00:00 Số lượt truy cập: 2994839

Tây Nguyên: Cà phê được mùa, được giá 

Được đăng : 03/11/2016
Giá cà phê xuất khẩu trung bình từ đầu năm đến nay tăng gần 50% so với năm trước. Riêng tháng 11 đã xuất khẩu được 75.000 tấn (tăng 18% so với cùng kỳ 2005), nâng lượng cà phê xuất khẩu từ đầu năm đến nay lên 787.000 tấn. Điều đáng nói hơn, trong tháng 11/2006 giá cà phê tăng so với tháng trước gần 30 USD/tấn, nên giá trị cà phê xuất khẩu tăng tới 70%.


Theo đánh giá của Hiệp hội cà phê – ca cao Việt Nam (VICOFA), thời gian tới giá cà phê tiếp tục giữ ở mức cao, do tiêu thụ cà phê thế giới tăng. Kim ngạch xuất khẩu cà phê năm 2006 ước đạt 950 triệu USD, tăng khoảng 5% so với năm ngoái.

Nông dân mừng vì giá, lo vì trộm

Theo VICOFA, những ngày đầu tháng 12, giá cà phê xuất khẩu FOB tại thành phố Hồ Chí Minh đạt mức 1.360-1.370 USD/tấn, giảm 100 USD/tấn so với thượng tuần tháng 11 (ngày 20,21/11 giá xuất khẩu FOB tại thành phố Hồ Chí Minh là 1.475-1,490 USD/Tấn). Giá xuất khẩu giảm kéo theo giá mua cà phê nội địa cũng giảm theo. Tại Lâm Đồng (tỉnh có diện tích cà phê đứng thứ 2 cả nước với trên 100.000 ha), giá cà phê Robusta (xô) từ 22.800đ giảm xuống 20.800 đ/kg giảm xuống; Robusta loại 1 ( 2%) từ 24.800đ giảm xuống 22.800 đ/kg; Robusta loại 2 (5%) từ 23.600đ giảm xuống 21.600 đ/kg. Theo đánh giá của bà con nông dân trồng cà phê ở Lâm Đồng nói riêng và các tỉnh Tây Nguyên nói chung, vào tháng 12 dù giá có xuống chút ít so với tháng 11, nhưng giá vẫn ở mức cao, đây là mùa cà phê được đánh giá nhất trong vòng 10 năm trở lại đây.

Càng vui hơn "ơn trời mưa thuận gió hoà" vụ này không chỉ được giá, Lâm Đồng và cả Tây Nguyên còn được mùa cà phê. Riêng huyện Lâm Hà (Lâm Đồng) có 32.000 ha cà phê, tổng sản lượng ước đạt 70.000tấn, tăng 14.500 tấn so với vụ trước (trị giá khoảng 290 tỷ đồng). Năng suất bình quân đạt 2,5 tấn/ha, hơn vụ trước 5 tạ/ha. Với giá cà phê như vụ này, một gia đình trồng khoảng 3 ha cà phê thu về từ 250-300 triệu đồng. Sau khi trừ các khoản chi phí còn thu lãi trên 200 triệu đồng. Nông dân phấn khởi trang trải hết nợ nần "dồn cục" lâu nay, nguồn vốn còn lại vẫn kha khá…

Tiến bộ hơn những vụ trước, mùa cà phê năm nay ngành nông nghiệp kết hợp với chính quyền địa phương, các doanh nghiệp mở nhiều lớp tập huấn kỹ thuật thu hái cà phê, thông qua đó tuyên truyền nhân dân tác hại việc thu hoạch cà phê xanh, bằng cách "tuốt cành" thiệt đơn, thiệp kép; mất sản lượng, bán không được giá. Mặt khác, năm nay nhiều doanh nghiệp đã kiên quyết không mua cà phê xanh. Nhờ vậy, chất lượng cà phê thu hoạch được nâng lên. Bên cạnh tín hiệu mừng, ở Lâm Đồng lại đang xẩy ra "dịch" hái trộm cà phê lan rộng ở nhiều huyện. Cuối tháng 11, đầu tháng 12 Lâm Đồng đang ở vào thời kỳ cao điểm thu hoạch cà phê. Hiện nay giá 1kg cà phê tươi 4.000 đ, tăng gấp 2 lần so với năm ngoái. Cà phê càng được giá tình trạng hái trộm cà phê càng gia tăng, càng lan rộng như một nạn dịch. Ở các huyện Bảo Lâm, Di Linh, Lầm Đồng, Đức Trọng…, đa số các vườn cà phê có diện tích rộng, cách xa khu dân cư nên bọn trộm càng dễ hoạt động. Bọn trộm chỉ cần hái 1 giờ là đã được vài chục kg quả cà phê tươi, trị giá 200.000-300.000 đồng. Có băng nhóm chỉ trong một đêm đã hái trộm quả trên diện tích rộng cả ngàn m2 của 1 hộ gia đình. Một số hộ còn bị chúng chặt cả cành cà phê để vác đi cho nhanh. Chuyện hái trộm cà phê không mới nhưng năm nay thành "dịch" là mới. Tệ nạn trở thành tội phạm phá hoại sản xuất. Đề nghị các ngành chức năng ở Lâm Đồng cũng như các tỉnh Tây Nguyên cần ra tay kịp thời, có biện pháp mạnh để an sinh, không chỉ có mùa này mà cả những năm sau!

Doanh nghiệp lo vì "ngắn" vốn

Việc kinh doanh cà phê trên thế giới lâu nay các doanh nghiệp đều giao dịch qua 2 thị trường kỳ hạn lớn là LIFFE (London, Anh quốc), NYBOT (New York, Mỹ) thông qua công cụ chọn quyền mua hay chọn quyền bán khi cảm thấy cần thiết. Các doanh nghiệp Việt Nam, gần 2 năm nay mới chập chững bước vào thị trường kỳ hạn xuất khẩu cà phê giao dịch hợp đồng tương lai qua sàn giao dịch quốc tế (coffee futures contract) ở thị trường LIFFE, nên không tránh khỏi những khoản phải "nộp học phí" lớn cho thương trường. Đầu tháng 8/2006, khi giá cà phê giao kỳ hạn tháng 1/2007 trên thị trường London tăng lên đến 1.300 USD/tấn, nhiều doanh nghiệp xuất khẩu cà phê ở Đăk Lắk đã hí hứng, mừng thầm và cho rằng giá đã tột đỉnh. Vì, giá cà phê không thể vượt đỉnh" 1.300 USD/tấn (tương đương 20.800 đ/kg) vào tháng 1/2007 khi Việt Nam và nhiều nước sản xuất cà phê hàng đầu thế giới vừa thu hoạch xong. Vì vậy, nhiều doanh nghiệp đã chốt giá bán cà phê hàng loạt ( có một Công ty bán tới vài chục ngàn tấn). Nhưng, trớ trêu, thực tế trên thị trường kỳ hạn cho đến nay lại có dấu hiệu ngược lại. Khi lên đến mức 1.300 USD/tấn giá chỉ giảm có vài ngày đầu tháng 8, sau đó lại liên tục tăng. Giá cà phê xuất khẩu của Việt Nam từ đầu tháng 11/2006 luôn bám sát giá thế giới, đến ngày 11/11 đạt mức 1.650 USD/tấn (tức 26.400 đ/kg), sau đó hạ nhẹ và ngày 17/11 có dấu hiệu tăng trở lại… Nhiều doanh nghiệp khốn đốn, thua lỗ đậm vì đã "trót nhỡ" ký hợp đồng bán hàng giá thấp trước đó; ngơ ngác, tự đặt câu hỏi: năm nay các nước xuất khẩu cà phê lớn trên thế giới đều không hiểu sao giá cứ tăng đều? Chóng cả mặt! cũng cần nói thêm, trước đó nhiều doanh nghiệp tư nhân ở Đắk Lắk cũng đã thua nhiều tỉ, vì buôn bán cà phê khống trên mạng!

Cha ông ta từ xưa đã có câu "buôn tài không bằng dài vốn", các doanh nghiệp cà phê Việt Nam vốn "ngắn", thường ký hợp đồng xuất khẩu trước rồi mới tất tả vay vốn, sau đó là tất bật ngược xuôi đi mua hàng trong nỗi lo phập phồng. Kiểu làm ăn "bốc ngắn, cắn dài" này luôn luôn bị động, lúng túng mỗi khi có sự chao đảo của thị trường. Thiếu vốn đi liền với không có nguồn hàng dự trữ dã là thất thết, cộng thêm thiếu thông tin, xử lý thông tin không sát thực tế làm cho doanh nghiệp Việt Nam luôn đứng trước nguy cơ thua lỗ. Việt Nam đã vào chợ toàn cầu WTO, cần phải liên kết để hội nhập, không thể theo cách làm ăn cũ, mạnh ai nấy làm./.