00:00 Số lượt truy cập: 3042225

Sông chết, người khốn khổ 

Được đăng : 03/11/2016


 

Đứng nhìn nước sông ô nhiễm, bốc mùi hôi thối nồng nặc, người ngư dân già Nguyễn Khánh Hoàng (ở huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai) thở dài mơ tưởng chuyện ngày xưa: “Mới cách đây hơn mười năm, tui với con cháu còn bơi lội, tắm sông đùng đùng. Hồi đó nước vẫn trong xanh, dân chài kéo nhiều mẻ cá nặng mỏi cả tay. Bây giờ, đến người ở trên bờ còn khó thở, nói gì con cá dưới dòng nước đen thúi này…”.

Không thở nổi

Cũng như ông Hoàng, nhiều người dân Nhơn Trạch đang rất lo lắng tình trạng sông Thị Vải bị ô nhiễm. Theo chân ông Trần Tiến Nhạn - cán bộ nông nghiệp xã Long Thọ (Nhơn Trạch), tôi chứng kiến tận mắt cảnh khổ của người dân. Mới 8 giờ sáng, chị Lê Thị Hà (ở ấp 3) vẫn buồn rười rượi, ngồi đợi mưa xuống để làm loãng bớt nước cống đen ngay sát hông nhà. “Cả đêm qua tui đóng kín mít cửa, rồi đeo khẩu trang chui vô mùng vẫn không thoát khỏi mùi hôi. Dù ở lâu quen rồi nhưng nhiều đêm vẫn không ngủ nổi, mùi nặng đến khó thở” - chị nói.

Mới đầu giờ sáng, cái cống gần nhà chị Hà đang ồ ạt tuôn ra dòng nước đen đặc, nồng mùi khăm khẳm. Nhưng theo cả ông Nhạn lẫn chị Hà, đó chỉ là lượng nước rất nhỏ so với ban đêm, vì các nguồn xả nước ô nhiễm thường lén lút đổ nhiều vào lúc mọi người đi ngủ. Tuy nhiên, cái cống này cũng mới chỉ là một nhánh thoát nước thải từ cụm khu công nghiệp gần đó. Dân địa phương còn đang phải ngày ngày chịu đựng thêm mấy nguồn nước thải công nghiệp khác. Nhiều hôm triều cường, nước sông Thị Vải tràn lên cả ao, vườn, nhà cửa, rồi rút đi để lại một lớp bùn đen quánh, nồng nặc mùi hôi.

Theo ông Nhạn, xã Long Thọ là một ngã ba ô nhiễm nặng nhất huyện Nhơn Trạch. Dân địa phương cùng lúc vừa chịu đựng nguồn nước thải của các khu công nghiệp gần đó, vừa hứng dòng nước ô nhiễm từ sông Thị Vải. Lúc tôi ghé nhà, chị Nguyễn Thị Tư (ở ấp 3) đang lầm lũi nhặt gạch đá để trám tạm các vết sạt, nứt loang lổ trên nền và tường nhà. Chị nói nước ô nhiễm thường xuyên dâng ngập, làm nhà chị xuống cấp nhanh chóng, nhiều gia đình trong ấp cũng khổ sở vì tình trạng này.

Điều người dân lo lắng nhất chính là sức khỏe của họ giảm sút khi phải chung sống với con sông ô nhiễm. Khoảng mười năm gần đây, chị Tư và nhiều người hàng xóm thường xuyên bị những cơn nhức đầu, khó thở, mệt mỏi, ghẻ lở. Không chỉ người già yếu, ngay cả thanh niên cũng bị tình trạng này. Hoa, con gái chị Tư, mới 22 tuổi, đã thường xuyên phải đi khám bệnh vì những cơn nhức đầu dai dẳng, bác sĩ nói rằng cô bị viêm xoang do môi trường ô nhiễm, cho các toa thuốc uống triền miên.

Chỉ cho tôi xem cái giếng đóng sâu 15m nằm kế bên cống nước đen, chị Tư nói gia đình vẫn ngày ngày phải nhắm mắt nhắm mũi ăn uống nước này. Hàng xóm của chị như cô Phạm Thị Thắm, Lê Thị Hà cũng chỉ biết thở dài: “Ô nhiễm thì chưa chết liền, nhưng làm sao chịu khát được?”.

Từ huyện Nhơn Trạch, tôi đi qua các xã Phước Thái, Phước Bình thuộc huyện Long Thành (Đồng Nai), rồi lên huyện Tân Thành (Bà Rịa - Vũng Tàu), đến đâu cũng tận mắt chứng kiến cảnh khổ sở của người dân vì ô nhiễm. Hầu như suốt chiều dài 10km từ xã Long Thọ đến xã Mỹ Xuân (huyện Tân Thành), “dòng nước chết” của con sông Thị Vải len lỏi vào tận từng ao, vườn, nhà cửa người dân ở gần bờ sông.

Người trên bờ “chết” theo sông

Sông Thị Vải đã lan tỏa ô nhiễm rất rộng. Nhiều ngư dân ở tận xã đảo Thạnh An, huyện Cần Giờ cho biết lượng hải sản tự nhiên khu vực sụt giảm 50-60% so với cách đây hơn mười năm, vì dòng ô nhiễm từ sông này lan đến. Cần Giờ có 2.800ha nuôi nghêu cũng thường xuyên thất bát, thậm chí nghêu chết đến 70-80%. Một thống kê của Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện này cho biết khoảng 730ha nghêu đã bị ảnh hưởng, với 560 gia đình bị thiệt hại trị giá khoảng 200 tỉ đồng.

Dẫn tôi đi xem chòm nhà lá xác xơ của mình và các con cháu bên bờ sông Thị Vải, ông Ngọc than thở: “Bận tui mới qua miệt này, cá tôm nhiều vô kể. Nhiều đêm cha con đi chài về, ăn không hết mà bán cũng không kịp, phải phơi khô, làm mắm ăn dần. Bây giờ tìm cá ở khúc sông Thị Vải này còn khó hơn tìm vàng dưới đáy sông”. Dõi mắt nhìn ra xóm nhà quạnh hiu, ông Ngọc nói ngư dân trên sông Thị Vải đã phải bỏ lưới, bỏ thuyền cả mươi năm nay, từ khi Nhà máy Vedan và các cụm khu công nghiệp mọc lên chi chít dọc bờ sông.

Người sông nước phải lên bờ giống như bị chặt chân. Ông Ngọc và con cháu cố gắng giữ các ao nuôi tôm quảng canh. Họ không dám đầu tư nuôi công nghiệp, vì biết với nguồn nước ô nhiễm này sẽ có ngày cha con phải ra hầu tòa vì thất bát, nợ nần, nhưng ngay cả nuôi quảng canh theo kiểu phó mặc cho trời đất cũng đang ngày càng khó khăn. Là người có kinh nghiệm xử lý nguồn nước lâu năm, ông Ngọc thường chờ thủy triều lên và canh thời điểm buổi sáng Vedan và các nhà máy ít thải nước ô nhiễm để lấy nước sông vào các vuông tôm của mình. Gần đây, ông đành bó tay! Hầu như Thị Vải lúc nào cũng là “dòng sông chết”, cứ dẫn nước vào ao là tôm cá nổi lềnh bềnh, ngoi ngóp thở, rồi dần dần chết trắng. Con nào dai sức chịu đựng nổi thì cũng “bị chai”, không thể lớn được. Càng nuôi càng lỗ, gia cảnh ông Ngọc ngày càng lụn bại!

Sông “chết”, trên bờ cũng tiêu điều theo. Ngược dòng sông Thị Vải, tôi đi đến đâu cũng chứng kiến nhiều ao, đùng nuôi trồng thủy sản phải bỏ hoang vì nguồn nước ô nhiễm. Ở ấp 3, xã Long Thọ (huyện Nhơn Trạch), ông Lê Văn Dũng là người có tay nghề nuôi tôm công nghiệp cha truyền con nối nhưng cũng đành bất lực với nước sông Thị Vải. Ông kể gần đây phải làm vuông kép, trong đó có một vuông dành nuôi tôm, còn một vuông chỉ để dẫn nước vào lắng, lọc, xử lý bớt chất ô nhiễm rồi mới cho vào vuông nuôi tôm. Dù vậy, năng suất nuôi tôm khu vực này vẫn đang tụt giảm nhanh chóng. Bây giờ, ông Dũng đành phải cho người khác thuê lại hầu hết diện tích vuông tôm của mình. Còn ông chỉ giữ lại phần nuôi quảng canh, để “trời thương thì trời cho”.

Theo tâm sự của cư dân ven sông Thị Vải, mỗi năm sông này càng ô nhiễm nặng và họ càng khó khăn hơn. Người có đất cũng khổ. Những cư dân nghèo không có nổi cục đất chọi chim, phải sống nhờ cá tôm trời cho lại càng khổ hơn. Ở ấp 3 (xã Long Thọ), từ khi không còn tôm cá tự nhiên, vợ chồng ngư dân Nguyễn Thị Tư phải bỏ ghe lên bờ. Chồng đi làm công nhân bòn mót từng đồng nuôi gia đình. Còn những người không vào được nhà máy thì tự lăn lộn, đợi ai thuê gì làm nấy.

Ở ấp Bến Đình (xã Mỹ Xuân, huyện Tân Thành), anh lái xe ôm Lê Văn Quân gần muốn khóc khi tâm sự gia cảnh mình. Ngày xưa, sông Thị Vải còn nhiều tôm cá, anh ngư dân này tự do mưu sinh trên sông nước và nuôi được cả gia đình. Bây giờ cá tôm không sống được với sông nữa, người cũng khổ theo. Thời gian đầu anh còn cố chèo ghe qua tận Thạnh An, Cần Giờ (TP.HCM) để làm ăn. Nhưng ghe nhỏ không chịu nổi biển lớn, sóng to nguy hiểm, anh đành lên bờ chạy xe ôm. Người em trai Lê Văn Mỹ của anh cũng đồng cảnh. Ngày ngày hai anh em còng lưng chở khách đi dọc bờ con sông chết mà rơi nước mắt.

Biết bao giờ sông sẽ hồi sinh?