Sông Thị Vải là một nhánh thuộc sông Đồng Nai. Vì vậy, không chỉ người dân nuôi nghêu ở Cần Giờ bị nguồn nước ô nhiễm này tấn công, người nuôi cá bè trên sông Đồng Nai cũng chung số phận. Ảnh: Lê Quang Nhật
Từ năm 2002, Cần Giờ có diện tích sân nghêu lên đến 2.800ha, bao gồm ở các xã Long Hòa, Lý Nhơn và thị trấn Cần Thạnh. Nghề nuôi nghêu phát triển đã góp phần giải quyết việc làm cho nhiều lao động địa phương, nhiều cư dân địa phương đã khá và giàu lên vì nghề này. Năm 2007, do triển khai công trình khu đô thị lấn biển Cần Giờ, nên diện tích sân nghêu đã giảm khoảng 600ha. Hiện nay nghề nuôi nghêu chủ yếu tập trung nhiều ở thị trấn Cần Thạnh (1.165ha), xã Lý Nhơn (300 ha) và Long Hoà (164ha) với năng suất 10 – 15 tấn/ha. Tuy nhiên, từ tháng 12.2007 đến nay, đã xuất hiện tình trạng nghêu chết hàng loạt: khoảng 730ha nghêu bị ảnh hưởng, 560 gia đình bị thiệt hại về sản lượng nghêu thịt, nghêu giống, trị giá gần 200 tỉ đồng. Ông Nguyễn Thanh Lương, trưởng phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Cần Giờ cho biết, có nơi lượng nghêu chết lên đến 70 – 80%, làm nhiều hộ dân trắng tay, và mắc nợ ngân hàng. Cần Giờ đang vào mùa thả giống nghêu, nhưng người dân chờ cơ quan chức năng kết luận về nguyên nhân nghêu chết trước khi tiếp tục thả nuôi.
Theo chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản (sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP.HCM), nghêu chết do nguồn nước bị nhiễm chất BOD rất cao, vượt ngưỡng cho phép trong nuôi trồng thuỷ sản nước lợ, nước mặn. Kết quả phân tích trên các mẫu cho thấy: chỉ số thấp nhất cũng trên 15mg BOD/lít, trong khi mức giới hạn cho phép để nuôi nghêu là dưới 10mg BOD/lít. Ngoài ra, sự phát triển quá mức của một số loài tảo mà nguyên nhân được xác định là do môi trường nước đang bị ô nhiễm nghiêm trọng. Các cơ quan như: chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản; chi cục Bảo vệ môi trường đã nhiều lần quan trắc, nhưng do nguồn gây ô nhiễm không xuất phát từ thành phố, nên thành phố đã không giải quyết được hậu quả.
Các cử tri Cần Giờ kiến nghị thành phố đề nghị hai địa phương mà sông Thị Vải đi qua (Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu), kể cả bộ Tài nguyên môi trường cần có các biện pháp xử lý, ngăn chặn các doanh nghiệp, các khu công nghiệp xả nước thải ra gây ô nhiễm cho con sông. Ông Bùi Văn Khê, ủy viên UBND huyện Cần Giờ đề nghị thành phố phải xây dựng hệ thống thông tin về tình hình ô nhiễm để khuyến cáo cho người dân trong việc nuôi nghêu, chứ hiện nay, họ hoàn toàn mù tịt về các thông tin môi trường.