Áp dụng kỹ thuật làm cỏ, khử lẫn cơ học giúp lúa đẻ nhánh mạnh và tăng độ đồng đều cho đồng lúa.
Chỉ tính riêng việc sử dụng phân hợp lý, bón đúng, bón đủ và hạn chế dùng thuốc trừ sâu như trước đây, anh Song đã giảm gần 3 triệu đồng/ha, điều ấy đồng nghĩa với việc lợi nhuận gia tăng thêm 3 triệu đồng so với kiểu canh tác cũ. Mặt khác, nhờ canh tác khoa học nên cá thiên nhiên, cá đồng xuất hiện nhiều trên đồng lúa, anh giăng lưới, thả câu cải thiện thêm bữa ăn hàng ngày.
Bước sang năm 2012, lợi nhuận từ trồng lúa lại gia tăng chủ yếu nhờ thay đổi cơ cấu giống. Vụ 1 anh Song canh tác lúa thơm ngắn ngày, vụ 2 anh cấy giống lúa tài nguyên địa phương. Cuối năm, trừ hết chi phí anh lãi thuần hơn 25 triệu đồng (chưa kể dành hàng trăm kg lúa dư nuôi đàn gà, vịt trên 100 con). Trong khi nhiều gia đình tìm mối bán lúa khó khăn thì gia đình anh Song có đầu mối tiêu thụ ổn định. Lý do theo anh cho biết là chọn giống tốt, ứng dụng canh tác hợp lý, hạt lúa no, sáng rực, thương lái mua vào, chà lúa đạt tỷ lệ gạo cao hơn nên họ luôn ưu tiên mua lúa của anh.
Thấy anh làm ăn tốt, Liên minh HTX tỉnh Bạc Liêu phối hợp Hội Nông dân đã đầu tư mô hình nuôi gà ta tại nhà anh Song, sử dụng thức ăn tận dụng chủ yếu từ lúa. Trồng lúa, nuôi gà giúp gia đình anh Song thu lãi chung hàng năm trên 30 triệu đồng. Hiện đàn gà anh Song đang gia tăng số lượng, anh tự nhân giống tại chỗ, lứa nhỏ nối lứa lớn, duy trì ở mức vài trăm con/lứa, được hậu thuẫn từ đám lúa ngoài đồng, đàn gà no béo và dễ bán.
Từ mô hình trồng lúa, nuôi gà ta ăn nên làm ra của anh Song, Huyện đoàn Vĩnh Lợi (Bạc Liêu) đã tổ chức cho nhiều nhóm đoàn viên thanh niên tham quan, học hỏi và khuyến cáo nhân rộng mô hình hữu hiệu trên.