Đó là vấn đề được nhiều nhà khoa học, doanh nghiệp, cá nhân đặt ra, nhất là trong bối cảnh nguồn nước ngọt đang có xu hướng giảm nghiêm trọng cả về số lượng và chất lượng?
Kinh nghiệm sử dụng nước ngọt của nhiều nước trên thế giới cho thấy, nước ngầm là nguồn tài nguyên vô giá. Nếu bị khai thác và sử dụng vô tội vạ sẽ dẫn đến những hậu quả khôn lường. Cụ thể, nước mặn sẽ ngày càng thấm sâu vào đất liền, từng bước thu hẹp diện tích nước ngọt. Riêng về mặt hạ tầng sẽ bị sụt lún do thiếu hụt áp suất trong lòng đất… Tại Thái Lan, Nhật Bản, Hà Nội và TPHCM đã có nhiều khu vực địa tầng bị sụt lún do nước ngầm đã bị khai thác quá mức.
Hiện, trên thế giới, nhiều nước còn đặt những hệ thống bơm nước sâu dưới lòng đất để thường xuyên bơm bổ sung nước ngọt bù vào khối lượng nước ngầm bị hao hụt. Họ chỉ sử dụng nước ngầm khi nguồn nước mặt thực sự đã bị cạn kiệt và chủ yếu chỉ được sử dụng để phục vụ mục đích sinh hoạt. Còn tại nước ta, nguồn nước ngầm đang bị sử dụng như thế nào?
Khi thiếu nước cấp phục vụ sinh hoạt, ngay lập tức người dân khoan giếng để lấy nước ngầm. Lý do này xem ra còn chấp nhận được nhưng không ít doanh nghiệp sử dụng nước ngầm để tưới mảng xanh, giải nhiệt, thậm chí phục vụ sản xuất bất chấp việc họ đã có nguồn nước cấp. Lý do rất đơn giản, do giá thành phải trả cho một mét khối nước ngầm rẻ hơn hàng chục lần so với nguồn nước cấp. Đây chính là nguyên nhân khiến cho việc khai thác sử dụng nước ngầm ở nước ta diễn ra tràn lan và cực kỳ lãng phí.
Trước thực tế bức bách đó, năm 2009, nhiều nhà khoa học của Trường Đại học Bách khoa TPHCM đã đưa ra thực nghiệm thành công dự án thu hồi, xử lý nước thải sinh hoạt của TP thành nguồn nước cấp phục vụ cho mục đích ngoài sinh hoạt. Nguồn nước này có thể sử dụng các hoạt động vệ sinh tại các hộ gia đình, công cộng; các doanh nghiệp dệt nhuộm, xi mạ, sản xuất kim loại, bao bì, sản phẩm nhựa…
Việc đa dạng nguồn nước cấp vừa giúp giảm bớt gánh nặng cho ngành cấp nước vừa tận dụng và tiết kiệm nguồn tài nguyên nước ngọt. Hơn nữa, bản thân doanh nghiệp cũng có nhiều sự lựa chọn đối với sản phẩm nước cấp, phù hợp với nhiều mục đích sử dụng khác nhau; tiết kiệm giá thành nguyên liệu đầu vào, góp phần tăng giá trị cạnh tranh cho sản phẩm… Còn về phía các cơ quan chức năng cũng khuyến khích được nhiều thành phần kinh tế tham gia đầu tư vào sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm nước cấp. Quan trọng hơn, tận dụng đáng kể nguồn nước thải sinh hoạt, sản xuất để chuyển vào tái sử dụng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.