00:00 Số lượt truy cập: 3082268

Thanh long vào siêu thị Nhật 

Được đăng : 03/11/2016
Nếu không có gì thay đổi, hôm nay 13-11 lô thanh long đầu tiên của Việt Nam sẽ đến thị trường Nhật Bản sau bốn năm chuẩn bị. Đây được xem là cơ hội lớn để trái cây tươi Việt Nam chinh phục thị trường khó tính Nhật Bản.

Lau sạch thanh long trước khi đưa vào máy phân loại.

Chứng kiến quy trình xử lý, phân loại và đóng gói thanh long trước khi xuất khẩu sang Nhật Bản tại Công ty TNHH chế biến trái cây Yasaka (Bình Dương) mới thấy người Nhật kỹ như thế nào trong việc nhập khẩu trái cây.

Kỹ từng milimet

Đúng 13g30 ngày 12-11, tiếng chuông báo hiệu tại nhà máy đóng gói Công ty TNHH chế biến trái cây Yasaka vang lên báo hiệu ngày làm việc chính thức đầu tiên của hơn 30 công nhân có mặt tại nhà máy. Trước đó gần 5 giờ, hơn 2 tấn thanh long từ Long An đến vào đêm hôm trước đã được phân loại, rửa sạch và đưa vào khu vực xử lý hơi nước nóng.

Cánh cửa khu xử lý bằng hơi nước nóng bật mở, hai công nhân nhanh nhẹn bước tới lấy trái cây mẫu ra cho chuyên gia kiểm dịch thực vật Nhật Bản và Việt Nam xem. Sau đó, các công nhân lần lượt dỡ từng sọt thanh long ra ngoài.

Tại đây, thanh long được đưa đến khu vực xịt khô bằng hơi. Sau đó, thanh long lại được các nữ công nhân dùng khăn giấy lau một lần nữa để đảm bảo không có vết bẩn nào còn dính trên vỏ, rồi đặt lên các khay của hệ thống băng chuyền tự động. Lần lượt từng trái thanh long di chuyển qua máy phân loại tự động. Bằng hệ thống này, trái thanh long sẽ được phân loại theo kích cỡ, trọng lượng và độ ngọt. Những trái cùng chủng loại và phẩm chất sẽ rơi vào một khay, những trái không đảm bảo độ ngọt sẽ bị loại và trả về cho nhà cung cấp.

Sau phân loại, các công nhân bọc trái cây trong một lớp vỏ lưới xốp trước khi cho vào hộp. Chiếc hộp có hai lỗ thông hơi được bịt bằng lưới để đảm bảo các loại côn trùng, đặc biệt là ruồi đục quả không có khả năng xâm nhập vào hộp. Công đoạn cuối cùng là chuyên gia người Nhật Bản sẽ kiểm tra, nếu không có vấn đề gì hộp sẽ được dán nhãn chứng nhận kiểm dịch an toàn và đóng lại, dán bằng keo.

Hàng cao cấp: 10 USD/kg

Theo ông Nguyễn Hồng Hưng, chiến lược kinh doanh trái thanh long của Yasaka tại Nhật Bản khác với thanh long vào thị trường Mỹ. Bởi tại Nhật, công ty chọn phân khúc thị trường trái cây cao cấp để phân phối sản phẩm này. Chính vì vậy, ngay từ khâu chọn nguyên liệu đã được chuẩn bị kỹ.

Ông Nguyễn Hữu Đạt, giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2 (Bộ NN&PTNT), cho biết Nhật kiểm tra nghiêm ngặt về dư lượng hóa chất trong thực phẩm. Riêng với thanh long họ đã đưa ra gần 700 loại thuốc và hóa chất cấm sử dụng. Nếu phân tích phát hiện thành phần bị cấm thì cả chương trình xuất khẩu có khả năng bị hủy bỏ.

Để đảm bảo chất lượng thanh long tốt nhất khi tới Nhật, Yasaka chọn phương thức vận chuyển bằng đường hàng không. Ông Hưng cho hay: “Chúng tôi muốn đảm bảo quy trình thanh long được hái buổi chiều, phân loại và vận chuyển đến nhà máy ban đêm. Sáng hôm sau trái cây được đưa vào xử lý nhiệt và đêm hôm đó sẽ vận chuyển tới Nhật, để sáng ngày thứ ba sau khi hái, trái thanh long Việt Nam đã có mặt tại Nhật mà vẫn tươi ngon”.

Khác với thị trường Mỹ thanh long Việt Nam bán chủ yếu tại các chợ và siêu thị của người Hoa, người Việt, thanh long sang Nhật lần này sẽ vào trực tiếp các siêu thị của người Nhật. Theo ông Hưng, Công ty Yasaka có một đối tác chuyên phân phối thanh long tại các thị trường Nhật Bản. Công ty này có trách nhiệm làm việc với các nhà phân phối và bán lẻ của Nhật Bản để bán thanh long Việt Nam. Tại Nhật, công ty phân phối đã chuẩn bị sẵn bằng các chương trình quảng bá sản phẩm thanh long trên báo chí. Trong đó làm nổi bật công dụng của trái thanh long trong việc ăn kiêng, bổ sung các loại vitamin và dễ sử dụng…

Với chiến lược này, ông Hưng cho biết giá bán thanh long Việt Nam tại Nhật Bản sẽ vào khoảng 10 USD/kg. “Trong tuần này mỗi ngày chúng tôi xử lý khoảng 2 tấn thanh long, đồng thời thăm dò phản ứng của khách hàng Nhật Bản. Từ tuần sau mỗi ngày chúng tôi sẽ nâng công suất xử lý lên khoảng 4 tấn” - ông Hưng khẳng định.

Sau thanh long sẽ là xoài, vú sữa

Theo ông Hưng, ngay sau khi thành công trong việc đưa thanh long sang Nhật, Công ty Yasaka đã đề nghị Cục Bảo vệ thực vật làm tiếp chương trình đưa xoài và vú sữa sang Nhật. Bởi xoài của Việt Nam có hương vị thơm ngon và đặc trưng hơn nhiều so với các nước khác trong khu vực, còn vú sữa có thể coi là một đặc sản của Việt Nam.

Thanh long đi Mỹ tăng mạnh

Theo Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2, hiện mỗi tháng có 15-16 lô hàng thanh long từ Việt Nam đi Mỹ với khối lượng ít nhất 70 tấn. Trong đó chủ yếu là xuất khẩu bằng đường biển (chiếm 50% lượt xuất khẩu và 80% trọng lượng). Những tháng đầu năm 2009 xuất khẩu thanh long Việt Nam sang Mỹ rất hạn chế do cước phí đường biển quá cao.