00:00 Số lượt truy cập: 3081652

Sử dụng phân bón hữu cơ sinh học cho cây trồng: Thiết thực nhưng chưa phổ biến 

Được đăng : 03/11/2016
Thực tế chăm sóc cây trồng bằng phân bón hữu cơ sinh học đem lại năng suất cao hơn, bảo đảm môi trường, nhưng giá thành cao, phương thức sử dụng chưa đơn giản … đang là trở ngại trong việc khuyến khích sử dụng, khiến nhiều người dân chưa mặn mà với sản phẩm phân bón.

Năng suất tăng, giảm bạc màu

“Các nhà sản xuất phân hữu cơ sinh học đang hướng về bà con nông dân Hải Phòng với mong muốn góp phần đem lại hiệu quả sản xuất cao hơn trong khi vẫn giữ được độ phì nhiêu của đất, giữ cân bằng sinh thái, hạn chế thấp nhất tác động đến môi trường”. Đó là tâm sự của ông Ben-gia-min Lu-kes, chủ tịch Tập đoàn Agmor (Hoa Kỳ), đơn vị sáng chế phân bón hữu cơ sinh học hàng đầu thế giới, tại hội thảo gần đây do Sở Nông nghiệp và PTNT tổ chức. Quan điểm đó được nhiều nông dân, chủ nhiệm các HTX nông nghiệp, nhà quản lý các quận, huyện có sản xuất nông nghiệp đồng tình vì họ đã và đang thử nghiệm thành công chăm sóc cây trồng bằng phân sinh học. Thực tế, một số ruộng lúa chỉ bón phân hóa học, hiện tượng cây lúa kém sinh trưởng, bị bệnh đốm nâu nghẹt rễ nhiều hơn so với những ruộng có bón phân hữu cơ. Một số bệnh như chết ẻo, héo xanh do vi khuẩn, bệnh chết héo vàng do một số loại nấm gây hại cho các loại cây trồng ngắn ngày như dưa hấu, đậu phụng, cà chua, ớt... khá phổ biến nhưng chưa có thuốc đặc trị. Để khắc phục, hướng tới nền sản xuất nông nghiệp sạch bền vững, nhiều sản phẩm phân bón dạng hữu cơ sinh học, hữu cơ vi sinh phục vụ sản xuất nông nghiệp như phân bón hữu cơ sinh học Neb-26, WEGH, HUMIX, VEDAGRO, KOMIX, phân vi sinh BIOGRO… đã và đang được đưa vào thử nghiệm, ứng dụng.

Phân hữu cơ sinh học là sản phẩm phân bón được tạo thành thông qua quá trình lên men vi sinh vật các lớp chất hữu cơ có nguồn gốc khác nhau, có sự tác động của vi sinh vật hoặc các hợp chất sinh học được chuyển hóa thành mùn. Trong loại phân này có đầy đủ các thành phần là chất hữu cơ, có phối chế thêm tác nhân sinh học như vi sinh, nấm đối kháng, bổ sung thêm thành phần vô cơ đa lượng NPK và vi lượng.

Ông Đỗ Văn Phú- nông dân xã Đông Phương (Kiến Thụy) chia sẻ: 5 sào lúa vụ mùa vừa qua của gia đình sử dụng phân hữu cơ sinh học Neb-26 bón lót và bón thúc cho lúa, cây phát triển khỏe hơn, lúa bén rễ nhanh hơn, tăng sức đề kháng, hạn chế sâu bệnh, thu hoạch sớm hơn 5 đến 7 ngày, năng suất 250kg/sào, tăng 15%.

Vụ mùa vừa qua, huyện Kiến Thụy triển khai mô hình sử dụng phân hữu cơ sinh học ở 23 xã với diện tích hơn 25ha. Trạm phó Trạm Khuyến nông Kiến Thụy Đoàn Thị Mít đánh giá: Phân bón hữu cơ sinh học có nhiều tính năng ưu việt, năng suất tăng từ 10 đến 20% so với dùng các loại lân đạm thông thường. Mặt khác, bón phân hữu cơ sinh học giảm chi phí đầu tư, tăng khả năng chống chịu sâu bệnh, góp phần cải tạo độ phì nhiêu của đất.

Chậm chuyển giao kỹ thuật, khó phổ biến

Năm 2009, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với các đơn vị phân phối và địa phương đưa nhiều loại phân hữu cơ sinh học vào sản xuất, chăm bón lúa và các loại cây trồng như thuốc lào, rau, khoai tây… , trong đó một số địa phương làm điểm mô hình trình diễn với diện tích hàng nghìn ha như Tiên Lãng, Vĩnh Bảo, An Lão, Kiến Thụy, Thủy Nguyên… Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT Dương Đức Tùng cho biết: Sử dụng phân bón hữu cơ là một trong những biện pháp mở rộng ứng dụng công nghệ sinh học vào sản xuất, bảo đảm vệ sinh môi trường, giảm sâu bệnh, tăng độ màu mỡ trong đất, tăng năng suất, chất lượng cây trồng, tạo giá trị thu nhập cao cho đại bộ phận hộ nông dân trên địa bàn thành phố.

Tùy thuộc vào nhu cầu sản xuất, bà con trộn phân hữu cơ cùng các loại phân nguyên liệu để bón lót hoặc bón thúc, sao cho cây trồng phát triển tốt nhất. Phân phức hợp hữu cơ sinh học có hàm lượng dinh dưỡng cao nên khi bón trộn đều với đất.

Tuy nhiên, thực tế các địa phương cho thấy, sử dụng phân hữu cơ vi sinh chưa thể phổ biến, nếu không muốn nói là nhiều người dân còn thờ ơ. Theo lý giải của Trạm phó Trạm Khuyến nông Vĩnh Bảo Vũ Quốc Ngữ: “Người dân mới tiếp cận cách sử dụng phân hữu cơ sinh học, chưa thể thay đổi thói quen chăm sóc cây trồng bằng phân đạm, lân, ka-li, vừa sẵn có, dễ mua lại sử dụng được ngay mà không cần hướng dẫn. Do vậy, tiếp tục thực nghiệm phân hữu cơ trên cây trồng vụ đông này và lúa xuân 2010 để người dân thấy rõ hơn tính ưu việt của sản phẩm.”

Giúp bà con nông dân thấy được lợi ích và quen dần với việc sử dụng phân bón hữu cơ sinh học, trước tiên cần tránh tình trạng độc quyền phân phối sản phẩm như hiện nay, gây nghi ngại, khó khăn trong tiếp cận nguồn hàng với người dân. Mặt khác, theo phản ánh của nhiều người, tuy tiết kiệm chi phí sản xuất, nhưng giá thành phân bón vẫn cao, thậm chí có hiện tượng chênh lệch giá. Chưa có chính sách khuyến khích, song điều khiến người dân chưa yên tâm sử dụng chủ yếu do kỹ thuật sử dụng, pha chế và chăm bón phân hữu cơ sinh học phức tạp hơn, trong khi đây mới là quá trình thử nghiệm, do đó đòi hỏi chú trọng tập huấn kỹ thuật cho người dân.