00:00 Số lượt truy cập: 3046406

Sơn La: Người nông dân có mức thu mỗi ngày 1 triệu đồng 

Được đăng : 03/11/2016
Chỉ tay vào 6 cái ao nuôi ba ba được xây đắp khá cẩn thận, chị Vũ Thị Bình, nông dân bản Loọng Mòn, xã Huổi Một, huyện Sông Mã, tỉnh Sơn La phấn khởi nói: “100 con ba ba gai sinh sản và gần 300 con ba ba thương phẩm thì bình quân mỗi ngày tôi thu 1 triệu đồng.


Gian truân lập nghiệp.

Năm 1999, Vợ chồng chị Vũ Thị Bình rời nhà từ thị trấn Sông Mã về đầu bản Loọng Mòn. Tuy chỉ cách thị trấn mấy cây số nhưng đó là xã vùng 3, đặc biệt khó khăn của huyện. Bản có 31 hộ dân, đều trong diện đói, nghèo. Khi đó, có dịp đến với Sông Mã, hỏi thăm về anh chị, cũng có người bảo rằng: “Khổ lắm ! Nó hâm thật rồi. Đang nhà mặt đường thị trấn đàng hoàng, lại đi chui vào trong xó xỉnh ấy; điện, nước không có. Muốn xem tivi đã khó, nói gì đến làm kinh tế, lại còn chuyện học hành của 3 đứa con nữa chứ...”

Chị Bình chọn sườn đồi bỏ hoang ngay đầu bản với diện tích 8.000 m2 để trồng cà phê. “Mỗi ngày, vợ chồng tranh thủ đào lấy 25-30 hố trồng cà phê, tự ươm giống. Tích tiểu thành đại, sau nửa năm thì vườn cà phê của anh chị được đánh giá là mảnh vườn đẹp nhất khu này. Bằng kinh nghiệm trồng trọt sẵn có và sự nỗ lực học hỏi, đầu tư giống, vốn, chỉ 3 năm sau, gia đình chị đã có nguồn thu từ quả cà phê “Ai thấy vườn cà phê của tôi cũng suýt xoa: Nếu mà ở Thành phố thì khối người đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm”. Nhưng ngày đó giao thông từ tỉnh về huyện rất khó khăn, cà phê chẳng có người mua. “Sơ chế rồi cũng không bán được. Thất vọng, chúng tôi đành phá bỏ cà phê để trồng cây ăn quả. Niềm an ủi duy nhất còn lại ngày đó là đàn gia cầm nuôi được, đủ để cái thiện bữa ăn gia đình. Còn vốn liếng buổi đầu coi như đi tong! ”

“Vặt mũi bỏ mồm”

Gãi gãi mái tóc đã muối tiêu, chị Bình bảo: Mình đốn cà phê mà như chặt vào tay mình! Tối đến, ngồi ngoài sân, nhìn những gốc cà phê mới đốn; nhìn vào nhà thấy các con mình đang học dưới ánh đèn dầu, xót lắm! Nhiều lúc nghĩ không biết có phải mình đang làm khổ các con không ? Nếu không khéo là từ làm ăn lớn lại thành vặt mũi bỏ mồm. Nhưng không mạnh dạn thì sẽ chẳng có gì cả...

Chị bàn với chồng bán nốt mảnh đất còn lại ngoài thị trấn để đầu tư vào chăn nuôi và trồng cây ăn quả, đào ao thả cá. “Khi ấy phương châm là lấy ngắn nuôi dài, làm sao đủ ăn và nuôi các con học hành tiếp là coi như thắng lợi”, chị tâm sự. Vậy là từ trồng trọt là chính, nay chăn nuôi trở thành nghề “tay phải” của chị. “May là mình cũng mát tay, nuôi cái gì, được cái ấy. Mỗi năm xuất mấy tấn lợn; dăm tạ gà, vịt; vài ngàn quả trứng, lại bán được giá mới sướng chứ. Tuy thu nhập cả năm cũng chỉ được mấy chục triệu nhưng đã thấy mở mày, mở mặt".

Cuối năm 2006, trong một lần vã mồ hôi tìm mua ba ba gai để làm thực phẩm theo yêu cầu của khách, thấy giá ba ba thương phẩm lên tới 700 – 800 ngàn đồng/kg, tôi mới giật mình: Đất Sông Mã này là nguồn ba ba gai có tiếng, sao mình không nuôi? – anh Nghĩ kể - Sau mấy ngày vừa “thảo luận nội bộ”, vừa tìm hiểu thêm nguồn ba ba địa phương và giá cả thị trường, chúng tôi quyết định chuyển 2.000 m2 ao thả cá sang nuôi ba ba. Vốn? Câu hỏi đầu tiên mà mỗi nhà đầu tư đều phải có lời giải được vợ chồng chị Bình thông qua: Dồn tích cóp mấy năm qua + vay nợ, vào bản đặt với dân, khi nào bắt được ba ba cứ mang thẳng ra nhà, miễn đừng xây sát là mua tất, không phân biệt lớn nhỏ.. Vậy là chỉ trong thời gian ngắn, hơn 1 tỷ đồng tiền mặt đã chuyển hoá thành 6 ngăn ao nuôi ba ba cùng gần 100 con ba ba bố, mẹ và hơn trăm con ba ba thương phẩm (có trọng lượng từ nửa lạng đến hơn 1 kg).

Mài sắt – nên kim

Anh Nghĩ cười: “Kể từ khi nuôi ba ba, tôi mới biết trước đây mình đói nghèo trong tiềm năng no đủ. Vùng đất này nhiều ba ba gai sinh sống, vậy là vừa dễ kiếm giống để nhân đàn, vừa phù hợp môi trường tự nhiên cho ba ba phát triển. Cứ tích cóp dần, đến giờ, chưa kể ba ba sinh sản tôi đã có tới gần 300 con ba ba loại 1 kg đấy.”

Ba ba nuôi nếu đủ thức ăn, được chăm sóc đúng cách thì sinh trưởng và tăng trọng nhanh cho hiệu quả kinh tế cao. Đặc biệt là với ba ba gai - loại ba ba có lớp da ngoài xù xì, được khách ẩm thực ưa chuộng vì thịt thơm, da dày và giòn hơn hẳn giống ba ba trơn. Ba ba gai có thể tăng trọng 1,5 kg/năm và cứ 2 năm tuổi thì bắt đầu đẻ trứng sinh sản. Một con ba ba gai mới nở, sau một tuần đến 10 ngày có thể bán được giá vài trăm ngàn đồng. Còn ba ba gai thương phẩm thì giá hiện nay ở Sông Mã vẫn ngót nghét triệu bạc một cân.

Chị Bình vui vẻ: “Lúc đầu về đây cũng gian truân, vậy mà nay thấy cũng được đấy chú ạ. Chỉ tính riêng cái khoản thu từ ba ba, trừ chi phí thì mỗi ngày, đã có 1 triệu bạc. Nhờ làm trang trại mà cả 3 đứa con nay đều thành cử nhân. Cháu đầu vừa tốt nghiệp loại xuất sắc đại học quân. Cháu thứ ba vừa nhập học đại học Mỏ khoa dầu khí. Còn cháu thứ 2, đang học năm thứ hai Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội!

Còn với những người dân nơi đây thì vợ chồng chị Bình đã trở thành "cán bộ khuyến nông khuyến mại". Anh Khút Văn Lả, trưởng bản Loọng Mòn, bảo: Bà con ở đây đã học được nhiều cách làm hay, cách sống tốt từ vợ chồng chị Bình đấy. Chúng tôi coi vợ chồng chị Bình như người nhà !