Xắn ống quần chăn đàn bò, lướt xe ô-tô hối hả quanh co qua những cánh đồng cỏ trải dài xanh mướt kịp giờ giao sữa... đó là hình ảnh khá quen thuộc của những "ông chủ bò" trên cao nguyên Mộc Châu, Sơn La.
Ngành "công nghiệp trắng" đã trở thành một trong những hướng mũi nhọn ở Mộc Châu, cho kết quả nhiều gia đình đổi đời từ hai bàn tay trắng, vươn lên trở thành những triệu phú, tỷ phú. Không ít người đã trở thành những "Sao Thần nông", là những tấm gương tiêu biểu trong nông nghiệp của cả nước. Trên cao nguyên ấy, ngày càng xuất hiện nhiều ông chủ từng là cử nhân, quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Những triệu phú... nông dân
Chủ trang trại Nguyễn Văn Hải, ở đơn vị Vườn Ðào 1 của Thị trấn Nông trường, một trong gần 600 hộ chăn nuôi ở Mộc Châu mới hơn 30 tuổi, nhưng đã nổi tiếng từ vài năm nay vì khá thành công trong chăn nuôi bò sữa. Người đàn ông dáng người nhỏ nhắn, đang xúc từng cụm cỏ voi cho đàn bò trong chuồng ăn chia sẻ: "Bốn năm trước, với vốn hỗ trợ của Công ty bò sữa Mộc Châu, từ sáu con tôi nuôi tăng dần, đến nay có 34 con bò sữa, thay nhau cho sữa, hiện sáu con đang cho khai thác sữa, với sản lượng gần hai tạ sữa một ngày". Người ta thường nói "nuôi tằm ăn cơm đứng" nhưng ở cao nguyên này, "nuôi bò cũng... ăn cơm... đứng" bởi làm nghề này vất vả từ mờ sáng đến gần nửa đêm. Anh Hải bảo, cả ngày chỉ lo vắt sữa và cho bò ăn liên tục, người không ăn còn được chứ bò đến thời điểm vắt sữa là phải vắt. Anh và gia đình đều đặn thức giấc từ bốn giờ sáng để vắt sữa. Mỗi con bò sữa trị giá những 30 triệu đồng/con mà mất sữa thì coi như hỏng.
Có mặt trong trang trại của anh Hải vào giờ vắt sữa, mới thấy quy trình chăn nuôi bò sữa khép kín bây giờ trở nên "công nghiệp hóa". Ngày trước, trời chưa kịp sáng, cả nhà ra đồng cắt cỏ mang về cho đàn bò nhưng bây giờ nào máy cắt cỏ, băm cỏ... rồi cả máy vắt sữa nhập ngoại giúp cho gia đình anh tiết kiệm thời gian và công sức. Trong số con bò khai thác sữa, trung bình cho sản lượng 30 kg sữa/ngày/con. Theo anh Hải, một con bò sữa trung bình cho 11,5 tấn sữa cho một chu kỳ mười tháng. Sữa tươi bán cho Nhà máy sữa Mộc Châu với giá ổn định, có khi lên tới 8.600 đồng/kg. Trong khu trang trại của mình, anh dành hẳn một ngôi nhà đựng cỏ, cỏ khô và cỏ tươi, trong đó có loại cỏ khô nhập từ Mỹ có hàm lượng đạm và chất xơ cao gấp cả chục lần cỏ của Việt Nam, để cho ra dòng sữa có chất lượng. Hiện nay, tiêm phòng vắc-xin cho bò của các hộ chăn nuôi ở Mộc Châu không phải trả tiền, phối giống cho bò để phát triển đàn bò sữa cao sản cũng không mất tiền. Giờ đây, với thu nhập hàng trăm triệu từ ba năm tích cóp, anh Hải có thể tự tin để dự định sẽ mở rộng và tiếp tục nâng cấp hệ thống chuồng trại, hố ủ thức ăn chua, đồng thời tiếp tục đầu tư mua sắm các thiết bị, máy vắt sữa, máy cắt cỏ...
Cử nhân "yêu" bò sữa
Nhìn cơ ngơi của bà Phạm Thị Lịch, ở đơn vị 26-7, thị trấn Nông trường Mộc Châu, chủ nhân giải "Sao Thần nông" với đàn bò 35 con trị giá xấp xỉ cả tỷ đồng, giàn máy vắt sữa trị giá 45 triệu, máy cắt cỏ, máy cày bừa, ít ai nghĩ đến từ cách đây gần 20 năm, vợ chồng bà mới từ quê nhà Thái Bình lên Mộc Châu lập nghiệp. Trên cánh đồng cỏ nhà bà xanh mướt mắt, gốc to, mập, lá non, bà Lịch giới thiệu, đây là loại cỏ yến mạch, rất hợp với bò vào mùa đông. Ðến thăm nhà bà Lịch, ai nấy đều ngạc nhiên vì đàn bò sữa 40 con nhưng chỉ có sự chăm sóc của ba lao động, mỗi tháng mang lại cho gia đình bà 50 triệu đồng. Càng ngỡ ngàng khi biết thấy cậu con trai Phan Doãn Huấn (sinh năm 1982) có trong tay tấm bằng cử nhân của Học viện Bưu chính Viễn thông, được nhiều cơ quan nhà nước ở Sơn La mời làm việc, nhưng Huấn từ chối, ở nhà nuôi bò với mẹ.
Sức hút của làm kinh tế trang trại đang đà phát triển khiến Huấn quyết tâm thực hiện ước mơ của mình ngay trên quê hương. Huấn đang thử nghiệm gieo một loại cỏ giống mới năng suất cao để thâm canh, gối vụ, xen trồng ngô để tận dụng hết diện tích gần tám ha đất đủ cỏ ăn cho số lượng bò lớn hơn. Huấn cho biết, nuôi bò sữa bây giờ cần giảm thức ăn tinh, cho tăng thức ăn xanh, năng suất sữa sẽ tăng lên trông thấy. Ðàn bò của gia đình anh thường cho năng suất sữa khoảng 45 kg/ngày. Huấn khoe, kế hoạch của mình về việc đầu tư máy cắt cỏ, hệ thống tưới tiêu, chuồng trại để mua những đàn bò mới. Trên cao nguyên Mộc Châu, những ông chủ trẻ như Phan Doãn Huấn này không phải là ít. Mảnh đất cao nguyên trù phú và giàu tiềm năng đã và đang khiến nhiều thanh niên sau khi tốt nghiệp đại học trở về làm việc, có nhiều cơ hội quản lý và phát triển mạnh mẽ trang trại bò sữa.
10 tỷ đồng bảo hiểm giá sữa và vật nuôi
Năm ngoái, chứng kiến "cơn bão" melamine tràn tới, khiến người nuôi bò ở nhiều vùng phải đổ bỏ sữa, trong khi nuôi bò có vốn lớn nhưng rủi ro lại cao so với các vật nuôi khác, bài học từ những thất bại của những đợt xuống giá khiến người nông dân nuôi bò sữa Mộc Châu lao đao khiến chính họ phải tự cứu mình. Công ty cổ phần giống bò sữa Mộc Châu xây dựng hai loại hình bảo hiểm, bảo hiểm vật nuôi và bảo hiểm giá sữa cho những nông dân trong vùng nguyên liệu của mình.
Theo đó, khi bán sữa cho công ty, nông dân sẽ trích nộp vào quỹ 50 - 100 đồng/kg sữa, nếu giá sữa giảm 30%, công ty sẽ bù cho người nông dân 60% của số tiền bị giảm để chia sẻ cùng người nông dân. Về bảo hiểm vật nuôi, ban đầu, người nông dân đóng một bò sinh sản nộp 250 nghìn, bò to là 200 nghìn, tất cả hộ chăn nuôi khi mua bảo hiểm vật nuôi sẽ được bồi thường gấp mười lần số tiền bảo hiểm khi vật nuôi chết. Chị Lê Thị Thoa, một chủ trang trại nuôi bò có sản lượng sữa kỷ lục hiện nay ở Mộc Châu, với con bò cho 50 kg sữa/ngày cho biết: Dịch vụ bảo hiểm tiến hành chi trả đền bù nhanh chóng chia sẻ được một phần không nhỏ đối với rủi ro của người dân nên chúng tôi tự nguyện tham gia. Có quỹ, chúng tôi yên tâm hơn trong sản xuất kinh doanh và cảm thấy gắn bó với công ty hơn.
Ông Trần Công Chiến, Chủ tịch HÐQT, Giám đốc Công ty cổ phần giống bò sữa Mộc Châu cho biết, trong ba năm qua, quỹ đã đền bù cho người chăn nuôi một khoản tiền tương đối khi có tới 672 con bò bị chết. Ðây là một hành động chia sẻ kịp thời những rủi ro cho nông dân để nông dân yên tâm phát triển đàn bò. Cho tới nay, quỹ bảo hiểm đã có năm tỷ đồng và tiến tới sẽ nâng lên mười tỷ đồng. Trong khi bảo hiểm nông nghiệp gần như bị bỏ trống, mô hình bảo hiểm này được người nông dân và doanh nghiệp gây dựng, đã kết nối bền chặt giữa họ với nhau. Cục Chăn nuôi cũng đánh giá, cách làm này đã đem lại hiệu quả tích cực và rất cần được nhân rộng trong thời gian tới.
Tiềm năng cho thị trường sữa Việt Nam
Hơn 50 năm, kể từ khi con bò sữa ngoại nhập đầu tiên có mặt tại Mộc Châu, đến nay cao nguyên này lai tạo được những giống bò thích hợp với thổ nhưỡng, chịu được khí hậu Việt Nam và cho năng suất sữa rất cao. Việc nuôi bò sữa được khoán theo hộ gia đình khá thành công khi số lượng hộ chăn nuôi quy mô lớn tăng lên hằng năm. Công ty cổ phần giống bò sữa Mộc Châu hiện có hơn 1.000 ha đất trồng trọt, mười đơn vị chăn nuôi với tổng đàn bò sữa hiện tại gần 4.000 con. Ông Trần Công Chiến, Chủ tịch HÐQT, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần giống bò sữa Mộc Châu cho biết, để con bò cao sản muốn cho sữa nhiều và hàm lượng dinh dưỡng cao, từ đầu năm 2009, công ty áp dụng hướng dẫn bà con mô hình cho bò ăn theo nhu cầu. Với kết quả cho lượng sữa tăng 18%, cách làm này đang mở ra mô hình chăn nuôi mới, tiên tiến và hiệu quả hơn.
Với định hướng phát triển của Công ty cổ phần giống bò sữa Mộc Châu đến năm 2011, phấn đấu đạt 7.000 con bò sữa, sản xuất ra 20.000 tấn sữa/năm, trong đó tăng tỷ lệ sinh học 650 con/năm, còn lại phải nhập thêm khoảng 500 con. Kế hoạch đi tắt đón đầu của Mộc Châu để đạt được mục tiêu chung của ngành sữa cả nước là tăng đàn bò từ 10 con/hộ hiện nay lên 15-25 con/hộ, mở rộng vùng trồng cỏ chăn nuôi với hơn 400 tấn/ha, có như thế một ha mới có thể nuôi được mười con bò sữa trong ba năm, đồng thời khuyến khích hộ nông dân quanh vùng trồng ngô làm thức ăn cho bò. Cao nguyên Mộc Châu, trung tâm chăn nuôi bò sữa lớn nhất cùng với cả nước đang hướng tới chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020, với mục tiêu đến 2010 Việt Nam sẽ có 200.000 bò sữa, 2020 là khoảng 500.000 con, sản xuất hơn một triệu tấn sữa/năm, đáp ứng 40% nhu cầu tiêu dùng của người dân.