Tại kỳ họp thứ 8 QH khóa XII vừa qua, dự thảo Luật HTX sửa đổi đã được trình QH xin ý kiến. Trước nhiều bất cập về việc quản lí khu vực kinh tế HTX trong thời gian gần đây, các ĐHQH tán thành với chủ trương cần phải sửa đổi Luật HTX năm 2003. Tuy nhiên, nhiều vấn đề lớn về nội dung điều chỉnh đến nay vẫn gây nhiều tranh cãi và hiện tại vẫn đang phải lấy ý kiến hoàn thiện.
Tại hội thảo, nhiều vấn đề chưa ngã ngũ đã được đưa ra mổ xe như: định nghĩa HTX thế nào để chỉ đúng bản chất? HTX khác với DN ra sao? HTX có được thành lập DN hay không? Sử dụng và phân phối lợi nhuận của HTX như thế nào? Có nên đưa Qũy tín dụng nhân dân vào loại hình quản lí của HTX hay không...?
Xung quanh định nghĩa: “HTX hoạt động như một loại hình DN”, nhiều đại biểu cho rằng định nghĩa này rất dễ gây hiểu lầm, khiến thời gian qua có nhiều quan điểm đánh đồng HTX với DN, làm cho tình trạng nhiều DN hoạt động trá hình dưới danh HTX. Ông Đinh Xuân Niêm, Trợ lí thường trực Liên minh HTX Việt Nam phân tích: HTX là một tổ chức kinh tế, nhìn bên ngoài thì giống DN ở chỗ có hạch toán kinh doanh, có thu chi và có lợi nhuận.
Tuy nhiên, về bản chất thì HTX không theo đuổi lợi nhuận giống như DN, và các thành viên HTX không phải là góp vốn vào HTX để kiếm lời giống như các cổ đông góp vốn vào Cty cổ phần. Về bản chất, các xã viên tìm đến HTX là vì muốn được sử dụng dịch vụ tốt hơn và rẻ hơn so với việc tự họ đi tìm dịch vụ SX. Vì thế, HTX không phải là một tổ chức kinh tế hoạt động để lấy lãi cho bản thân nó, hoặc lấy lãi để chia cho các thành viên HTX, mà thực chất thặng dư (hay lợi nhuận) đã được phân chia cho các thành viên HTX vì họ được sử dụng dịch vụ tốt hơn.
Ông Niêm nêu ví dụ: một hộ nông dân phải tự đi mua phân bón ở thị trường giá 10 nghìn đồng/kg. Nhưng nhờ có HTX đứng ra mua phân với số lượng lớn, giảm được chi phí vận chuyển, giá thành rẻ hơn nên giá phân của HTX thực chất chỉ có 9 nghìn đồng/kg. Sau đó, HTX bán lại cho nông dân 9.500đ/kg. Như vậy, nông dân được lợi 500đ/kg so với việc họ tự đi mua. Còn số tiền chênh lệch 500đ/kg, HTX sẽ giữ lại để duy trì hoạt động, tái đầu tư để phát triển thêm dịch vụ. Như vậy, nông dân tham gia tự nguyện vào HTX không phải là góp vốn để buôn phân bón kiếm lãi, mà là để được hưởng dịch vụ tốt hơn so với việc họ tự đi mua.
Ngược lại, phần lãi (thặng dư) mà HTX có được, theo quan điểm của ông Niêm cũng không nên chia cho xã viên, mà nó nên giữ thành quỹ cố định để tái đầu tư cho HTX hoạt động tốt hơn. Khi HTX giải thể, quỹ này cũng không thể phân chia cho xã viên hay giao nộp cho chính quyền gì cả, mà nên giao nó cho một tổ chức từ thiện hay phúc lợi xã hội.
Đồng tình với quan điểm này, ông Nguyễn Ngọc Hòa - Chủ tịch HĐQT Liên hiệp HTX thương mại TPHCM (Saigon Co.op) cũng cho rằng, HTX khác DN ở chỗ nó là một tổ chức kinh tế mang bản chất xã hội. Vì vậy, quỹ tích lũy không chia do HTX tạo ra phải nên được giữ lại để HTX hoạt động tốt hơn. Chẳng hạn như tại Saigon Co.op, phần lợi nhuận này sẽ được dùng để tái đầu tư mở cửa hàng mới, mở rộng hệ thống phân phối giúp các thành viên mở rộng thị trường, tăng doanh thu...
Các đại biểu hầu hết đều thống nhất phải xếp quỹ tín dụng là loại hình hoạt động của HTX. Bên cạnh đó, Luật HTX mới cũng cần bổ sung điều khoản cho phép các HTX thành lập DN. Ông Đinh Xuân Niêm, trợ lí thường trực Liên minh HTX Việt Nam cho rằng, DN của HTX phải không do một số người có tiền trong HTX góp vốn lập ra, mà phải có vốn từ quỹ của HTX có được. DN của HTX hoạt động theo luật DN. Cũng theo ông Niêm, Luật HTX sửa đổi nên có một phần riêng điều chỉnh HTX nông nghiệp bởi đây là lĩnh vực then chốt, vừa có tính đặc thù riêng.
Tại nhiều nước có HTX phát triển như Đức, Hà Lan..., quỹ lợi nhuận không chia này còn được dùng cho các hoạt động phúc lợi, từ thiện. Như vậy, rõ ràng HTX không phải là DN và không chạy theo lợi nhuận như DN. “Luật HTX mới cần phải có quy định để sàng lọc các DN núp danh HTX, do một số người góp vốn lập ra để đầu tư kiếm lời và lợi dụng chính sách nhà nước dành cho khu vực kinh tế HTX” – ông Hòa nêu ý kiến.
Cũng liên quan về vấn đề này, ông Nguyễn Minh Tú – Vụ trưởng Vụ HTX (Bộ KH-ĐT) băn khoăn về việc, Luật HTX mới có nên quy định ràng buộc thành viên HTX phải sử dụng dịch vụ của HTX ra sao? Tỉ lệ bán dịch vụ của HTX cho xã viên và bán ra bên ngoài như thế nào là hợp lí? Ông Tú nêu dẫn chứng: rất nhiều HTX hiện nay thực chất bán dịch vụ ra bên ngoài nhiều hơn cả phần dịch vụ cung cấp cho xã viên. Ví dụ có HTX nông nghiệp chỉ có 7 xã viên, nhưng họ mua phân bón và cung cấp cho hàng trăm hộ dân khác. Như vậy, HTX đó thực chất là DN hay là HTX và có nên giới hạn phạm vi cung cấp dịch vụ của HTX hay không?
Về vấn đề này, nhiều ý kiến cho rằng cần phải có biện pháp kiểm soát mức độ bán dịch vụ của HTX ra bên ngoài, ở một mức độ nào đó thì phải xếp HTX thành DN và chịu sự quản lí của Luật DN. Ông Trần Quang Khánh – Chủ tịch HĐQT Qũy tín dụng nhân dân TƯ thì hiến kế: “Luật HTX lần này phải quy định rõ về tỉ lệ dịch vụ mà HTX được phép bán ra bên ngoài để loại trừ các HTX núp danh để kinh doanh, làm sai lệch bản chất HTX. Hiện nay, tỉ lệ dịch vụ HTX được phép bán ra bên ngoài là 40%, 60% phải bán cho xã viên là hợp lí. Nếu kiểm toán mà thấy HTX vượt quá giới hạn này thì phải bắt buộc HTX đó chuyển sang DN hoặc buộc HTX phải chịu thuế như DN đối với phần dịch vụ tăng thêm”.