Từ xa xưa đến nay sản phẩm nhựa sơn có mặt trong nhiều lĩnh vực: Sơn gắn các đồ gia dụng, sơn làm dầu vecni, sơn phủ bàn ghế, tủ và các đồ nội thất cao cấp, đồ mỹ nghệ cao cấp tinh sảo như tranh sơn mài...
Ngày nay với tiến bộ của KHKT đã cho ra đời nhiều hóa chất có tính năng từng mặt giống nhựa sơn nhưng vẫn không thay thế được nhựa sơn. Vì tính năng đặc biệt của nhựa sơn nên trải qua rất nhiều thăng trầm nhưng cây sơn vẫn là cây truyền thống của Phú Thọ mà Tam Nông là một địa bàn trọng điểm do có nhiều người lao động lành nghề gắn bó lâu đời với cây sơn và đất đai thích hợp với cây sơn.
Về hiệu quả kinh tế thì 1ha sơn cho hiệu quả kinh tế gấp 3 đến 4 lần so với trồng các loại câykhác như sắn, nguyên liệu giấy... đồng thời còn gián tiếp thúc đẩy chăn nuôi bò ở các vùng đồi. Vì vậy huyện Tam Nông coi cây sơn là cây mũi nhọn, là một chương trình phát triển kinh tế trọng điểm của huyện. Tuy nhiên do nhiều nguyên nhân khác nhau mà diện tích cây sơn của Tam Nông đến năm 2003 chỉ còn 167ha với năng suất chỉ đạt dưới 2,5 tạ/ha.
Để khôi phục và phát triển cây sơn nhựa, nhằm tăng nhanh diện tích và năng suất góp phần đưa nền kinh tế của huyện tăng trưởng, huyện Tam Nông đã xây dựng đề án khuyến khích phát triển cây sơn nhựa trên địa bàn huyện giai đoạn từ năm 2004- 2010 với diện tích từ 450ha đến 528ha. Sản lượng phấn đấu đạt từ 100 đến 120 tấn. Địa bàn vùng cây sơn trọng điểm của huyện là 4 xã có nghề trồng sơn lâu đời là: Thọ Văn, Xuân Quang, Văn Lương, Dị Nậu. Sau đó mở ra các xã lân cận gồm: Cổ Tiết, Tề Lễ, Hương Nộn, Phương Thịnh, Tứ Mỹ, Hương Nha, Thanh Uyên. Quỹ đất để phát triển cây sơn là từ đất trồng sắn cho hiệu quả kinh tế thấp và đất sau khi khai thác cây bạch đàn đã được cải tạo.
Từ năm 2004 huyện đã tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến vận động người trồng sơn thực hiện quy hoạch, từng bước giải quyết vấn đề cung cầu trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Công tác khuyến nông đã được đẩy mạnh, trạm khuyến nông đã tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng sơn cho cán bộ khuyến nông cơ sở và hộ trồng sơn.
Đặc biệt là các tiến bộ kỹ thuật mới đã được khẳng định như chọn giống sơn đỏ ưu tú cho năng suất cao và chất lượng nhựa sơn tốt nhất. Phương pháp ươm cây sơn con tập trung bằng túi bầu thay cho phương pháp bổ hố trồng hạt lạc hậu. Thời vụ trồng, chăm sóc cây sơn mới trồng, trồng sen cây đậu lạc thời kỳ sơn chưa cho thu hoạch để tăng thu nhập cho người trồng sơn. Đồng thời chống sói mòn đất, lấy sản phẩm phụ tại chỗ của cây họ đậu làm phân bón và phủ gốc sơn giữ ẩm cho đất...
Nhờ những giải pháp đồng bộ và biện pháp chỉ đạo cụ thể tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai đề án mà diện tích, năng suất cây sơn tăng nhanh. Đến hết năm 2007 diện tích cây sơn toàn huyện đã đạt 436,4ha. Năm 2008 huyện phấn đấu trồng mức 21,2ha sơn trồng tập trung và 8,4ha phân tán trong vườn tại các hộ để hết năm 2008 đạt 466,2ha.
Các xã có diện tích sơn tăng là Thọ Văn (168ha), Xuân Quang (87,6ha), Văn Lương (77,4ha), Dị Nậu (58,5ha). Năng suất nhựa sơn nhờ áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới nên đã tăng từ 2,5 tạ/ha lên gần 4 tạ/ha, tăng gần 60%. Đời sống nhân dân được cải thiện nhiều, trong đó nhờ cây sơn đã có hộ trở nên khá giả.
Đề án khuyến khích và phát triển cây sơn nhựa của huyện Tam Nông thực sự hợp lòng dân. Do đó đã được thực hiện nhanh chóng và đạt kế hoạch đã đề ra. Đưa cây sơn thực sự là một trong những cây trồng chính trên đất đồi dốc của huyện.