Tỷ giá ngoại tệ tăng tác động tới tâm lý giới kinh doanh phân bón, cùng với giá lúa cao trong tháng 11 và các nguyên nhân khác, đã kích hoạt cơn sốt giá phân bón trên thị trường trong hơn 2 tuần qua, bất chấp nguồn cung phân bón trong nước dư thừa so với nhu cầu vụ sản xuất lúa đông xuân.
Cung dư giá vẫn tăng
Nông dân các tỉnh ĐBSCL hiện nay đang bước vào gieo sạ vụ lúa đông xuân. Trong hai tuần qua, mỗi khi họ tới đại lý cấp 1, cấp 2 mua phân bón, thì lại thấy giá phân tăng vù vù, mặc dù dự báo của ngành nông nghiệp lẫn các doanh nghiệp kinh doanh phân bón đều cho rằng nguồn cung phân bón trên thị trường dồi dào.
Trong những ngày đầu tháng 12, giá phân bón trên thị trường tăng 10 - 15% so với đầu tháng 11, tùy theo loại nhưng bình quân giá phân tăng thêm 500 - 1.000 đồng/kg.
Tại An Giang, giá phân urea của Nhà máy đạm Phú Mỹ và của Trung Quốc bán lẻ tăng hơn 1.000 đồng/kg, đạt mức 6.600 đồng/kg; còn phân urea của Nga lên 6.800 đồng/kg. Phân DAP cũng tăng giá mạnh, loại nhập của Trung Quốc đạt 6.800 đồng/kg, còn DAP của Philippines vọt lên 12.200 đồng/kg. Nhiều loại phân khác như NPK, kali cũng đều tăng giá.
Theo tính toán của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, nhu cầu phân bón năm 2009 không biến động nhiều so với năm ngoái. Dự kiến nhu cầu phân bón cho nông nghiệp sẽ vào khoảng 8 - 8,5 triệu tấn phân bón các loại. Trong đó, urea cần khoảng 1,7 triệu tấn; NPK cần 2,5 - 3 triệu tấn; phân lân 1,7 triệu tấn; kali 800.000 tấn; DAP cần 750.000 tấn và phân bón SA cần 750.000 tấn.
Trong khi đó. phân urea sản xuất trong nước năm 2009 đạt khoảng 950.000 tấn, còn lại phải nhập 750.000 tấn. Phân DAP dự kiến sản xuất được 150.000 – 160.000 tấn, còn lại phải nhập khẩu khoảng 600.000 – 650.000 tấn. Riêng phân lân và phân phức hợp NPK thì các nhà máy trong nước hoàn toàn đáp ứng đủ nhu cầu, thậm chí còn dư thừa.
Lượng phân nhập khẩu trong 11 tháng qua cũng tăng mạnh so với năm ngoái, với 3,9 triệu tấn, tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái; riêng urea hơn 1,2 triệu tấn, tăng gấp đôi so với cùng kỳ. Như vậy loại phân chính là urea xem như sản xuất trong nước và nhập khẩu dư thừa so với nhu cầu.
Một số doanh nghiệp nhập khẩu phân tham gia giao dịch tại chợ đầu mối phân bón Trần Xuân Soạn, TPHCM, cho biết họ tăng mạnh nhập khẩu là do khủng hoảng tài chính kinh tế toàn cầu, khiến trong gần cả năm qua, giá phân trên thị trường thế giới giảm. Cụ thể 11 tháng, sản lượng phân nhập cả nước tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái nhưng kim ngạch thì giảm 15%.
Ăn theo giá lúa gạo
Vài năm gần đây, gần như một quy luật là cứ giá lúa gạo tăng cao thì sau đó, giá phân bón leo thang, bất kể nguồn cung trên thị trường dư thừa. Năm ngoái cũng vậy, sau cơn sốt giá lúa gạo vào cuối tháng 4 thì sau đó giá phân bón lên cơn sốt mà có lúc phân DAP vượt qua 20.000 đồng/kg.
Một doanh nghiệp nhập khẩu phân bón cỡ lớn cho biết tỷ giá ngoại tệ tăng từ cuối tháng 11 đã làm tăng chi phí cho nhập khẩu phân bón, hơn nữa, việc thương thảo mua ngoại tệ để trả cho nước ngoài khi nhập phân cũng khó khăn, khiến các doanh nghiệp kinh doanh phân bón phải tính toán lại giá bán phân cho phù hợp.
Đó là nhà nhập khẩu, còn các đại lý buôn bán phân ở tỉnh, huyện thì có cái nhìn thực tế hơn. Họ cho rằng giá lúa gạo tăng cao, nên nông dân rủng rẻng tiền bạc để mua phân tích trữ đầu tư cho vụ sản xuất đông xuân đang gieo sạ ở ĐBSCL hiện nay.
Hai lý do này diễn ra trong cùng một thời gian đã kích hoạt giá phân bón tăng mạnh, mà theo ông Nguyễn Đình Hạc Thúy, Phó chủ tịch Hội phân bón Việt Nam, đã tạo nên cơn sốt ảo trong ngắn hạn trên thị trường.
Tung hàng để dập sốt
Với năng lực sản xuất hơn 750.000 tấn urea cùng với lượng phân nhập khẩu, Tổng công ty Phân bón và Hóa chất Dầu khí (có Nhà máy đạm Phú Mỹ) được xem là con át chủ bài của nhà nước trong giữ nhịp thị trường phân urea.
Ông Phan Đình Đức, Tổng giám đốc cho biết doanh nghiệp đã đưa lượng hàng lớn urea Phú Mỹ tới các kho trung chuyển vùng miền, cung ứng đủ và kịp thời nhu cầu của nông dân, góp phần làm hạ nhiệt giá phân bón đang tăng ảo trên thị trường.
Hiện doanh nghiệp này xây dựng được hệ thống phân phối với đầu mối là 5 công ty, 42 cửa hàng trực thuộc và 58 đại lý với hơn 3.650 cửa hàng tại các vùng miền trên cả nước.
Ông Đức cho biết thêm, trong năm nay, doanh nghiệp dự kiến sản xuất 750.000 tấn urea và cùng với lượng nhập khẩu, đưa lượng bán ra thị trường khoảng 1 triệu tấn phân bón.
Còn Tổng công ty hóa chất Việt Nam (Vinachem), nhà sản xuất phân bón lớn hiện nay thì cho rằng mình còn tồn kho hơn 660.000 tấn để tung ra thị trường.
Nguồn cung từ Vinachem cùng với của Nhà máy đạm Phú Mỹ được hy vọng là sẽ giúp thị trường phân bón bình ổn trở lại trong thời gian ngắn tới đây.
Trước năm 2004, khi Nhà máy đạm Phú Mỹ chưa đi vào hoạt động, Việt Nam gần như phụ thuộc hoàn toàn vào phân urea nhập khẩu, loại phân không thể thiếu trong sản xuất nông nghiệp, do vậy hàng năm thường xảy ra các đợt biến động giá khiến nông dân lao đao.
Tuy nhiên, sau năm 2004, tình hình đã thay đổi sau khi Nhà máy đạm Phú Mỹ hoạt động và đáp ứng 45% nhu cầu của thị trường phân urea.