00:00 Số lượt truy cập: 2997896

THÀNH CÔNG TRÊN MẢNH ĐẤT NGHÈO 

Được đăng : 03/11/2016

So với các xã khác trong huyện Nho Quan của tỉnh Ninh Bình thì Xích Thổ là một trong những xã miền núi nghèo, có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, với địa hình chủ yếu là đất đồi núi xen kẽ đất nông nghiệp, sản xuất kinh tế kém hiệu quả. Câu chuyện làm giàu của nông dân Đinh Quang Bảng ở thôn Trung Chính, làm giàu trên mảnh đất cằn cỗi không chỉ là niềm tự hào của riêng ông và gia đình mà còn là niềm tự hào của cả thôn. Giờ đây, thu nhập của gia đình ông vào khoảng trên 700 đến 800 triệu đồng mỗi năm từ việc kinh doanh con giống, lợn thịt, thức ăn chăn nuôi, bao tiêu cả sản phẩm…. Có được cơ ngơi như ngày hôm nay là mồ hôi, công sức của cả gia đình ông nhiều năm tìm hướng thoát nghèo.


Trước những năm 2005, gia đình ông Bảng cũng như bao gia đình thuần nông khác đều làm ruộng nên cuộc sống rất khó khăn. Những câu hỏi tại sao mình làm mãi vẫn nghèo? Cần phải làm gì để thoát nghèo? Và phải làm thực hiện như thế nào, ra làm sao? Luôn là những câu hỏi luôn đau đáu trong ông. Ông Bảng chia sẻ: “Ngày đó mình cũng làm nhiều ngành nghề lắm nhưng chẳng ngành nghề nào có tính khả thi thoát nghèo được, làm cái gì cũng chỉ tạm đủ ăn thôi”. Năm đó, nhận thấy lợi thế gia đình thuộc khu vực miền núi, đất đai rộng rãi lại thấy trong xã có nghề chăn nuôi lợn truyền thống, song còn nhỏ lẻ tại các hộ gia đình, hiệu quả kinh tế chưa cao, gây ô nhiễm môi trường, ông đã nảy sỉnh ra ý tưởng chăn nuôi theo mô hình lớn. Nghĩ là làm, ông mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại theo công thức chăn nuôi công nghiệp hiện đại.


  

Nhưng từ suy nghĩ để đến thực tế còn cách nhau rất xa. Vốn liếng, khoa học kỹ thuật trong tay không có gì nhiều nên trong những năm đầu của cuộc cách mạng gia đình ông gần như mọi thứ vẫn là con số không. Ông phải thường xuyên đến tận các nơi mà người ta chăn nuôi mô hình thành công để tìm hiểu về cách thức chăn nuôi. Sau nhiều lần tìm tòi, học hỏi các nơi, học các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, ông đã tự mình tiêm phòng bệnh, dịch cho đàn lợn của mình, làm cho số lượng đàn lợn được tăng lên, giảm rất nhiều chi phí phát sinh khác.


Ông Bảng đang chăm sóc đàn lợn

Ông cha ta bảo thật không sai “Đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Sau mỗi chuyến đi về ông được mở mang thêm tầm mắt. Ông thấy nhiều nơi nông dân vẫn còn rất khó khăn trong việc mua thức ăn chăn nuôi, đa phần là nuôi bộ. Ông đã nảy sinh ra ý định mua buôn thức ăn chăn nuôi về bán lại cho bà con. Thế là vừa kết hợp nuôi lợn giống ông còn kết hợp với kinh doanh thêm thức ăn chăn nuôi. Ông liên hệ với Công ty cổ phần chăn nuôi CP Việt Nam làm đại lý phân phối thức ăn chăn nuôi cho toàn xã. Ở giữa vùng miền núi rộng lớn này thì thức ăn gia sức đảm bảo chất lượng thì không bao giờ lo ế. Sau hai năm kinh doanh, sản phẩm của ông đã được khách hàng chấp nhận, doanh số tăng từ 30 tấn/tháng lên 120 tấn/tháng. Năm 2010, ông đã mạnh dạn đầu tư mở rộng chuồng trại lên 800m2 đưa số đầu lợn tăng lên 40 con nái sinh sản, đưa số lượng giống nuôi thương phẩm lên 400 con/lứa cung cấp lợn giống cho toàn xã. Đồng thời ông mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm thịt lợn ra Hà Nội, Hải Phòng và thị trường tiêu thụ thức ăn chăn nuôi trong huyện. Nhận thấy nhiều hộ gia đình còn khó khăn về vốn, ông thực hiện kinh doanh theo phương châm “cùng nhau phát triển, cùng nhau làm giàu” nên ông cung cấp thức ăn chăn nuôi tại nhà cho hộ chăn nuôi, sau khi bán sản phẩm mới thanh toán tiền. Đến nay mỗi năm gia đình ông đã cung cấp cho 30 hộ chăn nuôi với số lượng 1260 tấn thức ăn chăn nuôi.

Hưởng ứng phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau giảm nghèo và làm giàu chính đáng” của Hội Nông dân các cấp. Ông thường xuyên phổ biến những kinh nghiệm, giúp đỡ vốn cho các hộ nghèo chăn nuôi. Tạo việc làm cho hai lao động thường xuyên với mức thu nhập trên 3 triệu đồng mỗi tháng. Bên cạnh đó, ông đã cùng với Hội Nông dân xã và công ty sản xuất thức ăn chăn nuôi tổ chức các hội nghị chuyển giao khoa học kỹ thuật từ việc xử lý chất thải chăn nuôi, công nghệ lai giống hay các kỹ thuật phòng bệnh… cho các hộ chăn nuôi, từ đó đã giảm giá thành sản phẩm và đảm bảo tiêu chuẩn vệ sinh, môi trường, an toàn thực phẩm và sức khỏe cho người lao động.

Không những là một người luôn đi đầu trong các hoạt động phong trào mà ông Bảng còn là người tích cực tham gia đóng góp xây dựng các công trình phúc lợi tại địa phương. Năm 2014, ông vinh dự được UBND tỉnh trao tặng bằng khen “Điển hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tỉnh Ninh Bình lần thứ nhất”./. 

Lê Bích - HND tỉnh Ninh Bình