00:00 Số lượt truy cập: 2670025

Sử dụng hợp lý thuốc diệt trừ rầy nâu 

Được đăng : 03/11/2016
Trong các loại thuốc diệt trừ rầy nâu có gốc cacbamat (Padan, Bassa, Satrungsong...) thường có hiện tượng "cướp" vi lượng, có thể tạo ra "stress khát dinh dưỡng" cho rầy nâu và dễ xảy ra hiện tượng tăng cá thể sau khi thuốc hết tác dụng.






Chính vì vậy, việc phụ bổ sung vi lượng lên lá đồng thời với quá trình phòng trừ sâu bệnh là việc nên làm. Việc phun các chế phẩm dinh dưỡng, dung dịch vi lượng lên lá chỉ được chỉ định trong điều kiện cây hoàn toàn sạch bệnh, bởi vì dư lượng các chế phẩm ấy sẽ huỷ hoại các loại thuốc bệnh có nguồn gốc kháng sinh.




Bassa là loại thuốc rẻ tiền, trị rầy nhanh chóng, không gây nhờn thuốc và là loại thuốc dập dịch chủ lực hiện nay, nhưng lại có hiện tượng "cướp" vi lượng như đã nêu trên và hiệu lực không dài, cần được khắc phục bằng các cách như: bổ sung vi lượng, hỗn hợp với các loại thuốc có tác dụng kéo dài hoặc tiến hành phun lặp lại để tránh tái bùng phát dịch.



Có thể dùng dung dịch Sunphat kẽm 0,5% + Atonic pha chung với Bassa diệt rầy, nhằm mục đích làm lỗ khí khổng khép lại nhỏ hơn, giảm lượng hơi nước thoát ra và tăng cường nội hấp, làm cho cây lúa phục hồi thể trạng nhanh hơn, đã làm cho sự xuất hiện trở lại của rầy diễn ra chậm và khó tạo thành dịch hơn.



Những loại thuốc lưu dẫn, vị độc có tác dụng diệt rầy "êm" nhưng chậm, diệt không hết rầy; do vậy nên sử dụng ở giai đoạn phòng ngừa và không nên chỉ định trong khi dịch RN, VL, LXL đã bùng phát. Những loại thuốc xông hơi lại có tính xua đuổi côn trùng, vì vậy nên phun từ ngoài vào trong ổ dịch, cuối gió trước, đầu gió sau; không nên phun từ trong ổ dịch ra ngoài, đầu gió trước, cuối gió sau.



Có một vài loại thuốc còn có hiệu ứng thu hút một vài loài côn trùng, cũng cần được xem xét đối với rầy nâu, nếu có kiểu quan hệ ấy thì tuyệt đối không dùng đối với những ruộng lúa ở gần ổ dịch hoặc trà lúa muộn; và rất nên dùng đối với những thửa ruộng cần tiêu huỷ hoặc đầu vụ trà cấy sớm, lúa chưa mang mầm bệnh.



Có nhiều loại thuốc trực tiếp hoặc gián tiếp gây hại cho thiên địch, vì vậy - nếu phải sử dụng - cần có chế độ khắc phục hậu quả và phục hồi cân bằng sinh thái kèm theo. Rõ ràng là cần phải có chế độ sử dụng thuốc hợp lý, trong từng trường hợp cụ thể cần được cân nhắc cẩn trọng; phòng ngừa phải cho "êm", tránh gây "sốc", dập dịch phải nhanh và hạn chế thấp nhất các hậu quả xấu sẽ xảy ra.



Cuối cùng là phải nhanh chóng thiết lập một hệ thống điều hành có hiệu quả trong việc ngăn ngừa sớm sự phát sinh dịch bệnh, duy trì các cân bằng sinh thái đồng ruộng có lợi cho con người và môi trường...