00:00 Số lượt truy cập: 2998333

Thành công với mô hình kinh tế trang trại của một nhà giáo 

Được đăng : 03/11/2016

Là một giáo viên, cuộc sống của gia đình ông Đàm văn Long xã An Khánh, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre trước đây phụ thuộc hoàn toàn vào tiền lương hàng tháng nên rất khó khăn. Không cam chịu nghèo khó, ông cùng gia đình quyết tâm phát triển mô hình kinh tế trang trại và đã thành công.


Năm 1984,công việc của ông là nghề dạy học. Cũng thời gian này, ông lập gia đình. Gia đình ông bấy giờ sống chủ yếu bằng thu nhập tiền lương hàng tháng nên rất khó khăn. Ông luôn muốn tự lực phấn đấu, ngại dựa vào người khác để sống, chính vì thế khi có gia đình riêng ông luôn nghĩ phải làm gì để thoát nghèo. Lúc ấy, nghề sản xuất chăn nuôi là nghề truyền thống của bà con nông dân xã An Khánh, đa phần nuôi gia súc gia cầm với khoảng 70% hộ nông dân tham gia. Với tình hình đó, ông xin học lớp điều trị gia súc, gia cầm. Công việc tiếp theo là vừa dạy học vừa làm nghề điều trị gia súc, gia cầm tại địa phương ngoài giờ dạy học. Việc làm mỗi lúc được phát triển ổn định, đảm bảo được cuộc sống gia đình, ngoài ra còn tích luỹ được tiền thu nhập hàng ngày. Gia đình ông luôn khao khát có được mảnh đất vườn để trồng cây ăn trái. Chính sự khao khát ấy là động lực giúp vợ chồng ông quyết tâm cố gắng sang nhượng được thửa đất là 4.000 mét vuông vào năm 1986. Dựa vào đặc tính của thửa đất này, ông quyết định trồng cây mía đường. Để cây mía đạt năng suất, ông cải tạo lại đất đồng thời tiếp cận chuyển giao khoa học kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông tỉnh, huyện; tham gia sinh hoạt Hội Nông dân, tham gia học hỏi các mô hình sản xuất của những nông dân thành đạt đi trước. Vì vậy, trong thời gian 4 năm trồng, giá mía đường cao ổn định, cho nên nhận được tiền lãi khá cao, lớn hơn so với tiền đầu tư mua đất và cải tạo ban đầu.

Đến năm 1990, với sự đồng thuận cao và “dám nghĩ dám làm”, vợ chồng ông quyết định bán hết 4.000 mét vuông đất trồng mía, tập trung vốn sang nhượng thửa đất mới là 11.000 mét vuông (1,1 ha). Thửa đất này có chất đất màu mỡ, được cung cấp nhiều lớp phù sa của nước sông Tiền, đặc biệt là thửa đất gắn liền với thửa đất cha mẹ vợ ông đang ở, nên rất thuận lợi trong canh tác. Ông mạnh dạn xây dựng kế hoạch tiến hành quy hoạch và cải tạo lại toàn bộ thửa đất hiện chứa cây tạp, kém hiệu quả kinh tế, thay các loại cây trồng khác có hiệu quả hơn. Thực hiện phương châm “lấy ngắn nuôi dài”, ông trồng xen canh các loại cây ăn trái như: ổi, tắc, nhãn các loại, bưởi các loại, sa-po-che, măng cụt, ca cao… mô hình vườn cây ăn trái của gia đình ông bước đầu đã thành công. Để chất lượng vườn cây ăn trái ngày một phát triển tốt hơn, năm 1999 ông quyết định xin nghỉ công tác dạy học để trực tiếp chăn sóc mảnh vườn. Đến năm 2006, mô hình vườn cây ăn trái của gia đình ông được Ủy Ban nhân dân huyện Châu Thành tiến hành thẩm định và công nhận mô hình đạt “tiêu chí kinh tế trang trại” đầu tiên của xã An Khánh. Từ đó, mỗi năm ông đều có kế hoạch nâng chất lượng mô hình trang trại tốt hơn. Những năm này, lãi thu nhập trang trại bình quân là 130 triệu đồng/ha/năm (trừ chi phí công lao động, phân bón và máy móc kỹ thuật).

Đến năm 2011, cha mẹ vợ ông qua đời để lại cho vợ chồng ông một thửa đất liền kề với thửa đất của ông hiện có với diện tích là 2,8 ha, nâng tổng diện tích canh tác hiện nay là 4 ha. Thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, sản xuất đạt hiệu quả bền vững của tỉnh nhà, ông mạnh dạn đầu tư quy hoạch lại toàn bộ 4 ha đất hiện nay, loại bỏ những loại cây không còn phù hợp, năng suất thấp như: cây nhãn, cây dừa đã lão hoá và trồng thêm các loại cây khác như: dừa (còn năng suất) xen với cây ca cao, bưởi da xanh, quít đường và măng cụt. Kết quả thu hoạch trung bình mỗi năm của 100 cây măng cụt từ 20 đến 50 năm tuổi đạt 7 tấn, 1.000 cây ca cao 10 năm tuổi đạt 25 tấn, 250/1000cây bưởi cho trái đạt 19 tấn, 120 cây dừa cho 12.000 trái. Tổng lãi thu nhập khoảng 450 triệuđồng/năm.

Với quy mô sản xuất này, gia đình ông hàng năm giải quyết trên 1.000 ngày công lao động, đặc biệt chọn đối tượng nghèo, khó khăn tại khu dân cư để tạo việc làm, tăng thu nhập, giúp họ ổn định cuộc sống.

Song song với việc cần cù lao động sản xuất, được Đảng và nhân dân tín nhiệm, phân công, ông đã tham gia 14 năm công tác Hội Nông dân, Mặt trận cấp cơ sở. Quá trình công tác, ông luôn thể hiện tinh thần trách nhiệm, đoàn kết, dân chủ trong tổ chức cũng như trong nhân dân, tuyên truyền vận động nhân dân xã nhà thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng chính sách, pháp luật Nhà nước, thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của công dân, tham gia tích cực các phong trào cách mạng, các cuộc vận động ở địa phương. Đặc biệt, xây dựng thành công xã văn hoá (được công nhận vào năm 2009), đã và đang xây dựng đạt 10/19 tiêu chí xã nông thôn mới./.