Thâm canh lúa gieo thẳng bằng giàn sạ hàng
Được đăng : 03/11/2016
Ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất lúa sẽ giảm đáng kể sức lao động và chi phí sản xuất, rút ngắn thời gian sinh trưởng của lúa và đạt năng suất cao.
Ở Quảng Trị, trong những năm qua, tất cả các khâu trong sản xuất lúa đều được ứng dụng các kỹ thuật mới, trong đó, giàn gieo sạ đã được nông dân đưa vào sử dụng qua nhiều vụ song vẫn chưa được phổ biến. Vì thế trong vụ hè thu, nông dân cần đưa công cụ này vào phục vụ sản xuất để đẩy nhanh tiến độ sản xuất, đưa kết thúc vụ hè thu càng sớm càng tốt.
Giàn sạ hàng được thực hiện trên ruộng có quy mô khá lớn, từ vài sào trở lên. Ruộng phải chủ động nước. Yêu cầu làm đất kỹ, phẳng, mặt ruộng phải đều, có nhiều bùn hoa và không để nước đọng trên mặt ruộng. Bón lót đầy đủ các loại phân trước khi bừa, trang phẳng ruộng. Phân chuồng hoai mục từ 5- 7 tạ/sào, phân NPK lượng 20- 25 kg/sào. Vét rãnh xung quanh và các rãnh ở giữa hai băng của giàn kéo.
Vụ hè thu trong tỉnh chủ yếu sản xuất các giống lúa ngắn ngày nhưng phải có phẩm cấp như khang dân, ma lâm, HT1, QNT1, HC95. Các giống dài ngày dùng để bổ sung như: P6, Xi23, X21 ...và các giống khác có thời gian sinh trưởng tương đương (nên bố trí trên chân đất cao ít bị ngập lụt cuối vụ). Ngoài ra các địa phương nên bố trí một phần diện tích để gieo trồng các giống lúa mới đã được Trung tâm Giống cây trồng- vật nuôi tỉnh khảo nghiệm qua 3-4 vụ cho kết quả tốt như giống lúa HT6, HT9, khang dân đột biến, có thời gian sinh trưởng tương đương giống khang dân 18, PC6...
Tuỳ theo thời gian sinh trưởng của từng giống và phương thức gieo cấy, điều chỉnh cho lúa trổ tập trung từ 27/7- 7/8/2010 (16/6-27/6 Canh Dần) để thu hoạch nhanh gọn trước 7/9/2010 (29/7 Canh Dần), tránh ngập lụt vào cuối vụ.
Lượng giống cho 1 sào khoảng 4 kg. Phơi lại hạt giống và làm sạch tạp chất. Ngâm trong nước sạch, hạt giống no nước và nhìn thấy phôi trắng (lúa lai ngâm 22 - 24 giờ, lúa thuần từ 42- 50 giờ tuỳ theo từng giống và hạt giống cũ hay hạt giống mới).
Ủ mầm đảm bảo đủ nhiệt độ cao 35 -37oC trong 6 - 8 giờ đầu để hạt nảy mầm tập trung. Khi mầm dài bằng 1/3 - 1/2 hạt thóc thì đem gieo. Chú ý, không để mầm quá dài sẽ làm hạt gống không xuống được lỗ gieo, mầm quá ngắn hạt giống xuống nhiều làm tốn giống và mất công tỉa bỏ.
Trước khi gieo, tháo cạn nước, dùng ván trang lại mặt luống để tạo lớp bùn loãng trên mặt, đảm bảo khi gieo hạt giống chìm trong bùn hoa.
Giàn gieo có các trống để đựng giống, mỗi trống có các hàng lỗ, hàng cách hàng 20 cm. Mở nắp trống, chia đều lượng giống vào trong các trống (chỉ đổ đầy 2/3 trống), đóng nắp lại, kiểm tra nắp cho chắc chắn để tránh bật nắp, hạt giống rơi ra ngoài trong khi kéo gieo. Không được đổ đầy, hạt giống sẽ không xuống được.
Gieo theo luống, các luống cách nhau 30 cm nhằm phát huy tính ưu việt của cây lúa đầu bờ. Trước khi kéo phải đẩy lùi giàn gieo về phía sau để hạt giống văng ra ngay đầu hàng, kéo đều tay để mộng xuống đều theo hàng. Khi gần hết ruộng phải mở nắp trống ra, kiểm tra lượng giống bên trong để điều chỉnh kịp thời.
Bón phân cho lúa gieo thẳng. Đầu tư cho mỗi ha: Đạm urê 180 - 200 kg; lân 450 - 500 kg; kali 150 - 160 kg (kali đỏ). Nếu đã bón lót phân NPK thì có thể giảm bớt lượng đạm và kali từ 25- 30% so với định mức trên. Có thể thay phân đơn bằng phân NPK Đầu Trâu.
Lúa gieo thẳng yêu cầu bón sớm, bón tập trung để cho lúa đẻ kết thúc sớm và tạo điều kiện rút nước cho bộ rễ ăn sâu và chống đổ. Bón thúc lần 1 khi lúa được 2- 2,5 lá, bón 30% đạm + 20% kali (hoăc 50% lượng NPK Đầu Trâu). Bón thúc lần 2 khi lúa đạt 5 - 6 lá, bón 70% đạm còn lại + 30% kali (hoặc 50% lượng phân NPK Đầu Trâu). Bón đón đòng khi lúa có đòng cứt dán thì bón hết lượng phân kali còn lại.
Sau khi gieo phải dùng thuốc trừ cỏ phun ngay khi đất đang còn ẩm. Sử dụng các loại thuốc trừ cỏ tiền nảy mầm như SoFit 300 EC, Heco 600 EC. Prefif 300 EC...sau khi gieo từ 1- 3 ngày. Sau khi phun thuốc phải giữ nước ở rãnh để đảm bảo ruộng luôn đủ ẩm, không để nứt nẻ ít nhất trong vòng 1 tuần.
Điều tiết nước trên ruộng lúa, từ khi lúa mọc 1 lá cho đến khi kết thúc đẻ nhánh khoảng 30- 35 ngày thì luôn luôn giữ nước nông theo chiều cao của cây lúa (từ 2- 5 cm). Sau giai đoạn này rút kiệt nước phơi lộ ruộng từ 10 – 15 ngày tuỳ theo thời tiết và chân đất.
Khi lúa đạt 2 - 2,5 lá, đưa nước láng mặt ruộng, kết hợp bón phân thúc lần 1 và tỉa dặm định lại mật độ. Có thể sử dụng phân bón NPK chuyên dùng và các loại phân qua lá để tăng sức chống chịu, tăng độ mẩy của hạt như: chế phẩm K-H; N-H; A-H và sản phẩm Pisomix: Y15; Y105; Y35...
Khi lúa đạt 5 - 6 lá, đưa nước trở lại, bón phân thúc lần 2, kết hợp làm cỏ, tỉa dặm định mật độ. Giữ mực nước nông để lúa đẻ nhánh được thuận lợi. Khi lúa đẻ đủ số nhánh cơ bản xung quanh 350 dảnh/m2, tháo cạn nước để ruộng nẻ chân chim tạo cây lúa đanh cứng, khống chế lúa đẻ vô hiệu và giải phóng các chất độc trong đất. Khi lúa tượng đòng cứt dán, đưa nước trở lại, kết hợp bón phân đón đòng, giữ mực nước 7- 10 cm cho đến khi lúa chín đỏ đuôi, tháo cạn nước để thu hoạch được thuận lợi.
Phòng trừ sâu bệnh, thường xuyên kiểm tra hơn ở đầu vụ để phát hiện và xử lý kịp thời.