00:00 Số lượt truy cập: 2669704

Thanh Hóa: Thực hiện 5 mô hình ứng dụng KHCN thiết thực cho hội viên nông dân 

Được đăng : 03/11/2016

Trong năm 2014, được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền và các sở, ban ngành có liên quan, Hội Nông dân tỉnh và các huyện đã trực tiếp triển khai và thực hiện 5 mô hình ứng dụng KHCN thiết thực cho hội viên nông dân.


Hội Nông dân huyện Yên Định chỉ đạo Hội Nông dân xã Quý Lộc phối hợp với UBND xã tranh thủ sự hỗ trợ của Viện Chăn nuôi Quôc gia, chuyển giao công nghệ KHKT nhân giống bò mới vào Thanh Hóa, hướng dẫn 13 hộ nông dân chăm sóc, phối tinh, nhân giống bò HXTO, là giống bò mới, mới đưa vào Việt Nam, lớn nhanh hơn các giống bò hiện tại thường nuôi tại xã, có khả năng đạt trọng lượng từ 700 - 1.000 kg để nâng cao chất lượng, tầm vóc, hiệu quả kinh tế trong chăn nuôi bò, hiện nay đã có 6 con bê giống mới sinh ra đang phát triển tốt, một số con bò mẹ khác đang mang thai, khả năng nhân rộng của mô hình này là khá cao.

Hội Nông dân huyện Nga Sơn phối hợp với các đơn vị KHCN thực hiện 2 mô hình. Một là phối hợp với Trung tâm thực nghiệm của Trường Đại học Nông nghiệp I xây dựng mô hình “Ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi gia cầm và nuôi lợn” có hiệu quả rõ rệt, từ 15 hộ tham gia ban đầu đến nay đã nhân rộng ra 132 hộ trong huyện; một số huyện khác đã học tập, hướng dẫn nông dân làm theo. Mô hình thứ 2 là phối hợp với Hội làm vườn thực hiện mô hình “Sản xuất phân hữu cơ vi sinh từ phế phụ phẩm nông nghiệp bằng men vi sinh”, đã làm tại 5 hộ gia đình đạt kết quả tốt, hiện đang nhân rộng ra các xã xung quanh.

Trung tâm Chuyển giao công nghệ và Hỗ trợ nông dân tỉnh thực hiện 2 mô hình chuyển giao KHKT (nguồn vốn thuộc chương trình khuyến nông địa phương của tỉnh) tại 2 đơn vị là: Mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học EM trong chăn nuôi vịt thịt đảm bảo vệ sinh môi trường tại xã Hà Tiến huyện Hà Trung cho 20 hộ tham gia, được các cấp, ngành đánh giá cao, nông dân ghi nhận hiệu quả vừa tăng năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm, vừa đảm bảo vệ sinh môi trường, mô hình thành công đã được bà con nông dân áp dụng và triển khai rộng rãi trên địa bàn toàn xã và các xã có cùng điều kiện sản xuất; mô hình chăn nuôi dê sinh sản tại xã Trung Xuân huyện Quan Sơn cho 20 hộ đồng bào dân tộc Thái tham gia, mô hình đã giúp các hộ trong việc phát huy điều kiện thuận lợi sẵn có của xã, thôn, phát triển chăn nuôi con dê theo hướng hàng hóa, nâng cao chất lượng và số lượng đàn dê, góp phần từng bước nâng cao thu nhập cho nông dân, tham gia giàm nghèo khu vực miền núi cao./.