Việc tăng giá bán than cho sản xuất của các hộ tiêu thụ lớn nhằm bù đắp chi phí cho ngành Than và có lãi để bảo vệ môi trường là việc cần làm, song phải được thực hiện theo lộ trình hợp lý, tránh gây “sốc” về biến động giá cả trên thị trường.
Hiệu ứng dây chuyền
Theo ông Nguyễn Duy Sỹ, Phó Tổng giám đốc VINACHEM, việc tăng giá bán than đột ngột và mức tăng lớn trong mỗi lần sẽ ảnh hưởng bất lợi đến sản xuất của nhiều ngành công nghiệp trong nước, nhất là cho sản xuất phân bón. Trong khi 3 ngành Điện, Xi măng, Giấy chỉ chủ yếu tiêu thụ than cám, thì với đặc thù riêng, VINACHEM hàng năm cần hơn 300.000 tấn than cục và 260.000 tấn than cám cho sản xuất phân bón. Với tính toán của các chuyên gia kinh tế, nếu giá than cám hiện nay bán cho 4 hộ tiêu thụ lớn này chỉ cần tăng khoảng 20% là có thể đạt 98% giá thị trường; giá than cục tăng thêm 20% cũng đạt được khoảng 65% giá thị trường. Vì vậy, để đạt giá thị trường than cục theo đề nghị của Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam (TKV), giá bán phải tăng thêm gấp đôi. Với khoảng tăng lớn này trong một thời gian ngắn sẽ gây khó khăn lớn cho sản xuất phân bón, nhất là phân lân. Đại diện của Cty cổ phần Lân Ninh Bình cho biết, với việc tăng giá than cục lên 20%, giá bán lân cũng buộc phải tăng thêm 4% để bảo đảm lãi cổ tức. Ông Nguyễn Bá Thước, Phó Giám đốc Cty Phân lân Văn Điển cũng cho rằng, nếu giá than tăng thêm 20%, Cty cũng phải tăng giá phân bón khoảng 4% để bảo đảm cuộc sống người lao động. Tính toán của VINACHEM cho thấy, với việc tăng giá than lên khoảng 20%, chi phí sản xuất phân bón của VINACHEM tăng thêm gần 10 tỷ đồng do giá than chiếm tới 25-45% giá thành sản xuất phân bón. Vậy, để bảo đảm có khoảng 240.000 tấn lân và hơn 300.000 tấn NPK cho vụ đông xuân 2007, VINACHEM phải tăng giá lân và NPK ngay từ vụ đông xuân 2007; còn giá đạm có thể chưa tăng ngay vì ít bị ảnh hưởng hơn do nguyên liệu “đầu vào” là than cám.
Nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo, việc tăng giá phân bón lên 4% để bảo đảm sản xuất cho VINACHEM trong điều kiện nông nghiệp vẫn chiếm tới gần 70% cơ cấu GDP của Việt Nam, vì vậy, việc tăng giá bán than lên tối thiểu 20% sẽ gây hiệu ứng tăng giá và gánh nặng này sẽ “chất” thêm lên vai người nông dân, nhất là phải bãi bỏ các trợ cấp nông nghiệp khi thực hiện cam kết gia nhập WTO.
Các giải pháp bình ổn
Ông Nguyễn Duy Sỹ cho biết thêm, sự phối hợp nhịp nhàng trong sản xuất giữa TKV và VINACHEM trên cơ sở cân đối lợi ích giữa các bên cần có chiến lược giảm giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh trên thị trường là giải pháp quan trọng để có thể bình ổn thị trường phân bón trong nước, góp phần bảo đảm an ninh lương thực quốc gia cũng như san sẻ bớt khó khăn cho nông dân.
Trước mắt, do không đạt được thỏa thuận giữa các hộ tiêu thụ với TKV trong việc tăng giá than, Chính phủ và Bộ Tài chính cần xem xét chỉ đạo lập một lộ trình tăng giá hợp lý, bảo đảm cho các ngành sản xuất công nghiệp, nông nghiệp có thể thích ứng được. Theo tính toán của các chuyên gia, việc lập ra một lộ trình hợp lý là điều hoàn toàn có thể thực hiện được, bởi từ nay đến năm 2009 mới thực hiện cơ chế xóa bỏ bù chéo giá than. Được biết, năm 2006, để giải quyết bù lỗ cho giá bán than trong nước, Chính phủ đã cho phép TKV xuất khẩu 14 triệu tấn than, nhưng trên thực tế, chỉ 10 tháng đầu năm TKV đã xuất khẩu 22 triệu tấn và đã bảo đảm lãi để dễ dàng cân đối với giá bán than trong nước.
Riêng với sản xuất phân bón, để bảo đảm bình ổn thị trường cho sản xuất vụ đông xuân 2007 trong điều kiện dư nợ phân bón hiện chiếm khoảng 30-40% doanh thu phân bón, các doanh nghiệp VINACHEM mong muốn lùi thời điểm tăng giá bán than xuống 1-4-2007 thay vì mốc 1-1-2007.
Được biết, những năm qua, việc cải tiến công nghệ, cải tạo dây chuyền sản xuất phân bón đã làm giảm được 60% lượng nguyên liệu than so với thiết kế ban đầu. Vì vậy, VINACHEM đang đẩy nhanh việc đàm phán với với Shell để nhanh chóng chuyển công nghệ khí hóa từ sử dụng than cục sang than cám, nhằm giảm giá thành sản xuất phân bón hiện nay. Việc chuyển đổi này đòi hỏi VINACHEM phải có vốn đầu tư lớn. Tuy nhiên, đây vẫn là việc cần làm sớm để tăng sức cạnh tranh của sản phẩm phân bón Việt Nam trên thị trường.