00:00 Số lượt truy cập: 3077556

Sơn Hòa (Phú Yên): Nhân rộng mô hình nuôi cá nước ngọt thương phẩm 

Được đăng : 03/11/2016
Đến nay, huyện Sơn Hòa (Phú Yên) có 90 ha ao hồ nuôi cá nước ngọt, sản lượng khai thác khoảng 50 tấn/năm, với khoảng 200 hộ tham gia. Mô hình này không chỉ giúp người dân cải thiện bữa ăn mà còn tăng thu nhập.


Những năm gần đây, khi nhìn thấy hiệu quả từ mô hình nuôi cá nước ngọt, nhiều hộ dân ở huyện Sơn Hòa tận dụng diện tích đất đào ao nuôi cá nước ngọt. Để giúp bà con có kiến thức về nuôi cá nước ngọt, từ năm 2009, Phòng NN-PTNT huyện Sơn Hòa đã triển khai mô hình thí điểm nuôi cá nước ngọt thâm canh tại hộ ông Trịnh Minh Tiến ở thôn Nguyên An, xã Sơn Nguyên và hộ ông La Thanh Hưa ở thôn Tân Thành, xã Sơn Hội trên diện tích 800 m2 mặt nước. Đối tượng nuôi là cá trắm cỏ và cá chép lai. Hai loại cá này khá thích hợp với khí hậu vùng núi Sơn Hòa nên phát triển tốt, giúp tăng thu nhập và cải thiện bữa ăn cho gia đình.

Từ kết quả này, Phòng NN-PTNT Sơn Hòa tiếp tục nhân rộng mô hình này cho bà con, với ba loại cá trắm cỏ, chép lai và trôi trắng đạt chất lượng nuôi trên diện tích 1.000 m2, vốn đầu tư gần 10 triệu đồng, trong đó huyện hỗ trợ 100% chi phí con giống và 60% chi phí thức ăn. Ngoài con giống, thức ăn, người nuôi còn được tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật theo phương pháp “cầm tay chỉ việc”. Thời gian thực hiện mô hình 6 tháng, hiện cá đã thả nuôi được 2 tháng và phát triển tốt.

Ông Ma Thị (ở thôn Tân Hiên, xã Sơn Phước), một người tham gia mô hình nuôi cá nước ngọt, cho biết: “Gia đình tôi đã thả hơn 10 kg cá giống. Nhờ được hướng dẫn cách chăm sóc nên cá phát triển tốt. Hiện cá trong ao có trọng lượng 0,2 - 0,5 con/kg. Hy vọng vụ cá này sẽ cho năng suất cao”. Cùng tham gia mô hình này, ông Ma Hà hồ hởi cho biết: “Trước đây tôi nuôi cá chỉ để cải thiện bữa ăn trong gia đình, nay nhờ cán bộ khuyến ngư hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá thâm canh, tôi rất tâm đắc. Mong rằng cuối năm nay sẽ có cá bán lấy tiền tiêu Tết”.

Ông Nguyễn Văn Khánh, cán bộ kỹ thuật Phòng NN-PTNT huyện Sơn Hòa cho biết “Trước đây bà con chỉ quen với việc nuôi cá tự phát. Các khâu từ chọn giống đến thời điểm thả cá và cách chăm sóc đều không đảm bảo quy trình kỹ thuật nên năng suất, chất lượng cá không cao. Việc nuôi cá chỉ góp phần cải thiện bữa ăn hàng ngày của bà con và trao đổi được một số hàng hóa lặt vặt. Do đó rất khó tính toán năng suất, sản lượng đạt được. Hiện chúng tôi đang tuyên truyền đến bà con thu hoạch cá bằng cách bắt tỉa số cá lớn và thả bù số cá giống để tăng năng suất nuôi, đồng thời phải ghi lại số lượng cá đã thu và thả lại sau mỗi lần bắt tỉa để có cơ sở cho đầu tư tiếp ở vụ nuôi sau”.

Mục tiêu của mô hình nuôi cá nước ngọt thâm canh năm 2010 là nhân rộng nuôi đại trà nhằm tăng năng suất, hiệu quả kinh tế cho người dân. Do đó, Phòng NN-PTNT huyện Sơn Hòa có kế hoạch tổ chức tập huấn kỹ thuật nuôi cá nước ngọt cho nhiều hộ. Hiện nay, Sơn Phước là xã có nhiều hộ nuôi cá nước ngọt nhất, khoảng 40 hồ lớn, nhỏ.