Về SX vụ đông của tỉnh, ông Sang cho biết những khó khăn cơ bản: Thứ nhất là mưa bão có thể sẽ tập trung vào cuối tháng 9, đầu tháng 10, trùng với thời gian triển khai SX vụ đông. Thứ hai, thời vụ vụ đông chậm so với cùng kỳ từ 5- 7 ngày và sẽ gây căng thẳng về thời vụ, nguyên nhân là cho đến thời điểm này DT lúa thu hoạch chưa đáng kể. Thứ ba, giá vật tư phân bón, giống, vật tư đầu vào tăng cao, làm ảnh hưởng đến việc mở rộng DT và đầu tư thâm canh tăng năng suất. Cơ giới hoá trong nông nghiệp của tỉnh còn yếu, chưa đồng bộ; lực lượng lao động không còn nhiều vì phần lớn đi làm ăn xa.
Còn về vấn đề giống và phân bón cho SX vụ đông năm nay khả năng sẽ không khan hiếm, nhưng giá cả sẽ cao hơn so với mọi năm. Các đơn vị cung ứng giống chủ lực như Cty CP giống cây trồng Thanh Hoá, Cty CP giống cây trồng Tứ Xuyên, Chi nhánh Cty CP giống cây trồng miền Bắc tại Thanh Hoá hứa sẽ cung ứng đủ nguồn giống ngô vụ đông cho bà con nông dân Thanh Hoá. Về phân bón thì theo khuyến cáo của anh Đỗ Minh Thuỷ- trưởng phòng KD của DN Tiến Nông Thanh Hoá thì bà con nông dân cần sử dụng loại phân bón chuyên dùng cây ngô N.P.K.S 15.2.10.3 vì loại phân bón này phù hợp với ruộng ngô trên đất hai lúa bao năm qua ở Thanh Hoá, đồng thời áp dụng đúng các tiến bộ KHKT và hướng dẫn SX của ngành nông nghiệp để tiết kiệm cho chi phí đầu tư mà kết quả SX vẫn được như mong muốn.
Ngành nông nghiệp Thanh Hoá hướng dẫn thời vụ và cơ cấu giống vụ đông 2008 như sau: Trên đất bãi, sườn đồi thấp bố trí các giống ngô CP888, LVN10, B9698 từ 05- 20/9. Còn trên đất lúa mùa sớm bố trí các giống CP999, CP989, B06… từ 20/9- 05/10. Riêng giống MX2, MX4, nếp Nù, ngô ngọt thời vụ gieo trồng có thể kết thúc trước 10/10. Với cây đậu tương thời vụ gieo trồng tốt nhất trên đất bãi, đồi thấp, đất màu, vàn cao thoát nước nhanh trước 25/9 gồm các giống VX93, ĐT84, DT96… Sau 10/10 có thể gieo giống đậu tương ngắn ngày, chịu rét khá như ĐT12, AK03, AK05. Đối với cây khoai tây, ngô bao tử, ngô lấy thân lá cho chăn nuôi, trồng cỏ chăn nuôi, rau đậu... có thể kéo dài đến tháng 12. Nhưng nếu có điều kiện về đất đai, cây trồng thì có thể gieo trồng sớm hoặc muộn hơn vẫn đạt hiệu quả kinh tế cao.
Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Thanh Hoá xác định vụ đông năm nay là vụ đông đặc thù, triển khai kế hoạch SX đúng thời điểm NQTW 7 về vấn đề “tam nông” đi vào cuộc sống. Chính vì thế sản phẩm làm ra phải đảm bảo ANLT, tạo ra nhiều mặt hàng nông sản có giá trị kinh tế cao. Vì vậy, bước vào vụ SX năm nay, Thanh Hoá tập trung mở rộng DT trồng ngô trên đất lúa mùa sớm, đất bãi và đất chân đồi thấp ở tất cả 3 vùng đồng bằng, ven biển và miền núi của tỉnh. Toàn tỉnh phấn đấu đạt DT gieo trồng cây vụ đông hơn 70.000ha, tăng 13.200ha so với cùng kỳ.
Để tạo được quỹ đất làm vụ đông, tỉnh Thanh Hoá tập trung chỉ đạo quyết liệt cho nông dân thu hoạch nhanh lúa mùa, giải phóng nhanh đất lúa mùa sớm, thực hiện phương châm “sáng lúa, chiều ngô” tạo nên phong trào “người người, nhà nhà” làm vụ đông. Truyền thống SX vụ đông ở Thanh Hoá được thể hiện rõ trong suy nghĩ của người nông dân: “không cho đất nghỉ, không ngừng tay ta” để hành động thu hoạch đến đâu thì SX đến đó. Đến thời điểm này toàn tỉnh đã gieo trồng cây màu vụ đông: 770ha ngô, 1.810ha lạc, 65ha khoai lang, 200ha rau đậu các loại.
+ Ông Lê Văn Biền- PCT UBND huyện Thọ Xuân nói: “Lại một vụ mùa SX thắng lợi nữa trên đất lúa Thọ Xuân. Nông dân chúng tôi đang hồ hởi ra đồng thu hoạch mùa, ai nấy cũng phấn khởi. Toàn huyện đã có hơn 1.000ha lúa được thu hoạch, năng suất ước đạt 56- 57 tạ/ha, có một số DT lúa TH3-4 đạt năng suất 3,8tạ/sào. Đồng thời cũng đã có 300ha ngô đã được gieo trồng. Vài ngày tới số diện tích này sẽ tăng lên cùng với việc đẩy nhanh thu hoạch lúa mùa”. + Xung quanh những vấn đề về giá lúa mấy ngày qua tụt xuống, giá vật tư đầu vào tăng lên và những vấn đề về thời vụ, ông Trịnh Văn Chiến- PCT UBND tỉnh Thanh Hoá cho rằng: Nếu so sánh với giá cả của các mặt nông sản bán ra thị trường trước đây để mua phân bón cùng với thời điểm như hiện nay thì việc chênh lệch giữa giá nông sản và giá phân bón không đáng kể, người nông dân vẫn có lãi. Chính vì thế, bà con nông dân cần mạnh dạn đầu tư thâm canh SX cây vụ đông để tăng năng suất, sản lượng. Đối với DT trong cơ cấu SX ngô vụ đông mà hiện nay chưa thu hoạch lúa kịp thì nông dân nên gặt sớm khoảng 2m2 ở góc ruộng để làm đất kỹ rồi tiến hành ươm hạt ngô theo hình thức làm "ngô bánh". Sau khi thu hoạch lúa mùa thì tiến hành cày bừa làm đất theo luống rồi đưa từng gốc ngô bánh đó ra trồng. Cách làm đó sẽ đảm bảo được khung thời vụ đề ra. |