Mùa vui Nông dân Tân Yên đang bước vào thời kỳ cao điểm chăm sóc, thu hoạch rau màu. Dọc theo con đường đến thị trấn Cao Thượng, những chiếc ô tô nối dài chờ thu mua nông sản bên những cánh đồng rau xanh tốt. Lau nhẹ giọt mồ hôi trên trán, chị Nguyễn Thị Hương ở thị trấn Cao Thượng hồ hởi nói: “Mấy năm nay, đời sống của nông dân chúng tôi khấm khá hơn nhiều nhờ chuyển đổi sang trồng các loại cây vụ đông như dưa chuột, dưa hấu, cà chua, ngô bao tử, ngô ngọt, ớt cay, ớt ngọt... Các vùng chuyên canh sản xuất hàng hoá ngày càng mở rộng diện tích, đảm bảo cung cấp nguồn nguyên liệu cho các nhà máy chế biến rau quả xuất khẩu”. Cũng theo chị Hương, trong các loại cây vụ đông ở Tân Yên thì dưa chuột bao tử cho giá trị kinh tế khá cao. Với 1 sào dưa chuột bao tử (1 sào Bắc Bộ = 360m2), chỉ sau khoảng 30 ngày là bà con bắt đầu thu hoạch, năng suất 1,3 - 1,6 tấn/sào, với giá bán 3.500 - 4.000 đồng/kg, thu nhập có thể đạt 120 - 130 triệu đồng/ha/vụ. Trong khi đó, gia đình anh Nguyễn Văn Tuấn ở làng Yên (xã Cao Xá) lại tập trung đầu tư trồng 4-5 sào dưa hấu/vụ. Theo anh Tuấn, trồng dưa hấu đòi hỏi kỹ thuật cao nhưng bù lại, nếu thực hiện đúng quy trình kỹ thuật, thời tiết thuận lợi thì tỉ lệ đậu quả rất lớn. Trừ chi phí, mỗi sào dưa hấu anh thu 850.000 - 1 triệu đồng. Ông Ngô Hồng Tiến, Phó chủ tịch UBND xã Lam Cốt cho biết: “Nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng nên số hộ có thu nhập cao ở địa phương tăng mạnh, đời sống của người dân ngày một khá giả. Nhận thấy trồng cây vụ đông mang lại hiệu quả kinh tế cao, nhiều nông dân đã mạnh dạn mở rộng diện tích, chính quyền xã cũng tiến hành nhân rộng một số cánh đồng cho thu nhập từ 50 - 100 triệu đồng/ha/năm”. Khi "4 nhà" vào cuộc Ông Nguyễn Văn Đại, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tân Yên cho biết, năm nay toàn huyện trồng được hơn 100ha cây vụ đông, tập trung ở thị trấn Cao Thượng, các xã Cao Xá, Ngọc Châu, Quang Tiến, Việt Lập, dự kiến doanh thu đạt trên 5 tỷ đồng. Có được kết quả này là nhờ bà con trồng đúng khung thời vụ, chăm sóc đúng kỹ thuật nên cây trồng sinh trưởng, phát triển tốt, cho năng suất cao, bán được giá. Đến nay, huyện đã có hàng chục cánh đồng đạt giá trị thu nhập cao, thậm chí một số diện tích còn đạt doanh thu 100-150 triệu đồng/ha/năm. Ông Đại cho biết thêm, để nâng cao hiệu quả sản xuất, những năm qua, UBND huyện đã thực hiện tốt mối liên kết “4 nhà”. Theo đó, chính quyền địa phương quy hoạch vùng nguyên liệu, hỗ trợ kinh phí cho các xã cứng hóa kênh mương, giao thông nội đồng, mở các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, các nhà máy có trách nhiệm cung ứng giống, một phần vật tư thiết yếu cho nông dân và tổ chức thu mua toàn bộ sản phẩm theo hợp đồng; nông dân đảm nhận khâu gieo trồng, chăm sóc rau màu theo đúng quy trình hướng dẫn và cam kết bán sản phẩm cho các nhà máy theo giá thỏa thuận. Để những cánh đồng “vàng” ở Bắc Giang phát triển bền vững, ông Vũ Đình Phượng, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh cho biết, đối với những cây trồng làm nguyên liệu chế biến xuất khẩu như cà chua bi, dưa bao tử, dưa chuột Nhật Bản, ngô bao tử..., tỉnh hỗ trợ cho bà con 3 triệu đồng/ha. Với những vùng trồng tập trung từ 5ha trở lên, tỉnh hỗ trợ 20 triệu đồng/ha. Bên cạnh đó, tỉnh còn hỗ trợ 100% kinh phí tập huấn kỹ thuật. Ngoài ra, chính quyền các huyện còn làm trung gian cho các HTX, tổ sản xuất ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân vùng trồng rau chế biến xuất khẩu. |