Nông dân thời @
Tân Hiệp nằm vắt mình ngang qua hai vùng trọng điểm SX lúa là Tây sông Hậu và Tứ giác Long Xuyên của tỉnh Kiên Giang. Trên 36.000 ha đất lúa của huyện được dòng sông Cái Sắn từ thượng nguồn An Giang đổ về bồi đắp phù sa, ngọt hóa quanh năm.
Đồng ruộng ở Tân Hiệp được quy hoạch với thửa lớn (3 ha/thửa, chiều ngang 30 m, dài 1.000 m) rất thuận tiện cho việc áp dụng cơ giới hóa. Dân sống tập trung dọc theo các tuyến kênh, liền canh liền cư, trước nhà là sông lấy nước ngọt, phía sau là ruộng. Nông dân nơi đây có trình độ thâm canh lúa khá cao. Chính những yếu tố đó đã cho vùng quê lúa năng suất không chỉ dẫn đầu tỉnh Kiên Giang mà còn cao nhất khu vực ĐBSCL. Giá trị sử dụng đất ở Tân Hiệp đã bỏ xa mốc 50 triệu đ/ha từ nhiều năm nay.
Những ngày cuối năm con rắn, tôi có dịp trở lại nơi đây, đi dọc theo các tuyến kênh đâu đâu cũng thấy một màu xanh bạt ngàn của các trà lúa. Mọi năm, thời điểm này lúa đã vàng đồng, ăn tết xong là thu hoạch. Nhưng năm nay do lũ rút chậm nên lúa mới đang thì con gái hoặc ôm đòng… Thỉnh thoảng, những cơn gió xuân từ đồng ruộng thổi vào mát rợi, phảng phất mùi thơm rất dễ chịu.
Được cán bộ khuyến nông cơ sở giới thiệu, tôi tìm đến nhà ông Nguyễn Huế ở ấp Tân Phát, xã Tân Hiệp B vào buổi xế chiều. Ông Huế cùng mấy người bạn hàng xóm đang lướt web trên máy tính bảng để tìm thông tin. Nhìn cách họ thao tác, tìm hiểu thông tin trên mạng, tôi không tin đây lại là những nông dân thực thụ nếu không được giới thiệu trước.
Sau mấy câu chào hỏi xã giao, ông Huế ngừng tay, đặt máy xuống bàn giải thích: “Sáng nay ra thăm đồng thấy lúa có dấu hiệu bị sâu bệnh tấn công nên anh em tụi tui lên mạng để tìm hiểu thêm thông tin về cách phòng trị, sử dụng loại thuốc nào cho hiệu quả”.
Ông Nguyễn Huế là 1 trong 10 nông dân tiêu biểu của huyện Tân Hiệp được chọn tham gia dự án “Ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ phát triển SX” do Sở TT-TT Kiên Giang triển khai. Theo đó, nông dân tham gia dự án sẽ được đào tạo về CNTT, cách sử dụng các thiết bị số hiện đại để nâng cao khả năng tìm kiếm, nắm bắt các thông tin mới nhất về KHKT phục vụ SX đạt hiệu quả cao hơn.
Ông Nguyễn Huế (giữa) cùng với hai người hàng xóm đang tham khảo giá cả thị trường trên mạng internet trước khi quyết định mua vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất
Từ khi được trang bị máy tính bảng, nhà ông Huế đã trở thành điểm truy cập thông tin, trao đổi kinh nghiệm SX chẳng khác gì quán cà phê khuyến nông. Ông Huế tâm sự: “Những nông dân vốn chỉ quen với việc cuốc, việc cày như tụi tui nên khá lọng cọng khi lần đầu tiên tiếp xúc với máy tính bảng.
Nhưng khi đã quen rồi thì thấy nó tiện lợi hơn rất nhiều so với máy tính để bàn, mình có thể truy cập mọi lúc, mọi nơi và nhất là không sợ bị cúp điện. Mỗi tháng chỉ tốn 50 -70 ngàn đồng tiền cước phí mà mình có sẵn “ông tiến sỹ nông nghiệp” trong nhà, có gì thắc mắc thì chỉ cần vai thao tác là được giải đáp ngay”.
Nhà ông Huế có 3 ha đất, được quy hoạch khá bài bản: 2,7 ha chuyên SX lúa giống, còn lại là vườn, ao, chuồng. Dưới ao thả cá, trên bờ nuôi gà nòi chân vàng. Vườn mỗi năm trồng 2 vụ bắp lai chủ yếu để làm thức ăn cho gà, đất rảnh thì trồng thêm đậu phộng. Tất cả về đặc điểm cây, con giống, quy trình canh tác đều được ông tham khảo từ mô hình trên mạng rồi áp dụng theo. Rồi từ đó, các mô hình lan tỏa ra cộng đồng xung quanh.
Các hộ dân quanh khu vực nhà ông Huế đã cùng nhau thành lập tổ nhân giống với tổng diện diện tích 50 ha, chuyên SX lúa giống cho Cty CP Giống cây trồng miền Nam. Ông Bùi Văn Hán, một người hàng xóm của ông hóm hỉnh: “Từ ngày ông Huế rước được “ông tiến sỹ” về nhà, nông dân quanh xóm chúng tui cũng được hưởng lây. Muốn SX giống gì, giá cả vật tư nông nghiệp lên xuống, thị trường đầu ra của nông sản ra sao… cứ qua đây là có “thầy” giải đáp cho hết. Vì vậy, SX không còn mù tịt như trước nên tránh được cảnh đụng hàng dội chợ, bị tư thương ép giá”.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Tuấn, Trưởng ấp Tân Phú, xã Tân Hiệp B cũng được trang bị máy tính bảng phục vụ SX. Với ông Tuấn thì chiếc máy vừa là người bạn vừa là người thầy tư vấn rất thân thiết. Không chỉ tìm kiếm thông tin, học hỏi kinh nghiệm cho riêng mình, với vai trò là trưởng ấp, ông còn phổ biến, tuyên truyền cho người dân địa phương cùng làm theo.
Ông Tuấn bộc bạch: “Có chiếc máy tính bảng rất tiện lợi, làm việc ở văn phòng ấp hay đi họp tổ tôi đều mang theo, mọi dữ liệu mình đều có thể lưu trữ, khi cần bấm mấy cái là đầy đủ. Xong việc thì lên mạng để mọi người cùng tham khảo về giống cây, con mới, các tiến bộ kỹ thuật SX, giá cả thị trường. Ngoài ra, còn đọc báo để người dân nắm được tình hình thời sự của đất nước”. Nhờ đó mà phong trào SX ở địa phương ngày càng phát triển, thu nhập được nâng cao.
Nhân rộng mô hình
Trong những năm gần đây, Kiên Giang rất chú trọng đưa CNTT về cơ sở với nhiều dự án thiết thực. Song song với việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ CNTT cho cán bộ cấp xã nhằm thực hiện chính quyền địa tử trên địa bàn tỉnh, Sở TT-TT Kiên Giang còn hướng đến đối tượng là đông đảo là nông dân.
Tại huyện Tân Hiệp, có 10 hộ nông dân dân thuộc 2 xã Tân Hiệp B và Tân Hòa được chọn tham gia dự án. Dù mới được triển khai nhưng những hiệu quả mà dự án mang lại ra rất lớn, có sức lan tỏa mạnh trong cộng đồng.
Sau những buổi thăm đồng, nông dân ấp Tân Phát A lại tập trung lại nhà ông Nguyễn Huế (người cầm máy tính bảng) để lên mạng internet tìm hiểu thông tin áp dụng vào SX
Ông Trịnh Đức Tiến, Trưởng phòng VH-TT Tân Hiệp cho biết, là huyện thuần nông nên nguồn thu nhập chính của người dân chủ yếu từ trồng trọt và chăn nuôi, trong đó SX lúa 3 vụ/năm đóng vai trò chính. Vì vậy, huyện rất chú trọng xây dựng kinh tế hợp tác, chuyển giao ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào SX để hạ giá thành, nâng cao tính cạnh tranh cũng như thu nhập cho nông người dân.
Với việc được trang bị máy tính bảng, nông dân sẽ có điều kiện hơn trong SX. Khi năng suất lúa đã kịch trần thì việc áp dụng các giống mới, các biện pháp kỹ thuật để hạ giá thành sản phẩm luôn được người dân quan tâm, trong đó có việc ứng dụng CNTT phục vụ SX.
Đồng thời, đây còn là kênh thông tin quan trọng để giới thiệu hàng hóa nông sản ra thị trường trong nước cũng như thế giới. Ưu thế của CNTT là có sức lan tỏa nhanh, rộng khắp cả thế giới nên rất thuận tiện cho việc quảng bá, giới thiệu sản phẩm.
Là địa phương được chọn để thực hiện thí điểm, ông Nguyễn Hồng Khanh, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Hòa đánh giá rất cao về hiệu quả mà dự án mang lại cho nhà nông. Bên cạnh việc truy cập thông tin, giá cả thị trường nông sản, chiếc máy tính bảng còn giúp nông dân quản lý lịch thời vụ, tính toán chi phí SX hợp lý… Từ đó đánh giá được chính xác hiệu quả kinh tế sau mỗi mùa vụ. Đã có nhiều mô hình hay được nông dân học hỏi trên mạng và áp dụng thành công, mang lại hiệu quả kinh tế cao.
“Kết thúc giai đoạn thí điểm, Nhà nước cần đầu tư hỗ trợ thêm cho nông dân để mở rộng mô hình, giúp cho nhiều hộ có điều kiện tiếp cận với CNTT, áp dụng vào SX”, ông Khanh đề xuất.
TS Thái Thành Lượm, Giám đốc Sở TT-TT Kiên Giang cho biết, đối tượng được chọn tham gia dự án là những nông dân SX giỏi tại các huyện, thị trong tỉnh. Dự án được chia thành các giai đoạn gồm xây dựng cơ sở hạ tầng hệ thống, xây dựng giao diện tương tác dành riêng cho nông dân trên máy tính bảng; kết hợp với ngành nông nghiệp để đưa nội dung thông tin vào thiết bị.
Bước tiếp theo là tập huấn cho nông dân, giúp họ có thể sử dụng thành thạo việc cập nhật thông tin, sử dụng email để trao đổi thông tin, chia sẻ kinh nghiệm, ghi chép nhật ký nhà nông trên máy và tham gia tư vấn online… Khi dự án kết thúc, Sở sẽ tổ chức hội thảo, đánh giá hiệu quả mà dự án mang lại. Trên cơ sở đó sẽ tiếp tục đề xuất nhân rộng mô hình ra toàn tỉnh.
Đ.T.CHÁNH