Mới đây, GS-TS Võ Tòng Xuân đến Cà Mau. Sau khi đi khảo sát thực tế một số vùng sản xuất, GS-TS Võ Tòng Xuân có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Cà Mau xoay quanh vấn đề phát triển kinh tế trang trại ở Cà Mau hiện nay.
- Phóng viên: Thưa GS-TS, nền sản xuất ở Cà Mau nhỏ lẻ, manh mún, tính cộng đồng không cao. Mặc dù đã qua một số nơi, nông dân phát triển kinh tế trang trại nhưng không phát huy được hiệu quả trong sản xuất. GS-TS có gợi mở gì cho nông dân Cà Mau trong việc phát triển loại hình sản xuất này?
- GS-TS Võ Tòng Xuân: Thực trạng nền sản xuất ở đồng bằng sông Cửu Long nói chung và Cà Mau nói riêng tồn tại nền sản xuất quy mô nhỏ, manh mún. Mỗi hộ tự canh tác riêng lẻ trên mảnh đất nhỏ bé của mình, rất trở ngại trong sản xuất quy mô lớn, hiện đại, đưa đến tình trạng sản phẩm làm ra không đồng đều, chất lượng thấp, giá thành sản xuất cao, nông dân không còn lời lãi bao nhiêu.
Cà Mau có tiềm năng kinh tế phong phú, có nhiều lợi thế so sánh để phát triển kinh tế nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Tuy nhiên, với cách tổ chức sản xuất rời rạc theo kiểu "mạnh ai nấy làm" như đã qua, lợi tức gia tăng của người dân rất chậm, nông thôn Cà Mau chậm phát triển. Ở Cà Mau, những năm qua tuy có phát triển mô hình kinh tế trang trại, nhưng xét cho cùng, kinh tế trang trại vẫn là kinh tế hộ cá thể.
Trong điều kiện cạnh tranh của kinh tế thị trường, để có nền sản xuất phát triển, Cà Mau phải tổ chức tập hợp nông dân trong từng vùng sản xuất riêng lẻ xây dựng thành từng cụm liên kết sản xuất nông nghiệp chất lượng cao, hoặc những hợp tác xã sản xuất có khả năng tạo ra những sản phẩm có thương hiệu.
Chính sách về kinh tế hợp tác của Nhà nước tuy đã ban hành lâu rồi nhưng đến nay vẫn chưa có nhiều kết quả khả quan vì thiếu nhiều yếu tố khuyến khích nông dân. Họ tự "bơi" trong mọi mặt hoạt động, không ai lo đầu ra cho sản phẩm, phó thác cho thương lái.
Nếu tổ chức tập hợp nông dân lại, vấn đề thị trường, đầu ra có thể được giải quyết bằng chính sách gắn kết nông dân với các doanh nghiệp chế biến, phân phối, xuất khẩu sản phẩm có thương hiệu làm ra từ vùng nguyên liệu do nông dân sản xuất. Lúc đó, nông dân không còn phập phồng khi sản xuất, vì biết chắc sẽ bán sản phẩm nguyên liệu cho ai với giá cả phải chăng.
- Phóng viên: Nhưng vấn đề đặt ra là trình độ sản xuất của nông dân Cà Mau còn hạn chế. Nếu liên kết lại với quy mô sản xuất tập trung, sẽ vượt khỏi khả năng quản lý của họ. Theo GS-TS phải giải quyết khó khăn này như thế nào?
- GS-TS Võ Tòng Xuân: Yêu cầu đặt ra đối với các cụm liên kết, hay các hợp tác xã sản xuất chất lượng cao là nông dân phải có kiến thức và tay nghề cao để làm ra những sản phẩm hàng hóa được thị trường chấp nhận. Giải quyết vấn đề này, Nhà nước và các doanh nghiệp phải liên kết đào tạo, hay chuyển giao kỹ thuật cho nông dân một cách cụ thể những kiến thức và kỹ năng cao nhất theo đúng quy trình kỹ thuật.
Cụ thể, ở Cà Mau hầu hết nông dân là sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng khai thác thủy sản là hai sản phẩm chiến lược của họ, thì việc chuyển giao quy trình kỹ thuật phải thích hợp cho người sản xuất (kỹ thuật canh tác lúa và nuôi tôm) chứ không thực hiện biện pháp tập huấn chung chung rồi nông dân chẳng biết áp dụng gì trong quá trình sản xuất của họ.
Nếu tập hợp nông dân Cà Mau thành các cụm liên kết hoặc các hợp tác xã sản xuất chất lượng cao có quy mô nuôi tôm tập trung, đồng thời có sự gắn kết chặt chẽ với doanh nghiệp, quá trình đó sẽ có sự phân kỳ trong khi thu hoạch thì sẽ đáp ứng nguồn liệu quanh năm cho các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. Làm được điều này, môi trường sản xuất bền vững, tôm nuôi phát triển, sản phẩm làm ra không bị thương lái ép giá. Lúc đó, chắc chắn cuộc sống của nông dân sẽ ổn định hơn.
- Phóng viên: Xin cảm ơn GS-TS!