Trang trại rộng trên 1.500m2 của gia đình chị Quyên được xây thành 2 dãy. Dãy thứ nhất chia làm nhiều ngăn để nuôi lợn rừng, gồm ngăn nuôi lợn đực giống, lợn nái, ngăn nuôi lợn con và 4 ngăn cho lợn thương phẩm ngủ đêm, ban ngày lợn được thả rông trong trang trại. Dãy thứ hai cũng được chia làm nhiều ngăn, nuôi gà Sao với các lứa tuổi khác nhau.
Chị Quyên cho biết: Sau khi mua mảnh đất này vào đầu năm 2009, gia đình rất trăn trở trong việc lựa chọn đối tượng cây trồng - vật nuôi vừa phù hợp với nhu cầu thị trường, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao. Qua tìm hiểu trên đài, báo và các chuyến tham quan do Hội Nông dân, Hội Làm vườn huyện tổ chức, tháng 4/2009, gia đình tu sửa lại chuồng trại, tường bao và mua 1 con lợn rừng đực giống, 3 con lợn rừng nái, 1.000 con gà Sao giống, tổng trị giá 65 triệu đồng để phát triển kinh tế theo hướng trang trại.
"Tính cả tiền đầu tư cơ sở vật chất, chuồng trại, tổng cộng gia đình bỏ vào trang trại gần 400 triệu đồng, trong đó có cả tiền vay ngân hàng. Nhờ chịu khó học hỏi, phòng trừ dịch bệnh đúng quy trình kỹ thuật nên đàn lợn rừng và gà Sao lớn nhanh, không hề bị dịch bệnh. Năm 2010, trang trại cho thu lãi 300 triệu đồng", chị Quyên nói.
Theo chị Quyên, mỗi tháng, gia đình tiến hành phun khử trùng chuồng trại một lần. Khi lợn con mới đẻ tiêm bổ trợ sắt; 1 tháng tuổi thì tiêm phòng bệnh tụ huyết trùng, lở mồm long móng,dịch tả; định kỳ tẩy giun sán; thả cả mẹ và con ra ngoài cho chúng quen với cuộc sống bán hoang dã. Thức ăn của lợn chủ yếu là các loại rau củ như sắn, khoai lang, thân cây chuối…
Đối với gà Sao, khi còn nhỏ phải thường xuyên nhỏ mũi cho chúng bằng kháng sinh và nuôi úm dưới bóng điện, nhất là vào mùa đông. Khi gà được 1 tháng tuổi thì tiêm phòng các loại vắc-xin và thả ra ngoài tự nhiên, cho ăn bổ sung gạo, ngô, giun (trùn) quế, rau cỏ…
Ngay trong năm 2010, gia đình chị Quyên đã trả hết nợ ngân hàng và còn dư để tái đầu tư. Tính đến cuối năm 2011, gia đình chị có 7 con lợn rừng nái, 2 con lợn đực rừng giống, đàn lợn thương phẩm hàng trăm con và vài nghìn con gà Sao, doanh thu đạt khoảng 650 triệu đồng. Hiện đàn lợn rừng thương phẩm có khoảng 60 con ở các lứa tuổi khác nhau, 10 lợn nái, 3 lợn đực giống, khoảng 1.500 con gà Sao.
Anh Vọng nhẩm tính, cuối năm nay, gia đình sẽ có thu khoảng 750 triệu đồng, trừ chi phí, lãi khoảng 600 triệu đồng. Cũng theo anh Vọng, thị trường tiêu thụ chủ yếu của trang trại là các nhà hàng trên địa bàn và một số vùng lân cận. Tuy nhiên, hiện gia đình không đủ nguồn hàng cung cấp cho thị trường, vì vậy tới đây, anh chị dự định tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi.
Ông Lưu Bá Định, Phó chủ tịch UBND huyện Vị Xuyên cho biết: "Nhờ biết phát huy tiềm năng, thế mạnh, dám nghĩ, dám làm, không ngại gian khó, vợ chồng chị Triệu Thị Quyên và anh Phạm Văn Vọng đã thành công với mô hình trang trại tổng hợp ngay trên mảnh đất quê hương. Đây cũng là mô hình chăn nuôi tổng hợp cho thu nhập cao nhất huyện". |