00:00 Số lượt truy cập: 3082621

Sẽ xử lý nghiêm doanh nghiệp bán phá giá gạo 

Được đăng : 03/11/2016
Trước thông tin có một số doanh nghiệp cố tình bán phá giá gạo xuất khẩu, làm ảnh hưởng đến uy tín gạo Việt Nam, ông Phạm Văn Bảy, Phó chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) khẳng định, sẽ xử lý nghiêm các doanh nghiệp có hành vi vi phạm.

Nếu tìm được DN bán phá giá gạo, VFA sẽ xử lý nghiêm?

Thưa ông, việc Chính phủ quy định giá sàn thu mua lúa gạo 3.800 đồng/kg có ảnh hưởng đến các doanh nghiệp và nông dân?

Doanh nghiệp thu mua với giá sàn 3.800 đồng/kg là thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ. Giá sàn là giá tối thiểu để thu mua cho nông dân, đảm bảo cho người trồng lúa có lãi, còn doanh nghiệp nào mua cao hơn chúng tôi rất khuyến khích.

Vừa qua, có thông tin cho rằng, VFA lấy giá sàn này để ấn định giá xuất khẩu là không đúng. Thực tế, chúng tôi căn cứ vào mức giá sàn để yêu cầu các doanh nghiệp không được ký hợp đồng xuất khẩu với giá dưới 400USD/tấn. Các doanh nghiệp bán dưới giá 400 USD/tấn sẽ không đảm bảo giá thu mua 3.800 đồng/kg theo chỉ đạo.

Thực tế, VFA quy định mức bán tối thiểu 400 USD/tấn là để doanh nghiệp có điều kiện mua cho nông dân với giá tối thiểu 3.800 đồng/kg. Ngược lại, nếu doanh nghiệp bán dưới giá 400 USD/tấn thì họ sẽ lại mua lúa của nông dân với giá thấp hơn, vì thế sẽ càng thiệt thòi cho nông dân. Chính vì thế, việc quy định giá sàn sẽ khiến nông dân có lợi hơn.

Bên cạnh đó, việc VFA quy định mức giá 400USD/tấn là để duy trì giá gạo Việt Nam không thấp hơn nữa và thương nhân nước ngoài cũng không có lý do gì để ép giá.

VFA đã nắm được bao nhiêu doanh nghiệp vi phạm và hướng xử lý sẽ như thế nào, thưa ông?

Theo quy chế, VFA hoàn toàn có quyền xử lý, còn nếu vi phạm ở mức độ nghiêm trọng hơn, chúng tôi sẽ báo cáo Bộ để có biện pháp xử lý thích hợp.

Hiện, chúng tôi chưa có số liệu cụ thể về những trường hợp bán phá giá. Sắp tới, chúng tôi sẽ kiểm tra và báo cáo cụ thể. Thực ra, vấn đề này rất phức tạp và tế nhị vì muốn xử lý chúng tôi phải có bằng chứng như chứng từ liên quan đến hợp đồng mua bán, chứng từ thanh toán qua ngân hàng. Việc này VFA đang gặp khó vì ngân hàng có hệ thống bảo mật riêng.

Được biết sắp tới Nhà nước sẽ bãi bỏ hạn ngạch xuất khẩu gạo?

Vừa qua, các thông tin đều cho rằng VFA quản lý hạn ngạch, gây khó khăn cho doanh nghiệp và địa phương nhưng thực tế không phải vậy. Những năm gần đây, xuất khẩu gạo không có hạn ngạch, VFA chỉ đăng ký hợp đồng cho từng thương nhân chứ không chia hạn ngạch cho các địa phương. Đứng về góc độ pháp lý, luật không cho phép phân chia hạn ngạch và VFA cũng không có quyền làm như vậy. Chúng tôi chỉ làm theo quy định chung.

Tôi xin nói lại cho rõ, VFA chỉ quản lý giá tối thiểu của hợp đồng xuất khẩu gạo. Việc này được Chính phủ cũng như Bộ Công Thương đồng ý và giao cho VFA thực hiện.

Theo đánh giá, chất lượng gạo vụ hè thu không tốt như vụ đông xuân, xin ông cho biết, liệu có xảy ra tình trạng doanh nghiệp ép giá nông dân?

Chắc chắn là có. VFA đang làm và có báo cáo với các ngành chức năng. Vừa qua, gạo 5% tấm VFA đề nghị các doanh nghiệp không được bán dưới mức 400USD/tấn nhưng vẫn có doanh nghiệp cố tình bán phá giá. Lý giải việc này, nhiều doanh nghiệp đã viện cớ là do họ “trót” ký những hợp đồng bán với giá thấp. Theo nguyên tắc, những doanh nghiệp này đã vi phạm quy chế của VFA. VFA đã trình việc này với lãnh đạo Bộ Công Thương. Sắp tới nếu phát hiện vi phạm, chúng tôi sẽ báo cáo với Bộ Công Thương và các ngành chức năng để có hướng giải quyết.

Thái Lan đang tung ra thị trường một lượng gạo tồn kho lớn. Theo ông, giá xuất khẩu từ nay đến cuối năm sẽ diễn biến như thế nào?

Tôi được biết Thái Lan tồn kho khoảng 7 triệu tấn. Tuy nhiên, họ rất khôn ngoan khi chỉ đưa ra một mức giá ổn định, đơn vị nào đấu thầu thấp hơn họ sẽ không bán. Thực tế, Thái Lan không thể đưa ra giá thấp hơn vì như thế ngân sách của Chính phủ sẽ bị thâm hụt nặng.

Từ nay đến cuối năm, thị trường xuất khẩu gạo tương đối thuận lợi mặc dù hiện tại có vẻ trầm lắng. Sắp tới, chúng ta có những hợp đồng lớn, thị trường lớn, hợp đồng tập trung triển khai vào cuối năm. Chủ trương của VFA là động viên doanh nghiệp mua tạm trữ vì những diễn biến không thuận của thời tiết sẽ có lợi cho các doanh nghiệp xuất khẩu. Bên cạnh đó, ấn Độ đã ngưng xuất khẩu gạo thường mà chỉ còn gạo thơm, trong khi Inđônêxia sẽ cho nhập khẩu gạo vào quý II/2010. Theo tôi, năm 2010, thị trường lúa gạo có nhiều lạc quan hơn.

Vậy, mục tiêu xuất khẩu 6 triệu tấn gạo trong năm nay hoàn toàn có thể, thưa ông?

Theo nhận định, sản lượng lúa vụ sắp tới tương đối lớn, vì thế mục tiêu xuất khẩu 6 triệu tấn là hoàn toàn có thể đạt được. Tổng số hợp đồng mà các doanh nghiệp đã ký lên tới 5,8 triệu tấn, trong khi đó, từ đầu năm đến nay chúng ta đã xuất khẩu được 4,9 triệu tấn.

Tuy nhiên, tôi xin lưu ý, những hợp đồng các doanh nghiệp đã ký là giá tương đối chuẩn, vì thế nếu doanh nghiệp nào bán phá giá “coi chừng” những hợp đồng đã ký. Khi ấy, các doanh nghiêp nước ngoài sẽ vin vào cớ này mà “bỏ chạy”, làm ảnh hưởng tới giá thu mua cho nông dân.

Xin cảm ơn ông!