00:00 Số lượt truy cập: 2996634

Thành công từ những thất bại 

Được đăng : 03/11/2016

Từ xưa đến nay, nông nghiệp là ngành sản xuất chính ở nông thôn, gắn liền với cây lúa nước, nuôi sống nhiều thế hệ người Việt Nam và theo đó chăn nuôi, thủy sản và lâm nghiệp… cũng song hành phát triển. Nắm bắt được những yếu tố cơ bản, nhưng người nông dân vẫn chưa thực sự khai thác được những thế mạnh đó để tạo cơ hội phát triển. Son,g là một người cẩn thận và dám nghĩ, dám làm, ông Nguyễn Trọng Ngoan, hội viên Hội Nông dân phố Kim Đa, phường Ninh Khánh, thành phố Ninh Bình đã tự tạo cơ hội cho chính mình để vươn lên làm giàu, trở thành một trong những nông dân sản xuất kinh doanh giỏi của tỉnh.


Xuất thân từ một gia đình làm nông nghiệp, quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, chủ yếu là sản xuất lúa nên thu nhập thấp, cuộc sống gặp nhiều khó khăn, trong ông luôn nhen nhóm những ý tưởng, những ý nghĩ phải làm như thế nào để khắc phục tình trạng này. Năm 2000, qua các kênh thông tin đại chúng thấy nhiều gia đình ở các tỉnh bạn thành công với mô hình trồng nấm, lại được tin huyện tổ chức lớp dạy nghề nuôi trồng nấm do Viện Di truyền sinh học thực vật Việt Nam về giảng dạy, vợ chồng ông như bắt được vàng. Với suy nghĩ nghèo về vật chất thì không sợ vì còn đi vay đi mượn được, chỉ sợ cái nghèo về kiến thức thì không thể làm được nên ông quyết tâm đi học nghề. Khi được nghe những nhà khoa học giảng dạy kiến thức về nấm - một loại rau sạch có chứa rất nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho cơ thể và vật liệu tận dụng từ các loại phế thải rẻ tiền như mùn cưa, bã mía, rơm rạ và quy trình kỹ thuật không phải là quá khó nên ông đã bắt tay vào làm thử.

Khi mới nuôi trồng thử nghiệm gia đình ông gặp không ít khó khăn. Trồng nấm nhìn thì đơn giản nhưng bắt tay vào rồi mới biết không hề đơn giản: nào là đất trồng ở đâu, nhiệt độ thế nào… Những lần thất bại phải đổ đi rất nhiều loại nấm, cứ thất bại này đến thất bại khác, nhiều người ủng hộ, nhiều người phản đối nhưng cũng không làm ông nản lòng, vợ chồng ông cứ động viên nhau cố gắng. Hai vợ chồng ông đều rất chịu khó và đồng tâm hiệp lực, mạnh dạn, dám nghĩ dám làm, dám chấp nhận rủi ro, luôn tìm tòi học hỏi thêm kiến thức mới để áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Các cụ có câu “thuận vợ thuận chồng tát biển đông cũng cạn” đúng chẳng sai bao giờ. Năm 2001 với diện tích lán trại thử nghiệm ban đầu khoảng 30 m2, gia đình ông đã thu hoạch được những mẻ nấm đầu tiên thành công và có lãi, từ đó đồng vốn quay vòng nhanh, lãi suất được sử dụng tái sản xuất. Đến nay, gia đình ông mở rộng dần thêm diện tích lán trại lên 1.200 m2, sản lượng nấm mỗi ngày một tăng, tạo công ăn việc làm ổn định cho gia đình và có thu nhập cao. Năm 2006, được sự quan tâm của chính quyền địa phương và đặc biệt nhận được sự quan tâm, chỉ đạo trực tiếp từ Hội Nông dân các cấp hỗ trợ nông dân nghèo vay vốn làm ăn, gia đình ông đã xây dựng thêm một lò hấp nguyên liệu với diện tích 800 m2, tạo công ăn việc làm cho 5 lao động thường xuyên và 3 lao động thời vụ với mức thu nhập cho mỗi người từ 2,5 triệu đến 3 triệu đồng/người/tháng. Với diện tích lán trại nói trên, hàng năm gia đình ông sản xuất từ 10 tấn nguyên liệu chủ yếu là rơm rạ, ngoài ra còn có mùn cưa, bã mía, bông phế thải,… Mỗi năm, gia đình ông thu hoạch được gần 20 tấn nấm các loại, cung cấp không những cho nhân dân quanh vùng mà còn được đưa đi các thành phố như Hà Nội, Hải Phòng, thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Quảng Ninh… Năm 2012, thu nhập từ cây nấm của gia đình ông đạt 250 triệu đồng, năm 2013 đạt 350 triệu đồng và năm 2014 với diện tích mở rộng và trồng thêm các loại nấm mới gia đình ông Ngoan ước tính thu nhập sẽ đạt khoảng 450 triệu đồng.

Ông Ngoan cho hay: “Các cấp chính quyền đã tổ chức lớp học chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng nấm cho nhân dân, tôi nghĩ đây là một chủ trương hoàn toàn đúng, sau lớp học đã có một số gia đình bắt tay vào làm và đã thành công với thu nhập đáng kể. Thực tế gia đình tôi đã làm và đạt hiệu quả tốt, gia đình tôi muốn nghề trồng nấm được lan tỏa nhân ra diện rộng để bà con có thêm thu nhập xóa đói giảm nghèo làm giầu chính đáng cho chính mình, gia đình và xã hội”./.