00:00 Số lượt truy cập: 2999830

Thái Bình: Tạo sức bật cho sản xuất nông nghiệp 

Được đăng : 03/11/2016

Để trở thành tỉnh nông thôn mới có nền sản xuất nông nghiệp hiện đại theo hướng sản xuất hàng hóa, thì mục tiêu đặt ra trong giai đoạn tới cho ngành nông nghiệp Thái Bình là phải phát triển bền vững. Trong đó, nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học công nghệ (KHCN) là nhiệm vụ hết sức quan trọng và ngày càng trở nên cấp thiết đối với sự phát triển bền vững, có hiệu quả theo hướng nâng cao khả năng cạnh tranh của nền nông nghiệp.


Tham quan mô hình trình diễn các giống lúa của Trung tâm khảo nghiệm Khuyến nông - Khuyến ngư Thái Bình tại xã Đông Hải (Quỳnh Phụ). Ảnh Thành Tâm

Thái Bình là tỉnh nông nghiệp với trên 80% dân số sống ở nông thôn, nhưng sức cạnh tranh hàng hoá nông sản của Thái Bình vẫn còn thấp. Việc tuyên truyền, vận động nông dân tiếp thu ứng dụng khoa học kỹ thuật, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả còn gặp nhiều khó khăn.

Những năm qua, hoạt động KHCN đã có chuyển biến tích cực, góp phần quan trọng vào sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh. Trong lĩnh vực phát triển nông nghiệp nông thôn đã tập trung đầu tư nghiên cứu khảo nghiệm, tuyển chọn giống cây, giống con mới; ứng dụng công nghệ nuôi trồng tiên tiến như: công nghệ sinh sản nhân tạo giống cá, chăn nuôi lợn thịt cho sản phẩm thịt lợn an toàn, mô hình sản xuất khoai tây giống, khoai tây hàng hoá, công nghệ gieo thẳng lúa...

Chỉ tính năm 2010 đã có trên 40 giống cây màu mới, hàng chục giống lúa các loại được tuyển chọn, bổ sung vào cơ cấu giống cây trồng của tỉnh. Đặc biệt, 2 giống lúa TBR36 và Thái Xuyên 111 của Tổng công ty Cổ phần Giống cây trồng Thái Bình đã được Bộ Nông nghiệp và PTNT công nhận là giống quốc gia. Trong lĩnh vực chăn nuôi, thủy sản: Đã nuôi dưỡng, lưu giữ qua đông thành công đàn cá Rô phi lai xa bố mẹ, đạt tỷ lệ 98,9%; tiếp thu thành công quy trình nuôi an toàn sinh học vịt Super M3 thương phẩm và vịt sinh sản tại xã Vũ Tiến (Vũ Thư), Thụy Quỳnh (Thái Thụy); làm chủ công nghệ sản xuất ngao giống theo phương pháp sinh sản nhân tạo; giống Hầu cửa sông...

Việc ứng dụng các mô hình KHCN vào sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nuôi trồng thuỷ sản bước đầu đạt kết quả tốt, song việc triển khai nhân rộng ra đại trà ở những năm sau khi đề tài, dự án đã kết thúc còn nhiều hạn chế. Các đề tài, dự án có hàm lượng KHCN cao, tác động to lớn đến sự phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh còn ít, đề tài còn manh mún. Nguyên nhân chủ yếu do hiện nay diện tích canh tác của mỗi hộ nông dân ít, không tập trung; lực lượng lao động không đồng đều, nhiều hộ gia đình chỉ có người già và trẻ nhỏ, những người trong độ tuổi lao động thường đi làm ăn xa; nhận thức, tiếp thu các tiến bộ KHCN của các hộ nông dân khác nhau, do đó khó có sự đồng thuận để tiếp nhận các tiến bộ kỹ thuật mới.

Bên cạnh đó, nhiều đề tài KHCN khảo nghiệm thành công và được nghiệm thu nhưng chưa được áp dụng vào sản xuất, có những mô hình áp dụng tiến bộ KHCN rất thành công nhưng khó mở rộng ra sản xuất đại trà do hạn chế nguồn vốn. Đội ngũ cán bộ KHCN trong tỉnh chưa đáp ứng yêu cầu, phương pháp trình bày, truyền đạt chưa thật sự hấp dẫn, chủ yếu truyền đạt thông tin, thiếu tính thực nghiệm, hướng dẫn dưới dạng cầm tay chỉ việc; chưa làm tốt vai trò “cầu nối” giữa nhà KHCN với nhà sản xuất kinh doanh, nhất là việc tiếp thu, chuyển giao các công nghệ từ bên ngoài vào. Hơn nữa lại thiếu sự phối kết hợp giữa các ngành, các cấp với các đơn vị, cá nhân thực hiện chuyển giao công nghệ.

Điều đáng quan tâm hiện nay là việc nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp cần có sự vào cuộc, liên kết của 4 nhà: nhà nước, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và người nông dân.

Vì vậy, để nông dân có điều kiện tiếp cận nhanh, đầy đủ thông tin KHCN và ứng dụng vào sản xuất đạt hiệu quả, thì việc đẩy mạnh nghiên cứu và chuyển giao KHCN cho nông dân là việc cần thiết, cấp bách trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước. Cần có cơ chế thúc đẩy tư nhân tham gia tổ chức nghiên cứu, chuyển giao ứng dụng KHCN vào sản xuất, đời sống, nhằm hướng đến hình thành và phát triển thị trường KHCN. Tỉnh cần sớm có chính sách khuyến khích tích tụ ruộng đất. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn là tiền đề và điều kiện thuận lợi để tỉnh sớm thực hiện điều này. Phải đầu tư mạnh cho công tác nghiên cứu, ứng dụng KHCN, các công đoạn sau thu hoạch, đặc biệt là công nghệ chế biến. Chuyển dần sản xuất thâm canh sang phát triển một nền sản xuất hàng hoá có khả năng cạnh tranh cao.

Hơn nữa, những người làm công tác khoa học rất cần một môi trường sạch, lành mạnh với điều kiện làm việc thuận lợi, được đánh giá đúng khả năng. Bởi, nghiên cứu khoa học không phải lúc nào cũng thành công nhưng kết quả chưa thành công của ngày hôm nay sẽ là thành công của ngày mai, vì vậy cần người lãnh đạo biết nhìn nhận và sử dụng trí thức. Hiện nay, lực lượng khoa học có trình độ sau đại học ở tỉnh ta nói chung và trong ngành nông nghiệp nói riêng còn ít không thể đáp ứng được với tình hình phát triển nhanh, mạnh của KHCN và phải đối mặt với hội nhập quốc tế. Do đó, tỉnh nên có chính sách tốt hơn để khuyến khích, thu hút và giữ nhân tài, hạn chế chảy máu chất xám.

Với người nông dân, KHCN sẽ không là vấn đề “cao siêu”, “xa lạ”, nếu như những gì họ đang đối mặt nhanh chóng tìm được sự hỗ trợ, sự vào cuộc từ phía những nhà “cầm cân”. Khi đầu tư đủ mạnh cho nghiên cứu KHCN và Nhà nước có chính sách hợp lý thì cơ hội đổi đời cho người dân “chân lấm tay bùn” sẽ ngày càng đến gần hơn.