Có lẽ phải đến hơn 5 năm rồi, giờ tôi mới trở lại với trang trại của Anh hùng Lao động Nguyễn Đắc Hải, một trang trại thuộc vùng đất chiêm trũng (xã Chuyên Mỹ - huyện Phú Xuyên - Hà Nội).
Thời điểm đó (năm 2000), khi được trao tặng danh hiệu cao quý này, Nguyễn Đắc Hải là người trẻ nhất (mới 37 tuổi). Thời gian trôi đi, khó khăn chồng chất nhưng anh vẫn quyết tâm theo đuổi con đường đã lựa chọn để khẳng định mình và tiếp tục gặt hái những thành công.
Không có sự lựa chọn thứ hai
Đưa chúng tôi thăm khu ao nuôi 500 cá sấu, dừng chân bên đường có 2 hàng cau cảnh thẳng tắp, anh tâm sự" "Bố tôi hy sinh ở chiến trường miền Tây Nam bộ từ khi tôi mới 5 tuổi nên có thể nói, tôi chưa hề biết mặt cha. Một mình mẹ tần tảo nuôi 3 anh em ăn học trên vùng đất đồng trũng Chuyên Mỹ chỉ toàn đầm lầy, cỏ lau mọc lút đầu người". Lớn lên, cũng như bao chàng trai thôn quê, chỉ muốn quẩn quanh trên mảnh đất mình đã sinh ra, Hải lao vào làm kinh tế trang trại. Nhưng để có được cơ ngơi như bây giờ thì đó là cả một câu chuyện dài, vượt qua không ít rủi ro và mạo hiểm. Ví như trận lụt lịch sử mới xảy ra hồi năm trước, nhìn cánh đồng mênh mông, tất cả số cá đã đầu tư vào trang trại đều bị dòng nước nhấn chìm, Hải tưởng mình "trắng tay", không thể gượng dậy nổi. Và ông chủ trẻ đã dầm mình trong nước, cố be từng đoạn bờ để cản dòng chảy của nước, cố níu kéo chút gì đó ở lại với mình. Vẫn biết rằng, lựa chọn hướng đi làm kinh tế trang trại là không đơn giản nhưng Hải vẫn chọn lựa vì không còn con đường nào khác.
Vào thời điểm năm 1988, vốn không có, nhận 10ha đầm lầy của xã để theo đuổi con đường mình anh có thấy nản không? Bất ngờ trước câu hỏi của tôi, anh bộc bạch như cởi lòng mình: Gian nan lắm nhà báo ơi. Nhìn cơ ngơi có được như ngày hôm nay, tôi không nghĩ mình đã làm được một khối lượng công việc lớn đến như vậy. Thời bấy giờ, máy xúc, máy ủi, máy cắt cỏ chưa có. Do vậy, phải mất tới gần 1 năm cắt cỏ, vớt bèo, cải tạo khoanh bờ vùng, chia lô thửa. Vốn vay của bà con, cô bác thời bấy giờ nhiều thì 2 chỉ vàng, còn lại người thì dăm bảy chục cân thóc, người thì vài trăm gạch, con lợn và đổi ngày công. Kinh nghiệm làm trang trại cũng hạn chế, chưa có nhiều sách, báo và chương trình phổ biến kiến thức trên các kênh truyền hình nên trong quá trình làm tôi tự đúc rút kinh nghiệm là chính.
Với nghề truyền thống khảm trai của Chuyên Mỹ quê anh thì việc phát triển kinh tế trang trại có gắn với chiến lược phát triển làng nghề của địa phương? Chưa dứt câu hỏi của tôi, anh cười:
Chính vì nhu cầu nguồn nguyên liệu trai dùng để khảm ngày một nhiều nhằm phục vụ nhu cầu ngày càng cao của xã hội, nên dù khó khăn đến mấy tôi cũng quyết theo con đường mình đã lựa chọn. Trong quy hoạch cải tạo, tôi chia thành 7 ao, còn lại là vườn trồng cây lấy gỗ phi lao, bạch đàn. Trong số 7 ao này, có 2 ao sâu dùng để nuôi trai lấy vỏ, kết hợp với nuôi cá thâm canh. Khu đất thuộc vùng cao thì trồng giống lúa ngắn ngày. Lúc này mô hình trang trại là "Lúa - Cá - Vịt", sản lượng thịt ngan, vịt đạt 20 đến 30 tấn/năm, trứng đạt 20.000 quả/năm, sản lượng cá đạt 200 tấn/vụ. Sau 5 năm, nắm bắt nhu cầu của thị trường tôi đã trồng sen, lấy hạt xuất khẩu. Lượng hạt sen xuất khẩu có năm lên tới 15 tấn. Doanh thu cũng có dư để tích lũy, nên năm 2000 tôi có ý tưởng đầu tư phát triển thêm du lịch sinh thái.
Kết hợp 4 thế mạnh
Từ hướng đi có hiệu quả ấy xã Chuyên Mỹ đã tạo điều kiện cho anh có thêm quỹ đất 50ha để phát triển mở rộng mô hình du lịch sinh thái. Sau khi đưa chúng tôi đi thăm khu cây cảnh, cây công trình rộng 5ha với hơn 3.000 cau cảnh, gần 1.000 cây cảnh mang tính nghệ thuật cao, có cây trị giá gần 1 tỷ đồng, anh nói: Qua một thời gian dài phát triển trang trại kết hợp với du lịch sinh thái, nuôi con đặc sản và trồng cây công trình tôi nhận thấy hướng đi cần phải kết hợp 4 thế mạnh này vì chúng luôn bổ trợ cho nhau.
Nắm bắt được nhu cầu giải trí của xã hội sau những ngày làm việc căng thẳng nơi phố thị, từ đầu năm 2008 anh bắt đầu triển khai thực hiện ý tưởng phục dựng "Làng Việt cổ". Trong "Làng Việt cổ" có ngôi nhà 5 gian 2 chái, các vật dụng rất đỗi gần gũi với người nông dân trước kia như cối xay lúa, cuốc, liềm, giỏ cua… Cũng tại ngôi nhà cổ này, hằng tháng anh sẽ tổ chức triển lãm sản phẩm của các nghệ nhân trong xã để tôn vinh giá trị và công lao đóng góp của những người có tay nghề cao.
Kể từ khi đạt Danh hiệu Anh hùng Lao động đến nay được 9 năm, thời gian chưa phải là dài nhưng cũng đủ thể hiện được sự phấn đấu, vươn lên làm rạng rỡ Danh hiệu Anh hùng Lao động. Thành quả lao động của anh cho đến ngày hôm nay là lời giải đáp cho sự băn khoăn của không ít người khi thấy anh nhận Danh hiệu Anh hùng Lao động ở độ tuổi còn quá trẻ. Với nụ cười đôn hậu và vẫn với vẻ khiêm nhường anh chậm rãi nói khi tiễn chúng tôi ra về: Lúc này tôi cũng chưa dám nói trước điều gì. Thời gian sẽ trả lời. Hình ảnh của Anh hùng Lao động Nguyễn Đắc Hải và khu trang trại, du lịch sinh thái cứ theo tôi suốt dọc đường về. Sau chuyến công tác này, ý chí, nghị lực vươn lên của chủ trang trại vùng quê chiêm trũng đã khiến lớp trẻ chúng tôi phải suy nghĩ nhiều, vượt qua mọi khó khăn để vươn lên đóng góp phần nhỏ bé của mình cho quê hương đất nước.