00:00 Số lượt truy cập: 2669028

Thái Nguyên - Sau gần 2 năm thực hiện Đề án phát triển sản xuất chè : Tăng cả lượng và chất 

Được đăng : 03/11/2016

Chè Thái Nguyên đã có nhãn hiệu hàng hoá; diện tích chè trồng mới, chè thâm canh đã tăng rõ rệt; các giống chè năng suất, chất lượng được đưa vào thay thế dần diện tích chè cũ, xuống cấp... Đó là kết quả khả quan của gần 2 năm triển khai Đề án phát triển sản xuất chè Thái Nguyên giai đoạn 2006-2010.


Từ năm 2006 đến nay, tỉnh đã đầu tư trên 3,5 tỷ đồng vốn ngân sách để xây dựng hạ tầng, trợ giá giống và chuyển giao tiến bộ kỹ thuật sản xuất chè cho người làm chè. Đồng thời, huy động các nguồn vốn vay giúp người nông dân đẩy mạnh sản xuất. Giai đoạn đầu thực hiện Đề án, tỉnh tập trung đầu tư cơ sở vật chất cho một số vùng chè trọng điểm.

Tại huyện miền núi Phú Lương, tỉnh đã đầu tư hệ thống tưới cho các xã vùng chè (phía Tây của huyện) đang khó khăn về nguồn nước. Hiện nay, trạm bơm tưới và đập tạo nguồn nước phục vụ sản xuất chè ở đây đã được hoàn thành. Đây là công trình sử dụng vốn ngân sách cấp và huy động một lượng lớn tiền đối ứng của nhân dân địa phương.

Cùng với sự hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, Đề án phát triển sản xuất chè Thái Nguyên giai đoạn 2006-2010 đã góp phần cải tạo giống chè địa phương qua các chương trình trợ giá giống cho bà con. Năm 2006, tỉnh đã trợ giá giống cho khoảng 540 nghìn cây chè giống với số tiền 64 triệu đồng. Năm nay, giống chè lai, chè nội nhập tiếp tục được trợ giá với số lượng cao hơn năm trước. Ngoài ra, tỉnh cũng đã tạo điều kiện cho người làm chè vay vốn sản xuất với tổng số lượt người vay lên tới trên 7.300 người.

Chiến lược phát triển ngành chè cả nước nói chung và của tỉnh Thái Nguyên nói riêng đều xác định hai vấn đề chính yếu là xây dựng vùng chè nguyên liệu và đẩy mạnh chế biến, tiêu thụ. Về xây dựng vùng chè nguyên liệu, các địa phương trọng điểm chè của tỉnh như: T.P Thái Nguyên, huyện Đại Từ, Đồng Hỷ, Phú Lương... đã chủ động tạo dựng các vùng chè thâm canh nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm chè ngay từ khâu đầu vào.

Theo định hướng của tỉnh thì sản xuất chè xanh và chè cao cấp phải chiếm 80%, chè đen chiếm 20% tổng diện tích. Do vậy, ngay trong năm đầu thực hiện Đề án, toàn tỉnh đã có 7.470 ha chè thâm canh với năng suất trên 100 tạ/ha, sản lượng khoảng 130 nghìn tấn. Cùng với thâm canh, các địa phương, đơn vị đã xác định lại một số diện tích chè xuống cấp nhưng vẫn còn khả năng canh tác đưa vào diện cải tạo lại để tăng năng suất, chất lượng. Diện tích chè cải tạo đến năm 2006 là 1.133ha và năm 2007 này ước tăng thêm gần 600ha nữa.

Để nhanh chóng chuyển dịch cơ cấu giống, tăng diện tích chè giống mới, tỉnh chỉ đạo chỉ trồng mới chè được nhân giống bằng phương pháp giâm cành. Điều này đòi hỏi các địa phương phải xây dựng được hệ thống các vườn ươm đạt tiêu chuẩn. Gần hai năm qua, Sở Nông nghiệp và PTNT đã kiểm định và cấp giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn cây giống cho 271 vườn ươm với khoảng 1.760 vạn cây. Các giống chè được trồng mới thời gian qua là những giống chè nổi tiếng đã qua kiểm nghiệm thực tế: LDP1, TRI777, chè Shan và một số giống chè nội nhập như Kim Tuyên, Bát Tiên, Phúc Vân Tiên...

Cùng với xây dựng các vùng nguyên liệu, tỉnh cũng tập trung mạnh cho vấn đề chế biến và tiêu thụ sản phẩm chè. Trong chế biến, chúng ta đang đẩy mạnh chế biến công nghiệp. Năm 2006, sản lượng chè chế biến của tỉnh đạt 26.000 tấn, trong đó chế biến công nghiệp chiếm gần 50%. Điều đáng quan tâm là gần 2 năm thực hiện Đề án, tình trạng thu hái chè không đúng quy trình kỹ thuật của người dân đã giảm rất nhiều so với trước. Đặc biệt, tình trạng bà con cắt chè ồ ạt, không xác định phẩm cấp bán lại cho doanh nghiệp Trung Quốc như một số tỉnh khác là không có ở Thái Nguyên.

Nhiều doanh nghiệp đã không ngừng cải tiến kỹ thuật, đầu tư máy móc thiết bị, mở rộng sản xuất chế biến chè như: Doanh nghiệp Hoàng Bình, Công ty chè Hà Thái, Công ty chè Trung Nguyên và rất nhiều nhà máy, cơ sở chế biến chè khác ở các địa phương. Vấn đề tiêu thụ chè được đặc biệt quan tâm và đã cải thiện bước đầu. Ngoài một lượng lớn chè nội tiêu, chúng ta đã xuất khẩu được hàng chục nghìn tấn sang thị trường các nước khu vực Trung Đông, Nhật Bản, Hàn Quốc, Nga... với giá trị trung bình khoảng 15 triệu USD mỗi năm.

Như vậy, có thể thấy sau gần hai năm triển khai Đề án phát triển sản xuất chè, ngành chè Thái Nguyên đã thực sự tăng trưởng mạnh hơn so với trước. Nói cách khác, Đề án đã và đang giúp ngành chè tăng trưởng cân đối cả lượng và chất.