Nhân chuyến về quê vợ, vùng cây trái nước ngọt quanh năm của xứ dừa, thấy dòng nước trong trẻo, hai chàng thanh niên ở quận Thủ Đức (TP.HCM) mới nảy sinh ý định thành lập trại cá kiểng.
Hai chàng thanh niên: Trần Văn Vinh 33 tuổi và Phan Công Khánh cũng trạc tuổi, trở lại vùng sông nước một lần nữa để khảo sát thực địa. Nơi ấy là ấp Song Phú, xã Phú Đức, Châu Thành (Bến Tre), lấy mẫu nước thấy độ pH của dòng nước rất thích hợp cho việc nuôi cá, còn về mặt bằng được gia đình bên vợ hỗ trợ. Vào tháng 3-2008, hai anh xúc tiến thành lập trại cá kiểng với số vốn khoảng 200 triệu đồng, trên diện tích khoảng 3.000m2.
Bên dòng nước của rạch Bà Hét, qua cây cầu đúc, chúng tôi bắt gặp một hồ nước lắng cao chừng 2m, nằm ở vị trí trung tâm trại. Có hàng trăm hộc xây bằng gạch 2m x 4m và những hộc lót bạt thẳng tắp là những bể ương cá giống. Ngoài 20 loại cá kiểng đủ màu sắc, như là cá ông tiên, phượng hoàng, trân châu, sặt gấm, hồng kim, sọc ngựa, bình tích, bảy màu..., bơi lượn lờ trong bể trông rất bắt mắt. Hiện số cá con lớn lên chật bể, các anh đưa ra vèo khá nhiều. Trên 50 vèo đặt dưới ao mương đầy ắp cá, mỗi loại trên vài chục ngàn con và trong bể ương vẫn còn tiếp tục sản xuất cá bột.
Nhìn trại cá phát triển mỗi ngày mỗi đi lên rất khả quan, chúng tôi hỏi về đầu ra. Anh Khánh bộc bạch: “Về đầu ra, chúng tôi sẽ đưa về TP.HCM xuất khẩu và tiêu thụ nội địa, sợ không đủ số lượng để hợp đồng, nên chúng tôi ráo riết sản xuất”. Trại cá còn mở rộng địa bàn hướng dẫn về kỹ thuật chăm sóc và nuôi dưỡng cá con gia công cho trại, như hộ anh Hai Tân, Ba Tùng, Năm Thiện, Bảy Đấu... Mỗi hộ nhận nuôi khoảng từ 50 - 100 ngàn con. Sau một thời gian, các hộ nông dân nhận nuôi rất thành công và hiện còn có một số hộ nữa vẫn tiếp tục đăng ký. Khi những hộ nhận nuôi, bước đầu anh đều đến tận nơi khảo sát và hướng dẫn cặn kẽ cách làm bể nuôi, hồ sử dụng nước lắng.
Rồi từ đây, kiến thức ấy được lan truyền, nông dân tại địa phương, trong đó có nhiều người cao tuổi tham dự. Công việc cũng không đòi hỏi cao siêu và nặng nề cho mấy, mà vẫn mang về nguồn thu nhập cho gia đình không nhỏ. Chúng tôi đi một vòng để quan sát các hộ nuôi gia công, đa số các anh thực hiện theo mô hình bể nổi 2,5m x 5 lót bạt rất bài bản, có ống dẫn nước từ bể lắng đến hồ nuôi và ống bộng để thay nước. Cá phát triển tốt, lớn nhanh và tỷ lệ hao hụt thấp.
Anh Khánh mách nhỏ với chúng tôi: “Sắp tới đây, tôi sẽ cho xuất đi đợt đầu với số lượng vừa phải để chào hàng. Sau đó, sẽ xuất tiếp tục đại trà, nhờ có các hộ vệ tinh nuôi gia công sẽ đảm bảo đủ lượng cá hợp đồng”.
Đứng trên cây cầu bê-tông, nhìn dòng nước của rạch Bà Hét trôi chảy êm xuôi, trong lòng chúng tôi tin chắc rằng trại cá của hai chàng thanh niên Khánh và Vinh sẽ ăn nên làm ra, hầu giúp cho nông dân có một hướng đi mới trong chuyện làm ăn.