00:00 Số lượt truy cập: 3080835

Tháo gỡ vướng mắc giúp ngư dân Cà Mau tiêu thụ sản phẩm 

Được đăng : 03/11/2016

Chúng tôi trở lại Làng cá Sông Đốc vào những ngày cận Tết. Những con tàu trúng đậm tôm, cá… về bến rồi lại tất bật ra khơi cho chuyến đi biển tiếp theo.


Anh Tạo, chủ của hai chiếc tàu cá cho biết, sau chuyến biển gần hai chục ngày vừa trở về bán ngay sản phẩm và thu gần 200 triệu đồng. Không chỉ có gần một nghìn tàu cá của ngư dân địa phương, ở đây mỗi khi hết con nước khai thác thủy sản trên biển cũng thường xuyên có trên 1,5 nghìn tàu cá của ngư dân từ các tỉnh về đây cập bến để mua bán, trao đổi sản phẩm… Bởi vậy, các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ mua bán, phục vụ hậu cần nghề cá rất tấp nập, tàu thuyền đánh cá đông đúc; là vùng kinh tế biển năng động nhất không chỉ với tỉnh Cà Mau mà còn cả đồng bằng sông Cửu Long.

Năm 2009, ngư dân thị trấn Sông Đốc đạt sản lượng khai thác thủy sản trên 70 nghìn tấn, cao nhất từ trước đến nay. Theo nhiều ngư dân, điều đáng phấn khởi là năm vừa qua, giá sản phẩm luôn bình ổn; nhất là tăng cao trong những ngày cận Tết này; khai thác đạt hiệu quả cao hơn.

Mừng vui là vậy. Song ngư dân Sông Đốc cũng rất lo lắng: từ ngày 1-1-2010, EU bắt đầu thực hiện việc truy suất nguồn gốc sản phẩm thủy sản khai thác từ biển của Việt Nam. Điều này khiến hầu hết ngư dân không biết sản phẩm của mình làm ra có được tiêu thụ bình thường và có bị chèn ép giá hay không?

Ông Nguyễn Tấn Bửu, ở khóm 1, thị trấn Sông Đốc, cho biết: gia đình ông có tám chiếc tàu cá, bình quân mỗi chuyến đi biển khoảng 20-25 ngày khai thác từ 150-200 tấn sản phẩm tôm, cá, mực... về bán lại cho các chủ vựa và cửa hàng thu mua tại địa phương. Tuy nhiên đến nay, ông vẫn chưa biết phải hướng dẫn, truyền đạt như thế nào cho thuyền trưởng và hơn trăm lao động trên đội tàu của gia đình mình về cách thức cập nhật thông tin, ghi chép đầy đủ về nguồn gốc sản phẩm sau khi khai thác, đánh bắt được.

Không riêng gì ông Tấn Bửu, tìm hiểu chung quang việc này, nhiều ngư dân, nói: chỉ biết việc quy định bắt buộc này qua các phương tiện thông tin báo chí gần đây; trong khi ngành thủy sản và chính quyền địa phương gần như chưa triển khai, thông báo, hướng dẫn cụ thể gì việc này.

Ông Nguyễn Văn Chiến, Chủ tịch UBND thị trấn Sông Đốc, cho biết: đến nay, hàng nghìn chủ tàu cá, thuyền trưởng, chủ vựa, đại lý thu mua sản phẩm vẫn còn "mịt mờ" và tiếp tục chờ đợi cán bộ chuyên trách thủy sản tỉnh hướng dẫn, tập huấn chung quanh quyết định về truy suất nguồn gốc sản phẩm thủy sản khai thác từ biển của EU. Tuy nhiên, địa phương vẫn chủ động phổ biến bước đầu đến một số hộ ngư dân có nhiều phương tiện về việc này và dự kiến sẽ triển khai rộng rãi hơn khi phần lớn ngư dân đưa tàu vào bờ nghỉ trước và sau Tết Canh dần.

Ở Sông Đốc, lâu nay, các chủ tàu cá tiêu thụ sản phẩm sau khai thác thông qua các chủ vựa, đại lý, cửa hàng thu mua của tư nhân và từ đây phân loại sản phẩm bán lại cho các nhà máy, doanh nghiệp chế biến để xuất khẩu. Do đó, việc ghi chép truy suất nguồn gốc sản phẩm ít nhất cũng phải qua ba khâu: chủ tàu cá, người thu mua và nhà chế biến xuất khẩu. Thế nhưng tất cả đều hiểu biết rất ít thông tin chung quanh việc này. Đây là khó khăn, đòi hỏi khá bức xúc của người sản xuất, kinh doanh với mong muốn được tiếp cận sớm, đầy đủ thông tin hướng dẫn từ phía các cơ quan chức năng, quản lý về bắt buộc truy suất nguồn gốc sản phẩm xuất khẩu khai thác từ biển.

Theo nhiều ngư dân, việc ghi chép vào sổ nhật ký thả từng mẻ lưới tại vùng biển ở tọa độ nào, sản phẩm loại nào của từng số hiệu con tàu… là cần thiết và không có gì khó khăn lắm. Nếu được thông tin, hướng dẫn kịp thời thì đây sẽ là việc làm có lợi để biết rõ nguồn gốc sản phẩm, giúp ngư dân yên tâm hơn khi tiêu thụ sản phẩm xuất khẩu. Thay vì ngồi chơ sự hướng dẫn chung của ngành chức năng, những ngày gần đây, nhiều doanh nghiệp đã tổ chức hướng dẫn hệ thống các đại lý, của hàng và chủ phương tiện ghi chép vào nhật lý nguồn gốc sản phẩm theo qui trình bắt buộc trên từng chuyến biển để giúp bà con ngư dân dễ tiêu thụ sản phẩm xuất khẩu, nhất là trong những ngày trước và sau Tết.

Ông Nguyễn Thông Nhận, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Cà Mau, cho biết: ngay cả nhiều cán bộ chuyên trách ngành thủy sản vẫn còn rất mơ hồ về việc này, nói gì đến ngư dân làm nghề khai thác biển. Vừa qua, tỉnh cũng chỉ mới tổ chức tập huấn một buổi cho một số cán bộ có liên quan và gần bốn mươi chủ tàu, thuyền trưởng và cơ sở thu mua tại Làng cá Cái Đôi Vàm, huyện Phú Tân; trong khi nhu cầu được tiếp nhận sớm, thông tin đầy đủ về những quy định này đối người sản xuất, kinh doanh lĩnh vực thủy sản là rất thiết.

Bên cạnh đó, ngày 4-12-2009, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành quyết định 3477 về quy chế, chứng nhận thủy sản khai thác xuất khẩu vào thị trường EU. Tuy nhiên, chủ trương này vẫn chưa đến được với số đông người hành nghề sản xuất, kinh doanh thủy sản; vì còn phải chờ Cục Khai thác bảo vệ nguồn lợi thủy sản, Cục Quản lý chất lượng nông, lâm sản và thủy sản ,Chi Cục bảo vệ nguồn lợi thủy sản địa phương… cụ thể hóa việc hướng dẫn, in ấn tài liệu, biểu mẫu, sổ nhật ký, báo cáo khai thác…

Tỉnh Cà Mau hiện có gần 5 nghìn phương tiện khai thác biển, trong đó trên 1 nghìn tàu công suất từ 90 CV hoạt động khai thác xa bờ, dài ngày. Xem ra việc triển khai về truy suất nguồn gốc phản phẩm khai thác biển là rất khó khăn và mất nhiều thời gian; bỡi không thể tổ chức cùng lúc mà tùy thuộc vào thời gian hoạt động sản xuất, khai thác của đông đảo thuyền trưởng và người lao động trên biển. Về trước mắt, tỉnh phấn đấu đến hết quí I này sẽ tập huấn cho chủ tàu, thuyền trưởng trực tiếp đi biển của hơn một nghìn tàu công suất lớn;130 cơ sở thu mua và gần ba mươi doanh nghiệp chế biến xuất khẩu trên địa bàn tỉnh. Theo đó, Chi Cục bảo vệ nguồn lợi thủy sản của tỉnh bố trí các tổ, đội tại các cửa biển tập trung nhiều tàu thuyền khai thác như Sông Đốc, Khánh Hội, Cái Đôi Vàm Cục để giúp ngư dân tiện lợi hơn khi xác nhận nguồn nguồn gốc phẩm; tiến hành in ấn, cấp phát giấy chứng nhận khai thác miễn phí thời gian đầu gồm các thông tin cơ bản: thời gian, vùng biển khai thác, lô hàng của tàu nào, trọng lượng bao nhiêu, kích cở mắc lưới; để qua đó giúp ngư dân tiêu thụ sản phẩm kịp thời sau khai thác, nhất là các loại hàng muối ướp đá tươi sống như cá, mực, cua, ghẹ… mà thị trường EU bắt buộc phải có ngay chứng nhận nguồn gốc sản phẩm.

Hàng năm, tỉnh Cà Mau có thể xuất khẩu đạt sản lượng từ 20-25 nghìn tấn cá, mực, cua, ghẹ… Lâu nay, chủ tàu khi ra khơi không quan tâm, xác định ngư trường sẽ đến và cũng không nhớ nổi là đánh bắt ở đâu trên biển. Sau từng chuyến biển sản phẩm được bán lại cho thương lái, cơ sở thu mua rồi mới đến tay doanh nghiệp chế, biến xuất khẩu. Theo điều 19, Luật thủy sản ban hành năm 2003 quy định bắt buộc chủ tàu cá phải ghi nhật ký đầy đủ thông tin từng chuyến biển, nguồn gốc sản phẩm; thế nhưng hầu hết chủ tàu không thực hiện, vì không ghi thì vẫn tiêu thụ được sản phẩm. Do đó, đã qua có không ít sản phẩm bị nước ngoài bắt chẹt, bị trã về, gây thiệt hại đáng kể.

Vùng biển Cà Mau là một trong bốn ngư trường trọng điểm của cả nước. Vào mùa vụ khai thác ở đây, thường xuyên có từ 10-15 nghìn tàu từ các nơi đến hoạt động với nhiều nghề cào, lưới vây, te, xiệp… dẫn đến tình trạng không quản lý được, nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt. Gần đây, tỉnh Cà Mau ký kết phân định vùng biển khai thác với hai tỉnh Kiên Giang và Bạc Liêu và đây cũng là cơ sở giúp ngư dân thực hiện tốt hơn tiêu chuẩn bắt buộc truy suất nguồn gốc thủy sản từ thị trường EU. Từ cách làm trên sẽ giúp việc quản lý, bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản ngày càng tốt hơn; đồng thời giúp nâng cao tính chuyên nghiệp của ngư dân làm nghề khai thác và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh; là cơ hội để khẳng định thương hiệu, mở rộng thị trường xuất khẩu sản phẩm thủy sản biển của Việt Nam.

Trúng đậm vụ khai thác, năm nay, bà con ngư dân Làng cá Sông Đốc tất bật đón mừng Xuân mới trong sinh khí an vui, đầm ấm và tràn đầy niềm tin một năm mới làm ăn thuận buồm xuôi gió.