00:00 Số lượt truy cập: 3065016

Tây Nguyên đối mặt với trận hạn khắc nghiệt 

Được đăng : 03/11/2016
Do có sự xuất hiện của hiện tượng Elnino ngày càng rõ hơn cùng với lượng mưa quá ít khiến cho mực nước các sông, hồ ở khu vực phía Bắc, Tây Nguyên và miền Trung (đặc biệt là Nam Trung Bộ) tiếp tục bị hạ thấp so với trung bình nhiều năm, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân cũng như hoạt động sản xuất.




Theo kết quả thống kê mới nhất từ Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng, tính đến ngày 13/3, đã có gần 4.000 ha cây trồng của tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề bởi hạn hán kéo dài trong hai tháng qua ở Tây Nguyên, trong đó có khoảng 300 ha lúa đông xuân có khả năng bị mất trắng. Bên cạnh đó, cà phê cũng là thứ cây trồng đang gây lo lắng cho địa phương bởi hầu hết các nguồn nước ao, hồ trong vùng đã cạn kiệt. Hiện mực nước các hồ chứa trên toàn địa bàn tỉnh Lâm Đồng đã thấp hơn cùng kỳ từ 0,5m – 2,5m.

Tình hình hạn hán không chỉ ảnh hưởng đến công tác sản xuất mà còn cả đời sống sinh hoạt thường ngày của người dân trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Ông Trần Đình Lãnh – Giams đốc Công ty Cấp thoát nước Lâm Đồng cho biết, nguồn nước để cung cấp cho khách hàng của Công ty trong nhiều ngày qua đã giảm sút nghiêm trọng vì hầu hết 3 nhà máy nước của Công ty không thể hoạt động hết công suất.

Nói rõ hơn, nguồn nước từ các hồ chứa để cho 3 nhà máy hoạt động đã giảm sút đến mức báo động. Cũng vì vậy, mỗi ngày đêm, Công ty Cấp thoát nước Lâm Đồng không thể cung cấp đủ 34.600m3 nước cho 34.000 hộ dân như thường lệ. Trong những ngày cao điểm mùa khô ở Tây Nguyên này, Công ty đã phải “lên danh sách” khách hàng được ưu tiên đặc biệt trong việc cung cấp nước, trong đó có khách hàng là Bệnh viện Đa khoa Lâm Đồng (vì tính đặc thù của bệnh viện).

Do mùa mưa vừa qua gần một nửa địa bàn Đắc Lắc lượng mưa thấp hơn trung bình của nhiều năm trước, nên đến thời điểm này hầu hết các con sông lớn trên địa bàn tỉnh như Sê Rê Pôk, Krông Na, Krông Nô, Krông Păk... lưu lượng dòng chảy đã thấp hơn trung bình nhiều năm khoảng 30%, các hồ đập nhỏ của tỉnh đã vơi cạn quá nửa, nước ngầm ở nhiều nơi như Buôn Đôn, Cư M’gar cũng đã tụt sâu hơn so cùng thời điểm năm trước từ 1-1,5m...

Trong khi đó diện tích lúa đông xuân của tỉnh năm nay khá cao: trên 20.000 ha, đồng thời do cà phê vụ vừa qua được mùa, được giá nên các hộ trồng cà phê có điều kiện để tưới nhiều hơn cho cà phê và các cây trồng khác, vì thế nước mặt và nước ngầm càng tụt nhanh. Trung tâm khí tượng thủy văn Đắc Lắc cho biết: Khoảng giữa tháng 3/2007 trở đi Đắc Lắc sẽ phải đối mặt với một trận hạn rất khắc nghiệt.

Hạn hán ở Tây Nguyên là vấn đề thường niên, tuy nhiên diễn biến trong từng năm lại không giống nhau. Thiệt hại do hạn hán mang đến trong những năm trở lại đây càng gây thiệt hại lớn trong đó nguyên nhân chính là do diện tích canh tác tăng, giá trị của các cây trồng cũng lớn hơn nhiều so với trước đây. Hạn đối với các cây công nghiệp lâu năm như cà phê, tiêu... gây thiệt hại lớn hơn đối với các cây trồng ngắn ngày như rau màu, lúa gạo.... Vì hạn không những làm giảm sản lượng trong năm nay mà còn kéo dài một vài năm tiếp theo, thậm chí nếu gây chết thì phải trồng lại trong 3 đến 5 năm sau mới được thu hoạch. Mặt khác, với việc diện tích rừng già giảm cũng kéo theo sự giảm điều tiết nước.

Tình hình hạn hán khác nghiệt này đã được dự báo từ trước. Nhân dân và chính quyền các địa phương cũng đã rất chú trọng đến công tác chống hạn. Nhiều công trình thủy lợi được xây dựng và phát huy hiệu quả chống hạn rất tốt. Tuy nhiên, một thực tế đang tồn tại là ở khu vực Tây Nguyên chưa có công trình thủy lợi lớn, năng lực tưới thực tế thấp hơn nhiều so với năng lực tưới theo thiết kế nên nguy cơ thiếu nước trong mùa khô vẫn là rất lớn.