Đó là một trong những nội dung của dự án “Ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đến sử dụng đất ở ĐBSCL, sự thích ứng của các hệ thống canh tác trên nền đất lúa” đang được các nhà khoa học ở Viện Lúa ĐBSCL kết hợp với các chuyên gia nông nghiệp trong và ngoài nước bắt đầu triển khai từ ngày 22-2, dự kiến hoàn thành trong 2 - 3 năm tới.
Giáo sư Nguyễn Thị Lang (Viện Lúa ĐBSCL) cho biết các giống lúa hiện tại chỉ chịu được độ mặn 7 phần ngàn, trong khi chưa có giống lúa nào chịu được ngập úng. Theo GS Nguyễn Thị Lang, các giống lúa mới được nghiên cứu không chỉ thích ứng được độ mặn cao hơn mà còn giúp nông dân tăng năng suất do tỉ lệ thụ hạt cao và trồng được ba vụ/năm.
Hiện ĐBSCL có khoảng 700.000 ha đất trồng lúa nhiễm mặn và 600.000 ha ngập úng cho năng suất thấp hoặc bị bỏ hoang. Trong khi đó ông Kỷ Quang Vinh - giám đốc Trung tâm Quan trắc tài nguyên môi trường TP Cần Thơ - cho biết theo báo cáo của một số tỉnh ĐBSCL, độ mặn trên các sông năm nay đã cao hơn cùng kỳ các năm trước.
Tại buổi triển khai dự án, ông Đào Anh Dũng - phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ - nêu thực tế năm 2010 trong khi nước lũ không xuất hiện trên sông Mekong thì tại TP Cần Thơ nước ngập cao hơn mức báo động 3. Ông cho rằng đây là hiện tượng rất đáng quan ngại, vì đó là biểu hiện của nước biển dâng cao và là lời cảnh báo sự ngập mặn của ĐBSCL sẽ diễn ra trong thời gian không xa.