WTO đã lập một nhóm chuyên gia xem xét tính pháp lý với quyết định áp thuế chống bán phá giá của Mỹ đối với tôm nhập khẩu sau khi Thái Lan lần thứ 2 yêu cầu WTO giải quyết vấn đề này.
Tại cuộc họp của Ủy ban Giải quyết Tranh chấp WTO ngày 26/10, Thái Lan cho rằng, mức thuế chống bán phá giá do Mỹ đưa ra đang đe dọa sự tồn tại và phát triển của ngành nuôi tôm hiện thu hút khoảng 1 triệu nông dân Thái Lan, trong đó có rất nhiều gia đình đang phải nai lưng ra trả nợ sau thảm họa sóng thần xảy ra cuối năm 2004. Thái Lan cho rằng, Mỹ đã tính chưa chuẩn xác biểu thuế chống bán phá giá, được thực hiện một cách rất phức tạp theo phương pháp có tên gọi là “zeroing”. Ngoài ra, Thái Lan còn phàn nàn về thủ tục trả thuế cồng kềnh của Mỹ.
Mỹ - hiện là thị trường xuất khẩu lớn tôm nhất của Thái Lan, chiếm tới 50% tổng xuất khẩu tôm của nước này- cũng đã áp thuế chống bán phá giá bất công đối với tôm nhập khẩu từ Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, Braxin và Êquađo.
Trong khi đó, Ấn Độ cũng lần đầu tiên đề nghị WTO xem xét vấn đề chống bán phá giá đối với tôm nhập từ Ấn Độ. Mặc dù Mỹ đang ngăn cản, nhưng nếu Ấn Độ tiếp tục yêu cầu lần thứ hai trong vòng 1 tháng thì đề nghị này sẽ mặc nhiên được chấp nhận, và WTO sẽ lập nhóm điều tra về vụ việc liên quan. Ấn Độ cho rằng việc Mỹ thay đổi luật lệ năm 2004, trong đó quy định nhà nhập khẩu một số nông hải sản phải bổ sung hải quan hoặc đặt cọc một số tiền tương đương với tổng giá trị của mức thuế chống bán phá giá trong 12 tháng trước đó, là mang tính phân biệt đối xử.