00:00 Số lượt truy cập: 2999434

TP HCM - "Thủ đô" nông nghiệp công nghệ cao 

Được đăng : 03/11/2016

Nếu như nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) tại Lâm Đồng đã xác định được vị thế lớn của mình trên vùng đất cao nguyên, thì NNCNC tại TPHCM với đặc trưng là nông nghiệp đô thị đã và đang có sức lan tỏa mạnh mẽ cho cả khu vực Đông Nam bộ và ĐBSCL.


TPHCM không chỉ hình thành hàng loạt những mô hình rau, hoa, cá cảnh, bò sữa, heo thịt năng suất cao đạt siêu lợi nhuận, mà còn được xác định là “thủ đô” trình diễn và chuyển giao những tiến bộ mới nhất trong lĩnh vực nông nghiệp, công nghệ sinh học (CNSH) tác động đến toàn vùng… 

SỨC LAN TỎA KHI NÔNG NGHIỆP “HÁI” RA TIỀN

Năng suất dưa lưới áp dụng NNCNC cao gấp 3 lần trồng trong điều kiện bình thường

TPHCM có khoảng 116.000 ha đất nông nghiệp, trong đó đất có khả năng sản xuất chỉ còn khoảng 78.000 ha, tập trung ở 5 huyện ngoại thành Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ. Nông nghiệp thành phố đang bị quá trình đô thị hóa tác động rất mạnh mẽ.

Diện tích đất nông nghiệp ở các huyện ngoại thành đã giảm rất nhiều trong thời gian qua và xu hướng này vẫn tiếp tục trong thời gian tới với mức bình quân 1.400 ha/năm. Hàng trăm dự án lớn nhỏ được quy hoạch trên đất nông nghiệp để xây dựng các khu dân cư, khu đô thị mới, các KCN, sân golf…

Với tình trạng đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, nông nghiệp thành phố đã xác định là nông nghiệp đô thị với hướng tập trung: Phát triển giống cây trồng (các loại rau, hoa, cây kiểng), vật nuôi có chất lượng cao (cá kiểng, bò sữa, heo…); phát triển các mô hình canh tác theo hướng công nghệ cao, đem lại giá trị sản lượng và hiệu quả cao trên một đơn vị diện tích. Song song đó, do TPHCM là trung tâm KHKT của khu vực, tập trung đông đảo các Viện, Trường, các nhà khoa học đầu ngành trong lĩnh vực nông nghiệp, thủy sản, công nghệ sinh học; vì thế TP còn là nơi nghiên cứu và chuyển giao các thành tựu KHKT có tính ứng dụng cao phục vụ nông nghiệp cho cả khu vực Đông Nam bộ và ĐBSCL.

Trong thời gian qua, việc triển khai nông nghiệp theo hướng ứng dụng CNC từ các nghiên cứu, công nghệ chuyển giao của các đơn vị khoa học tại TP đã cho nhiều kết quả khả quan, hứa hẹn nhiều thành tựu vượt trội ứng dụng cho toàn ngành nông nghiệp.

SỰ KHÁC BIỆT

Điểm khác biệt làm nên “thương hiệu” NNCNC của TPHCM là mặc dù diện tích đất nông nghiệp ngày càng thu hẹp nhưng nơi đây đang có tới 4 sản phẩm nông nghiệp đứng số 1 VN.

Thứ nhất, TPHCM từ lâu đã nổi tiếng khi táo bạo hình thành vùng chăn nuôi CNC tập trung để tạo nguồn cung cấp sữa lớn nhất toàn quốc. Kế hoạch này đã có kết quả tuyệt vời khi TP đã hình thành đàn bò sữa lên tới 79.800 con (chiếm 62% tổng đàn bò sữa cả nước). Để tiếp tục phát huy thành tựu NNCNC này, từ năm 2006 đến nay, các đơn vị kinh doanh đã cung cấp cho thị trường phía Nam trên 764.000 liều tinh bò sữa có nguồn gốc từ Mỹ, Canada, Newzeland, Israel để nâng cao năng suất sữa của đàn bò, trong đó có gần 30.000 liều tinh bò sữa cao sản nhiệt đới của Israel năng suất trên 13.000 lít sữa/chu kỳ.

Thứ hai, TP cũng là nơi có đàn cá sấu lớn nhất nước được nuôi theo quy trình CNC, với tổng đàn đạt trên 158.000 con, trong đó đã gắn được 12.000 thẻ Cites phục vụ mục tiêu XK với trên 60 DN, cơ sở đăng ký hoạt động.

Thứ ba, TP đang đứng đầu cả nước về sản phẩm cá cảnh nuôi theo quy trình CNC, tạo giá trị kinh tế rất lớn lên tới vài tỷ đồng/ha. Hiện mỗi năm TP sản xuất đạt 60 triệu con/năm, số lượng XK năm 2010 đạt gần 7,8 triệu con, kim ngạch XK đạt trên 200 tỷ đồng/năm (lớn nhất nước) với các loại giống có giá trị kinh tế cao như chép Nhật, Bảy Màu, Hòa Lan, Dĩa, Xiêm, Ông Tiên, Tứ Vân, Hồng Kim, Hắc Kim, Bạch Kim, Phượng Hoàng. Hiện TP có 292 cơ sở nuôi và 10 đầu mối XK 60 loài cá cảnh tới các thị trường XK lớn là Châu Âu 65 – 70%, Mỹ 17 – 20%...

Thứ tư là sản phẩm tinh heo - heo giống chất lượng cao, hàng năm TP sản xuất và cung cấp ra thị trường bình quân trên 900.000 con heo giống và gần 1.000.000 liều tinh heo chất lượng đứng đầu cả nước phục vụ cho ngành chăn nuôi heo TP và nhiều tỉnh thành trong khu vực.

Ngoài ra, ngay từ những năm 2000, TPHCM đã triển khai chương trình phát triển rau an toàn (RAT) với những vùng trồng rau ứng dụng tiến bộ kỹ thuật mới như: giống lai F1, phân hữu cơ vi sinh, hữu cơ sinh học, hệ thống nhà lưới, hệ thống tưới, phủ bạt… đã góp phần nâng cao năng suất và hiệu quả sản xuất của vùng trồng rau lên gấp nhiều lần. Hiện diện tích canh tác RAT của TP đạt 2.735 ha với diện tích gieo trồng là 12.740 ha, sản lượng đạt 284.000 tấn rau các loại.

Chương trình phát triển hoa, cây kiểng của TP cũng đã thúc đẩy việc hình thành các vùng trồng hoa lan cắt cành (Mokara, Dendrobium…), các vùng trồng cây kiểng, vùng trồng mai vàng ghép với các mô hình thu nhập lên tới hàng trăm triệu đồng đến vài tỷ đồng/ha/năm. Cho đến nay, TP đã có 1.910 ha hoa, cây kiểng, giá trị sản xuất đạt 460 tỷ đồng/năm.

SỰ LAN TỎA CÔNG NGHỆ SINH HỌC

TS.Dương Hoa Xô – Giám đốc Trung tâm CNSH TPHCM cho biết, 7 năm hoạt động từ tháng 11/2004 đến nay, Trung tâm là đơn vị nghiên cứu đầu tiên trong cả nước nghiên cứu ứng dụng “Hệ thống ngập chìm tạm thời (TIS) trong nhân giống cấy mô thực vật”. Hệ thống này cho phép tăng số lượng cây con nhân ra tốc độ nhanh 10 lần ở giai đoạn nhân cụm chồi và rút ngắn thời gian nhân giống từ 2 – 4 tuần, cây giống (hoa lan) cấy mô từ hệ thống này có tỷ lệ sống cao trên 95% và đã được chuyển giao cho nhiều đơn vị ở Đồng Tháp, Bình Thuận, Bình Định... Trung tâm còn nghiên cứu thành công bộ KIT PCR phát hiện bệnh virus trên hoa lan và đoạt giải 3 Hội thi sáng tạo kỹ thuật TPHCM năm 2010.

Để phục vụ cho chương trình phát triển hoa, cây kiểng trọng điểm của TP, Trung tâm đã sưu tập được bộ giống hoa lan khổng lồ lên tới 300 giống để phục vụ cho công tác sưu tập nguồn gen và lai tạo giống. Đặc biệt đã sưu tập và định danh được trên 100 giống lan rừng quý của VN phục vụ công tác lai tạo giống. Hiện đã có 7 nhóm hoa lan đã được hoàn thiện quy trình nhân giống và được tiến hành nhân giống cung cấp cho sản xuất hơn 450.000 cây giống cấy mô các loại.

Về thủy sản, Trung tâm đang tập trung nghiên cứu về dịch bệnh trên tôm sú, cá tra là những sản phẩm chủ lực phục vụ XK của ĐBSCL. Hiện đã nghiên cứu thành công và đưa vào sản xuất các bộ KIT PCR phát hiện 4 loại bệnh trên tôm (đốm trắng, hoại tử vỏ, còi, viêm gan tụy). Bộ KIT này giúp các đơn vị quản lý dịch bệnh trên tôm phân tích mẫu bệnh nhanh với giá thành rẻ bằng 50% so với bộ KIT ngoại nhập. Trung tâm cũng đang tập trung nghiên cứu các loại vacxin ngừa bệnh gan thận mủ trên cá tra (công nghệ tái tổ hợp gen, gây đột biến…), đến nay đã có hiệu lực và đang thử nghiệm tại các trại cá giống ở An Giang, Vĩnh Long.

TS. Xô còn cho biết, Trung tâm CNSH TPHCM đang được xây dựng mới tại phường Trung Mỹ Tây, quận 12 trên khuôn viên rộng 23 ha, với vốn đầu tư dự kiến khoảng 100 triệu USD khi hoàn thành sẽ tạo bước nhảy vọt cho cả khu vực trong lĩnh vực CNSH. Trung tâm mới này sẽ là nơi nghiên cứu, tiếp nhận và kế thừa có chọn lọc những công nghệ tiên tiến nhất trên thế giới về CNSH để phục vụ cho ngành nông nghiệp, cũng như nhiều lĩnh vực CNSH khác.

Ngoài ra, Trung tâm còn nghiên cứu kỹ thuật sử dụng các chế phẩm sinh học cho hoa, cây kiểng; sản xuất chế phẩm sinh học (Bima chứa nấm Trichoderma; phân lá hữu cơ sinh học từ trùn quế…) phục vụ hướng canh tác hữu cơ trên rau, hoa và các cây trồng khác cho nông nghiệp TPHCM và toàn khu vực phía Nam.

KHU NNCNC LỚN NHẤT NƯỚC

Ông Phạm Hữu Nhượng - Phó trưởng BQL Khu NNCNC TPHCM cho biết, ngay từ đầu năm 2000, TP đã bắt tay vào việc xây dựng 1 khu NNCNC trong lĩnh vực trồng trọt với quy mô 88 ha tại xã Phạm Văn Cội, huyện Củ Chi. Mô hình NNCNC đa chức năng đầu tiên này tập trung cho lĩnh vực trồng trọt. Nơi đây triển khai nghiên cứu, ứng dụng nhằm hoàn thiện công nghệ, nhân giống cây trồng (rau, hoa, cây cảnh); đào tạo, trình diễn và chuyển giao công nghệ, cũng như kêu gọi đầu tư tập trung trong lĩnh vực trồng trọt. Ngoài ra còn là địa điểm phục vụ khai thác du lịch sinh thái và tham quan học tập cho học sinh, sinh viên về lĩnh vực trồng trọt CNC.

Tháng 4/2010, khu NNCNC của thành phố đã khánh thành đi vào hoạt động. Ban quản lý khu NNCNC đã tiếp nhận hồ sơ của 27 dự án trong và ngoài nước đăng ký vào khu với nhu cầu sử dụng đất hơn 100 ha. Các dự án này tập trung trong các lĩnh vực ứng dụng CNC trong nông nghiệp như: Công nghệ sinh học (công nghệ tế bào thực vật, sản xuất các chế phẩm sinh học), canh tác trên giá thể, thủy canh sản xuất trong điều kiện nhà kính, nhà màng và nhà lưới. Hiện đã có 14 dự án phù hợp với tiêu chí nêu trên, tổng giá trị các dự án đầu tư hơn 452 tỷ đồng, suất đầu tư bình quân hơn 8 tỷ đồng/ha.