00:00 Số lượt truy cập: 2996635

Sốt giá phân bón ở đồng bằng sông Cửu Long - Nông dân ngổn ngang tâm trạng 

Được đăng : 03/11/2016
Vụ đông xuân, giá lúa tăng cao, nên khi bước vào đầu vụ hè thu, nông dân phấn khởi ồ ạt xuống giống. Thế nhưng, sự phấn khởi chẳng bao lâu lâu đã thế chỗ cho nỗi lo phân bón tăng giá từ 3 đến 5 lần.

Trong những ngày này, về nông thôn vùng ĐBSCL, không còn nghe bà con xôn xao bàn chuyện giá lúa, mà ai cũng nóng lòng muốn Nhà nước có chính sách kềm giữ giá phân bón...

Chi phí vật tư vụ hè thu tăng cao

Giá các loại phân bón ở các tỉnh, thành ĐBSCL sau một thời gian ngắn giảm nhẹ lại tăng vọt; trong đó phân DAP Trung Quốc hiện đã lên đến 1.300.000 - 1.350.000 đồng/bao (tăng 400.000 - 450.000 đồng/bao so với thời điểm cuối vụ xuân hè), phân urê giá 440.000 đồng/bao, phân NPK 750.000 - 760.000 đồng/bao (tăng từ 130.000 - 160.000 đồng/bao so với đầu tháng 4).

Nông dân ở Hậu Giang, Cần Thơ cho biết: Các loại thuốc bảo vệ thực vật giá cũng tăng vọt, như: Thuốc diệt cỏ các loại từ 68.000 - 75.000 đồng/chai (vụ đông xuân 2007 - 2008) vọt lên khoảng 140.000 đồng/chai. Chess - loại thuốc nhiều nông dân ở Hậu Giang thường sử dụng dập dịch rầy nâu - lúc bắt đầu xuống giống vụ hè thu 2008 giá 7.000 - 8.000 đồng/gói, hiện nay đã tăng gấp đôi...

Theo tính toán của một số bà con nông dân ở Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, với giá vật tư nông nghiệp như hiện nay, chi phí vụ hè thu 2008 tăng thêm xấp xỉ 3 triệu đồng/ha, trong khi đây là vụ sản xuất mà năng suất không cao bằng vụ đông xuân; thu hoạch lại rơi vào thời điểm mưa lũ.

Hiện toàn vùng ĐBSCL đã gieo sạ trên 80% diện tích vụ hè thu (khoảng 1,5 triệu hécta) với nhu cầu phân bón chiếm khoảng 50 - 60% nhu cầu phân bón của cả nước, nên tình trạng giá phân bón liên tục tăng đang khiến nông dân rất lo lắng...

Tiếc rẻ vì không trữ phân


Ông Hồ Văn Bún - Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Vĩnh Hưng - cho biết, hầu hết 26.000ha lúa hè thu trong huyện đều đã xuống giống xong ngay trong đợt 1. Năm nay, diện tích vụ hè thu trong huyện tăng gần 1.000ha. Do tác động của cơn sốt giá lúa vào cuối tháng 4, bà con Vĩnh Hưng đã đồng loạt ra đồng xuống giống đông vui như đi dự hội.

Ông Bún cho biết, bà con nông dân Vĩnh Hưng có thói quen trữ phân bón cho vụ tới ngay sau khi thu hoạch và bán lúa của vụ trước. Vì vậy mà vụ hè thu này hầu hết bà con đã trữ sẵn phân bón khi giá còn chưa tăng cao - khoảng 1 triệu đồng/bao DAP. Chỉ sau vài tuần, hiện giá DAP tại Vĩnh Hưng đã tăng lên 1,3 - 1,4 triệu đồng/bao tuỳ loại.

Nhiều hộ nông dân ở huyện Tân Thạnh đang tiếc rẻ vụ đông xuân vừa rồi, năng suất lúa ở huyện Tân Thạnh đạt cao nhất tỉnh Long An - khoảng 7 tấn/ha, thế mà hầu hết nông dân đều bán lúa ngay sau khi thu hoạch lại không mua trữ phân bón lúa như mọi năm. Nguyên do là vì lúc ấy giá phân bón cũng đã lên cao (1 triệu đồng/bao), trong khi báo chí, rồi cán bộ nông nghiệp trong huyện liên tục tuyên truyền giá phân bón sẽ xuống thấp trở lại, nên nhiều người giữ tiền thay vì mua trữ phân bón.
 
Vợ chồng bà Nguyễn Thị Ngọc Thu - nông dân ở khu phố 3 thị trấn Tân Thạnh - đang "lục đục" vì chuyện phân bón tăng giá. Cách đây 2 tháng, khi bán lúa vụ đông xuân, bà tính đi mua phân bón trữ, còn ông (do đọc báo và đi họp nghe thông tin) thì quyết chờ cho phân bón xuống giá. Bà Thu nói: "Vậy là vụ này chi phí phân bón từ 5 triệu đồng/ha sẽ tăng lên hơn 6 triệu đồng/ha nên  hiệu quả vụ lúa chẳng còn bao nhiêu".

Giá lúa không bù nổi giá phân bón

Tại Bạc Liêu, giá phân urê đã vượt qua 460.000 đồng/bao; DAP đã vượt qua con số 1.300.000 đồng/bao, tăng gần gấp đôi so với đầu năm 2007. Tại Cà Mau, phân bón cũng thật sự làm đau đầu nông dân ngay trong bối cảnh giá lúa đang đứng ở mức cao.

Ông Nguyễn Văn Khải - xã Vĩnh Thanh, huyện Phước Long - than thở: "Mọi khi tôi chỉ cần 10 giạ lúa/công, nay phải đến 15 - 20 giạ lúa mới đủ chi phí cho phần phân bón, thuốc trừ sâu. Giá lúa lên nông dân chúng tôi rất mừng, nhưng giá vật tư tăng kiểu này, chi phí đầu tư ban đầu cao quá...".

Bạc Liêu hiện còn trên 35.000ha lúa đang vào thời kỳ chăm sóc. Lượng phân bón đổ về tỉnh này theo đường của Cty vật tư nông nghiệp tỉnh không nhiều. Đơn vị này chỉ chiếm gần 15% thị phần, số còn lại do các đại lý chi phối giá.
 
Ông Trương Văn Đức - Phó giám đốc Cty vật tư nông nghiệp tỉnh Bạc Liêu - cho biết: "Ngay từ khi giá phân bón có chiều hướng tăng, chúng tôi đã đề nghị ngân hàng cho vay để dự trữ nhưng món vay không nhiều, nguồn vốn không đủ để mua đến mức chi phối giá bán lẻ của tỉnh. Giá các đại lý (ngoài hệ thống Cty) bán thế nào, chúng tôi không thể kiểm soát nổi".

Tại huyện Hồng Dân, Bạc Liêu, giá phân bón tăng đã làm cho người nông dân khốn đốn. Ngân hàng Nông nghiệp huyện vẫn chưa nâng mức cho vay sản xuất nông nghiệp. Một nông dân được cho vay tối đa 20 triệu đồng/12 tháng. Với số tiền này, nông dân không thể đủ chi phí sản xuất 3 vụ/năm, trong bối cảnh giá phân bón, thuốc trừ sâu tăng vùn vụt.

Vào tháng 3.2008, nhiều nông dân tại Bạc Liêu giết lợn ăn mừng vì lúa trúng mùa, được giá, nhưng đến hôm nay, nhiều người phải méo mặt vì giá phân bón. Nhiều nông dân tính toán: Nếu giá lúa, phân bón, thuốc trừ sâu như hiện nay, một công 28 giạ xem như hoà vốn.