắc Giang, Lạng Sơn... , nâng tổng cây ăn quả tại miền Bắc lên tới 314.600ha, chiếm gần 40% tổng diện tích cả nước.

Nguy hiểm hơn là đang xảy ra mất cân đối về cơ cấu cây ăn quả. Trong đó, vải và nhãn là hai loại cây ăn quả chiếm tỷ lệ cao nhất với 45%. Ở vùng Đông Bắc bộ hiện nay có 140.000ha cây ăn quả thì có tới 80% là cây vải.

Mỗi tỉnh chỉ nên trồng 1-2 cây chủ lực

Ông Phan Huy Thông nhận xét, không có cách nào khác là phải điều chỉnh lại cơ cấu và diện tích cây ăn quả. Trong đó, riêng vải thiều ở Bắc Giang, theo quy hoạch từ nay đến năm 2010 chỉ giữ lại 35.000ha và chuyển đổi khoảng 5.000ha.

Trên thực tế, thời gian qua, nhiều vườn vải ở miền Bắc đã bị chặt bỏ. Sau 3 năm (2005-2007), tổng diện tích vải thiều cả nước đã giảm từ 92.000ha xuống còn 88.900ha.

Cùng với vải thiều là nhãn. Hiện nay, cả miền Bắc đang có hơn 44.000ha. Trong đó, vựa nhãn lớn nhất ở miền Bắc là Sơn La (13.500ha). Bộ NN-PTNT đã phải đề nghị Sơn La nên chuyển sang những cây trồng khác vì giá trị quả nhãn ở đây kém xa nhãn lồng Hưng Yên.

Để tránh tình trạng đổ xô trồng cây ăn quả theo phong trào, ông Phan Huy Thông cho rằng, mỗi tỉnh chỉ nên chọn trồng 1-2 cây chủ lực.

Ngoài ra, theo ông Đoàn Xuân Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến nông lâm thủy sản và nghề muối (Bộ NN-PTNT), cần giúp nông dân nâng cao kỹ thuật để bảo quản hoa quả sau thu hoạch, đang được tiêu thụ tươi tới 90% hiện nay.

Chẳng hạn, hoa quả từ Bắc vào Nam chỉ để được trong vòng 3-4 ngày với vải, nhãn, chuối; 5-7 ngày với dứa, xoài; 15-20 ngày với cam, quýt. Không những phải bán rẻ, bán đổ bán tháo mà nông dân còn chịu hao hụt 15-20%, chưa kể chất lượng sản phẩm bị giảm sút.