00:00 Số lượt truy cập: 3000056

Tái cơ cấu ngành nông nghiệp để tăng trưởng bền vững 

Được đăng : 03/11/2016

 Nguồn tài nguyên thiên nhiên ngày một cạn kiệt, trong khi sản xuất nông nghiệp đòi hỏi phải cung cấp sản lượng lương thực nhiều hơn nữa để đáp ứng nhu cầu, vì thế không còn cách nào khác là ngành nông nghiệp phải nâng cao giá trị gia tăng cho sản phẩm. Đó cũng chính là mục tiêu của việc tái cơ cấu ngành nông nghiệp và PTNT trong bối cảnh hiện nay.


Chế biến thủy sản tại Cty CP Thủy sản Minh Hải (Bạc Liêu).

Chưa đủ năng lực đối phó

Trong 10 năm qua, sản xuất nông nghiệp nước ta luôn duy trì tốc độ tăng trưởng khá (5,36%) và chiếm tới 3,7% GDP/năm. Nông thôn ngày càng đổi mới, điều kiện sống của dân cư tiếp tục được cải thiện. Tỷ lệ hộ đói nghèo giảm bình quân 2%/năm. Hạ tầng nông thôn tiếp tục được nâng cấp và từng bước hiện đại hóa.

Tuy nhiên, nông nghiệp cũng đang đứng trước nhiều thách thức như tăng trưởng kém bền vững, khả năng cạnh tranh thấp; tình trạng ô nhiễm môi trường tăng; nhiều tài nguyên bị khai thác quá mức. Đặc biệt, tỷ lệ giá trị gia tăng so với giá trị sản xuất nông nghiệp cũng có xu hướng giảm từ gần 46% (năm 2000) xuống còn 39% năm 2010. Nguyên nhân là do đầu tư cho nông nghiệp còn hạn chế.

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Cao Đức Phát nhấn mạnh, trong 3 năm qua, kinh tế Việt Nam liên tục gặp nhiều thách thức do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới. Chính phủ đã nỗ lực duy trì tăng trưởng kinh tế, trong đó nông nghiệp đóng vai trò góp phần ổn định kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo và duy trì tăng trưởng bền vững. Trong bối cảnh nguồn tài nguyên thiên nhiên đang ngày càng cạn kiệt nhưng sản xuất nông nghiệp đòi hỏi phải cung cấp sản lượng lương thực nhiều hơn nữa, Bộ Nông nghiệp và PTNT cùng các đối tác quốc tế cam kết cùng nhau tăng sản lượng lương thực, thực phẩm ở Việt Nam lên 20%, giảm lượng phát thải các-bon 20% và giảm tỷ lệ đói nghèo xuống 20% sau mỗi thập kỷ. Để đạt được mục tiêu này, Bộ rất cần sự tham gia của các bên liên quan, từ các tổ chức chính phủ, các doanh nghiệp… vào mọi khâu (canh tác, chế biến, tiêu thụ, đầu tư xây dựng hạ tầng...).

Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam cho hay, trên trái đất vẫn còn 1 tỷ người thiếu đói, một nửa trong số đó là nông dân. Dự báo vào năm 2020, nhu cầu lương thực trên thế giới sẽ tăng lên gấp đôi so với hiện nay. Thế nhưng, nhiều quốc gia đang phát triển lại thờ ơ với sản xuất nông nghiệp để rồi phải nhập khẩu lương thực. Việt Nam là quốc gia cung cấp nhiều lương thực, nông sản, thủy sản cho toàn cầu, đây là tấm gương tốt cho các quốc gia đang phát triển phải nhìn vào để học tập. Song sản xuất nông nghiệp của Việt Nam cũng nổi lên nhiều vấn đề như ô nhiễm môi trường và an toàn thực phẩm. Sản xuất nông nghiệp chiếm 70% lượng nước sử dụng và thải ra 30% khí thải các-bon toàn cầu. Việt Nam tuy đã rất thành công trong sản xuất nông nghiệp, nhưng vẫn chưa đủ năng lực đối phó với những thách thức toàn cầu, vì vậy cần phải thay đổi các mô hình canh tác, lượng hóa các mục tiêu để nâng cao mức sống cho nông dân, đồng thời khai thác bền vững tài nguyên đất nước.

Thu hút đầu tư tư nhân

Trước đòi hỏi của thực tế, ngành nông nghiệp đã xây dựng đề án tái cơ cấu ngành cho phù hợp với yêu cầu theo hướng tổ chức lại sản xuất, tháo gỡ vướng mắc trong chuỗi giá trị từ đầu tư vật tư, tổ chức sản xuất, chế biến, tồn trữ nông sản cho đến thương mại và tiêu dùng.

Theo TS. Đặng Kim Sơn, Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách nông nghiệp, nông thôn (Ipsard), tái cơ cấu ngành nông nghiệp với mục tiêu chung là phát triển nông nghiệp, nông thôn hiệu quả, bền vững cả về kinh tế, xã hội và môi trường. Cụ thể, tốc độ tăng trưởng ngành phải đạt từ 2,6 - 3%/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm 2%/năm; giảm 2% phát thải khí nhà kính trong nông nghiệp/năm. Theo đó, đối với trồng trọt sẽ tập trung chú trọng nâng cao giá trị gia tăng trong khâu sau thu hoạch và chế biến, đồng thời tiếp tục khai thác khả năng tăng giá trị gia tăng theo hướng đổi mới cơ cấu giống, thâm canh, ứng dụng công nghệ cao, thực hành quy trình GAP.

Ngành chăn nuôi tập trung tái cơ cấu theo hướng tăng tỷ trọng gia cầm, bò sữa. Ngành thủy sản ưu tiên phát triển nuôi tôm, cá tra và nhuyễn thể đặc biệt; lĩnh vực công nghiệp chế biến và ngành nghề nông thôn sẽ tập trung vào việc chế biến tinh, sâu nhằm nâng cao giá trị gia tăng các sản phẩm nông nghiệp...

Chia sẻ quan điểm của mình, ông Steven Jaffee, Điều phối viên Ban nông thôn thuộc WB cho rằng, để đạt được những mục tiêu đặt ra cho quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Việt Nam cần tăng cường liên kết công tư và chuyển đổi nền nông nghiệp. Theo đó, các mối hợp tác công tư không nên là các dự án đơn lẻ, vì nếu hoạt động đơn lẻ, các tổ chức và các công ty sẽ không đủ sức giải quyết vô số những thách thức liên quan đến chuyển đổi trong ngành nông nghiệp.

Bộ Nông nghiệp và PTNT cần nhận biết tiềm năng của khối tư nhân để thu hút họ đầu tư vào nhiều lĩnh vực như chuyển giao công nghệ, tăng giá trị gia tăng nông sản, thiết lập thương hiệu nông sản đến với người tiêu dùng, quảng bá thực hành sản xuất bền vững, nâng cao trình độ quản lý chuỗi cung ứng…