Tăng cường đầu tư khoa học công nghệ cho nông thôn
Được đăng : 03/11/2016
Làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về định hướng nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ nông nghiệp, ngày 16/9, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ cùng các Viện nghiên cứu và các nhà khoa học lựa chọn các đề án khoa học mang tính cấp thiết để đầu tư giải quyết như giống, đào tạo nâng cao trình độ công nghệ ở nông thôn, công nghệ sau thu hoạch, thủy sản và các đề án về an ninh lương thực.
Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng khẳng định Nhà nước có thể đầu tư 400-500 tỷ đồng để giải quyết các đề án nghiên cứu mang tính ứng dụng cao phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về định hướng nghiên cứu và chuyển giao khoa học công nghệ nông nghiệp, ngày 16/9, Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ cùng các Viện nghiên cứu và các nhà khoa học lựa chọn các đề án khoa học mang tính cấp thiết để đầu tư giải quyết như giống, đào tạo nâng cao trình độ công nghệ ở nông thôn, công nghệ sau thu hoạch, thủy sản và các đề án về an ninh lương thực.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh việc ứng dụng thành công khoa học công nghệ trong thực tế đời sống, sản xuất của người lao động là một trong ba điểm đột phá quan trọng để xây dựng nền nông nghiệp hiện đại, giải phóng lực lượng lao động nông thôn.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, trong giai đoạn 2001-2005, đầu tư cho hoạt động khoa học công nghệ chỉ chiếm 2,3% tổng vốn đầu tư cho ngành nông nghiệp, tương đương 2.630 tỷ đồng. Mức đầu tư cho khoa học công nghệ trong nông nghiệp mới chỉ chiếm 0,1% GDP. Tỷ lệ này chỉ bằng 1/4 đến 1/7 so với các nước trong khu vực.
Bộ trưởng Cao Đức Phát cho biết để thúc đẩy nông nghiệp đạt được các mục tiêu đề ra, mức đầu tư cho khoa học công nghệ trong nông nghiệp cần được nâng lên 0,3-0,5% GDP. Trong năm nay, Bộ dự kiến tiến hành giải ngân hơn 600 tỷ đồng vốn nghiên cứu và hơn 200 tỷ đồng vốn chuyển giao.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kiến nghị Chính phủ cho phép doanh nghiệp tư nhân tham gia tuyển chọn đề tài, dự án nghiên cứu, hợp tác với nước ngoài, thực hiện cơ chế cho phép nhà khoa học bán, chuyển nhượng bản quyền các sản phẩm tạo bằng ngân sách nhà nước, thí điểm khoán đề tài do ngân sách nhà nước cấp đến sản phẩm cuối cùng và tuyển chọn lãnh đạo các tổ chức khoa học theo hình thức mở rộng và cạnh tranh hơn./.