00:00 Số lượt truy cập: 2999856

Thăm trang trại ếch ở Tây Ninh 

Được đăng : 03/11/2016

AnhTrần Văn Hoàng sinh ra và lớn lên ở ấp Thuận Hoà, xã Lợi Thuận, huyện Bến Cầu, là huyện biên giới của Tây Ninh, đời sống người dân chủ yếu dựa vào nông nghiệp. Ban đầu, cũng như nhiều nông dân trong vùng, anh Hoàng chỉ trồng cây ăn trái trên diện tích vườn nhà. Vào đầu năm 2000, phong trào nuôi ếch ở Tây Ninh, Long An phát triển, anh khăn gói tìm thầy để mong tiếp cận nghề mới này.


Chỉ sau hơn 3 năm chuyển sang nghề mới, anh Hoàng đã trở thành ông chủ của trại ếch rộng 3ha. Năm 2009, anh đã đoạt giải Ba kỹ thuật nuôi ếch tại Hội thi Khoa học kỹ thuật công nghệ do Hội Nông dân và Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Tây Ninh tổ chức.

Tuy nhiên, chuyện học nghề nuôi ếch của anh Hoàng cũng lắm gian nan, thậm chí nhiều nơi còn từ chối khi anh đến tham quan. Anh bèn thuê một nhân viên kỹ thuật người Đài Loan (Trung Quốc) hướng dẫn cho mình, ăn chia lợi nhuận theo tỷ lệ 7/3 nhưng sau một thời gian vẫn chưa học được nghề. Thật may là lúc đó, một người Đài Loan khác tìm đến anh Hoàng hỏi thuê đất để nuôi ếch. Anh quyết định không nhận tiền thuê đất trong vòng 3 năm, bù lại anh sẽ được hướng dẫn tường tận về kỹ thuật nuôi con vật này.

Năm 2007, anh Hoàng thả lứa ếch đầu tiên trên diện tích 1,8ha. Mặc dù 60kg trứng ếch thả xuống vẫn nở bình thường nhưng chỉ 2 - 3 ngày sau, nòng nọc chết sạch, thiệt hại 30 triệu đồng. Tìm gặp thầy để hỏi thì anh được biết, trong quy trình kỹ thuật nuôi ếch, điều quan trọng nhất là phải đảm bảo môi trường nước. Các ao nuôi ếch phải phủ bạt nylon và bơm nước vào. Sau khi khử pH phải phơi 3 ngày đêm cho nước đủ độ nhờn mới thả trứng ếch. Khi thu hoạch ếch, chỉ cần xả hết nước, phơi ao 3 ngày là có thể thả nuôi lại.

Theo anh Hoàng, nuôi ếch khó nhất vẫn là khâu xử lý nước, ngoài ra, chế độ ăn cũng cần phải tính toán hợp lý để ếch mau lớn. Hiện trang trại ếch của anh Hoàng chủ yếu dùng cám viên từ số 1 đến số 5 theo chu kỳ 10 ngày để cho ếch ăn. Trung bình 3 tháng anh Hoàng thu hoạch 1 vụ ếch. Đến nay, trang trại của anh có 43 liếp nuôi ếch, tổng diện tích khoảng 3ha. Ngoài ra, anh còn trồng hơn 3ha cây dó bầu và xoài. Anh Hoàng cho biết: “Thông thường, mỗi năm có thể nuôi được 3 vụ ếch nhưng tôi chỉ nuôi 2 vụ để canh thời giá. Thời điểm giá ếch cao nhất vẫn là tháng 11-12 âm lịch, lên tới gần 60.000 đồng/kg ếch thương phẩm nên người nuôi trúng đậm. Bình thường thì giá ếch thương phẩm đạt 27.000 đồng/kg, tuy nhiên người nuôi vẫn có lãi khoảng 7.000 đồng/kg”.

Mỗi vụ nuôi, anh Hoàng thu được khoảng 40 - 50 tấn ếch, trừ chi phí, lãi 300-400 triệu đồng. Đó là chưa kể khoản lợi nhuận không nhỏ từ 20 cặp nhím đẻ, trên 300 con rắn long thừa (rắn ráo trâu), vài tấn cá trê phi... Anh Hoàng bật mí: “Những con ếch què quặt, yếu thường được tôi dùng làm mồi cho rắn, cá. Nước thải xử lý ở ao lại được bơm lên tưới cho xoài, dó bầu nên không cần đến phân bón mà cây cối trong trang trại mùa nào cũng xanh tươi”.

Với tính cách bình dị, dễ mến, thường xuyên giúp đỡ người nghèo thông qua các chương trình từ thiện của địa phương, anh Hoàng được bà con trong vùng tin yêu, quý mến. Anh sẵn sàng chia sẻ kỹ thuật, kinh nghiệm nuôi ếch với những người có nhu cầu khởi nghiệp làm giàu từ vật nuôi này.