Trên thế giới, diễn biến thị trường lúa gạo được cho là vẫn hết sức phức tạp. Mặc dù cả năm 2009, lượng cung gạo tăng 3,1% so với năm 2008, đạt khoảng 29,7 triệu tấn, tổng lượng các nước xuất khẩu cũng tăng tới 2,98% nhưng tổng lượng nhập chỉ tăng 0,11%.
Cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu sẽ khốc liệt hơn vào những tháng cuối năm do cả Ấn Độ và Thái Lan - các nước nằm trong số các quốc gia hàng đầu về xuất khẩu gạo - sẽ quay trở lại thị trường.
Do vậy, sức ép tiêu thụ sẽ đè nặng lên gạo Việt Nam khi sản lượng vụ lúa Hè Thu cả nước dự kiến đạt tới 8 triệu tấn.
Nếu trừ đi việc dự trữ để làm giống, ăn, chăn nuôi, an ninh lương thực, sản lượng gạo hàng hoá còn lại có thể xuất khẩu là 2 triệu tấn.
Tính đến cuối tháng 6/2009, các doanh nghiệp Việt Nam đã ký kết hợp đồng giao hơn 5 triệu tấn gạo xuất khẩu. Chuyên gia Nguyễn Đình Bích
(ảnh agro)
Cuối quý II/2009, thị trường gạo đã có sự khởi sắc ấn tượng bằng những đơn hàng xuất khẩu gạo lớn.
Ông Nguyễn Đình Bích, chuyên gia nghiên cứu lúa gạo (Viện Nghiên cứu Thương mại) cho rằng, trong tình hình hiện nay, cơ hội xuất khẩu của Việt Nam đang rất tốt, chúng ta cần đẩy mạnh công tác xuất khẩu để bán hết lượng gạo.
Ông Bích lý giải, số tồn kho của Thái Lan không chỉ dừng ở 3,5 triệu tấn, mà có khả năng lên tới 8 triệu tấn - con số khổng lồ khi kết thúc vụ này.
Xét theo diễn biến của thị trường lúa gạo từ đầu năm 2008 đến nay, sự “đứng yên” hiện tại của thị trường gạo thế giới là một điều hiếm gặp.
Trên thực tế, giá gạo thế giới đã giảm xuống dưới 600 USD/tấn. Chính bất lợi này làm cho Thái Lan chưa thể tung được ra thị trường lượng gạo dự trữ. Điều đó làm cho nguồn cung trên thế giới tạm thời bị khan hiếm khiến giá gạo đang tiếp tục có chiều hướng nhích lên.
Từ nay đến cuối năm, trước sau gì Thái Lan cũng phải mở kho dự trữ và giá gạo thế giới chắc chắn sẽ giảm.
Cùng với Thái Lan, thị trường Ấn Độ cũng đang án binh bất động, nhưng lại có thêm mối tiềm ẩn từ Indonesia - rất có thể sẽ xuất khẩu từ 2-3 triệu tấn gạo.
Cũng cần phải nói thêm rằng, chính Indonesia cũng đã từng là nguyên nhân gây ra cơn sốt gạo hồi năm 1998 khi nước này nhập khẩu tới hơn 6 triệu tấn gạo.
Trong khi đó, năng lực dự trữ của Việt Nam lại rất ít và không thể dự trữ, bảo quản trong thời gian dài như Thái Lan.
"Đây chính là thời điểm Việt Nam nên chớp lấy để tăng tốc xuất khẩu, mà xuất khẩu gạo ở thời điểm này chắc chắn sẽ thắng”, ông Bích nhấn mạnh.