Ông Thành khởi nghiệp bằng nghề mộc gia truyền. Đó là vào năm 1986, ông vay ngân hàng 5 triệu đồng để đầu tư mua máy móc. Thời điểm đó, 5 triệu đồng là cả một gia tài. Ai cũng nghĩ ông liều, nhưng ông bảo, không quyết tâm thì không làm giàu được.
Xưởng mộc dần đi vào ổn định, ông nghĩ đến việc làm mộc mỹ nghệ, vừa làm vừa học, lấy phương châm "nghề dạy nghề", tạo ra những sản phẩm tinh xảo. Ông đã đi đúng hướng. Chỉ trong 1 năm, ông trả được nợ ngân hàng và có vốn đầu tư thêm máy móc hiện đại, mở rộng xưởng lên 2.000m2, tạo công ăn việc làm cho hàng chục lao động địa phương.
Ông Thành hướng dẫn lao động trong xưởng mộc. |
Năm 1995, trong một lần được Hội ND tỉnh Quảng Ngãi mời đi tham quan các mô hình ND sản xuất giỏi trong tỉnh, thấy mô hình trồng cây cảnh của một lão nông ở huyện Mộ Đức cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm, phù hợp với điều kiện kinh tế, cũng như sức khỏe của mình, ông quyết định đầu tư 60 triệu đồng mua 200 gốc sanh (1 năm tuổi) về trồng.
Vì chưa có kỹ thuật nên lứa cây cảnh đầu tiên này thất bại. Không nản chí, ông đến các làng nghề trồng cây cảnh lâu năm học hỏi kinh nghiệm, sáng tạo hơn trong cách uốn tỉa, tạo dáng cho cây. Ông đúc kết "trồng cây cảnh là một thú chơi tao nhã, chứa đựng nhiều triết lý nhân sinh nên đòi hỏi người chơi phải kiên trì, nhẫn nại mới mong có thành công".
Giờ đây, ông sở hữu một vườn cây cảnh với 400 gốc, gồm sanh, lộc vừng (từ 5 - 15 năm tuổi). Trung bình mỗi năm, doanh thu của ông từ vườn cây cảnh đạt 1 tỷ đồng, lãi hơn 500 triệu đồng.
Không chỉ làm giàu cho mình, ông còn hết lòng giúp đỡ bà con, hướng dẫn kỹ thuật, giúp vốn cho nhiều người làm ăn. Nhiều gia đình được ông giúp đã thoát nghèo, có kinh tế ổn định.