00:00 Số lượt truy cập: 3193780

Thăm mô hình chăn nuôi giỏi ở bản Cấu 

Được đăng : 03/11/2016

Nhờ tích cực học hỏi kiến thức, kinh nghiệm, mạnh dạn đầu tư đào ao thả cá kết hợp với chăn nuôi trồng trọt, gia đình ông Tao Văn Son dân tộc Thái ở bản Cấu, xã Chà Nưa, huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên đã dần vươn lên thoát nghèo và có cuộc sống khá.


Trước đây, kinh tế gia đình ông Son cũng khó khăn như bao gia đình khác ở trong bản, sản xuất không đủ ăn, năm nào cũng thiếu ăn trong thời gian giáp hạt; ốm đau không có tiền đi khám bệnh, con cái không được ăn no, mặc đẹp để đến trường, nhà cửa tạm bợ, làm gì để tăng thêm thu nhập cho gia đình luôn là vấn đề trăn trở đối với ông. Được sự giúp đỡ của các ngành, các cấp ông và gia đình đã nỗ lực phấn đấu vươn lên để thoát nghèo. Là người năng động, không chịu đầu hàng trước khó khăn ông đã tích cực tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật về chăn nuôi, trồng trọt, ông tìm tòi học hỏi kiến thức, những kinh nghiệm hay. Từ đó ông và gia đình quyết tâm dồn hết sức vào lao động sản xuất.

Năm 2006, gia đình ông mở rộng sản xuất, trước mắt là lấy ngắn nuôi dài tập chung trồng lúa nước, nuôi con gà, con lợn để có cái ăn, cái mặc. Sau đó với số vốn tiết kiệm của gia dình, cùng với sự giúp đỡ của anh em, bạn bè ông quyết định đầu tư đào 1.800m2 ao thả cá, kết hợp với nuôi 10 con trâu sinh sản; nuôi 40 con lợn thịt, trên 150 con gia cầm, ngoài ra gia đình ông còn khoanh nuôi bảo vệ 5 ha rừng và mở dịch vụ nấu rượu, làm gạch. Hàng năm tổng thu nhập của gia đình ông đạt 250 triệu đồng, thu nhập bình quân trên khẩu trong gia đình là 4 triệu đồng/tháng. Nhờ đó gia đình ông đã dựng được 1 nhà sàn lợp ngói khang trang và mua sắm xe máy làm phương tiện đi lại, trang bị đầy đủ tiện nghi phục vụ cho sinh hoạt gia đình và cho con cái ăn học.

Qua những nỗ lực và phấn đấu của các thành viên trong gia đình, trong xây dựng và phát triển kinh tế ông cũng không ngừng vận động, giúp đỡ bà con trong bản cùng học và làm theo ông để xóa đói, giảm nghèo. Hàng năm gia đình ông thường giúp đỡ cho các hộ nghèo trong bản về kiến thức khoa học kyc thuật, hỗ trợ về giống gia súc, lương thực vào thời điểm đói giáp hạt cho các hộ trong chi hội, hỗ trợ bằng tiền từ 5 - 10 triệu đồng không tính lãi để hộ nghèo đầu tư vào sản xuất tăng thêm thu nhập.

Tâm sự với chúng tôi ông nói: Có được như ngày hôm nay trước hết gia đình tôi biết ơn Đảng, Nhà nước, các cấp, các ngành đã tạo mọi điều kiện thuận lợi như hỗ trợ các loại giống, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất. Còn về phía gia đình muốn thoát khỏi đói nghèo thì phải giữ đất để sản xuất, trong chăn nuôi phải biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật chọn con vật nuôi phù hợp với điều kiện thực tế của gia đình mình. Hướng phát triển trong những năm tới gia đình tôi tiếp tục mở rộng sản xuất tìm ra những giống cây trồng, vật nuôi có giá trị hiệu quả kinh tế cao, không ngừng học hỏi các kiến thức khoa học kỹ thuật mới và mạnh dạn áp dụng vào sản xuất, đồng thời đem những kinh nghiệm của bản thân hướng dẫn bà con nông dân trong bản để cùng nhau phát triển kinh tế xóa đói giảm nghèo, làm giàu cho địa phương mình.

Để giúp bản thân và bà con trong xã phát triển kinh tế ông rất mong các cấp, các ngành hàng năm tạo điều kiện cho những hộ nông dân được đi học hỏi kinh nghiệm những mô hình điểm hình về phát triển kinh tế giỏi ở trong và ngoài tỉnh để chọn những mô hình hay có hiệu quả về áp dụng vào thực tế ở địa phương. Thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn về chuyển giao khoa học kỹ thuật chăn nuôi, trồng trọt tại cơ sở theo phương pháp “cầm tay chỉ việc” và tạo điều kiện cho nông dân được vay vốn ưu đãi, thời hạn vay kéo dài hơn để bà con nông dân yên tâm đầu tư vào sản xuất chăn nuôi.