Những cơn mưa trái mùa ở châu Âu cùng với nạn hạn hán kéo dài ở châu Đại Dương đã làm sản lượng ngũ cốc thế giới sụt giảm mạnh. Theo tính toán của Hội đồng ngũ cốc quốc tế (CIC), sản lượng lúa mỳ thế giới năm 2007 ước tính chỉ đạt 607 triệu tấn và có thể còn thấp hơn, trong khi nhu cầu tiêu thụ lại có thể vượt mức 617 triệu tấn và có xu hướng tiếp tục tăng trong những năm tới, đặc biệt ở các nước đang phát triển.
Dự trữ lương thực thế giới hiện đang ở mức thấp nhất trong 28 năm qua. Theo ông Phi-líp Pin-ta (Philippe Pinta), Chủ tịch Hiệp hội sản xuất lúa mỳ và ngũ cốc thế giới, dự trữ lương thực của Liên minh châu Âu (EU) chỉ đủ đáp ứng nhu cầu tiêu thụ của khu vực này trong vòng 2 tháng rưỡi. Theo phóng viên TTXVN tại Pa-ri, tờ "Thế giới" (Le Monde - Pháp) số ra mới đây đưa tin do mưa nắng thất thường trong mấy năm qua, tình trạng mất mùa ngũ cốc đã xảy ra ở nhiều nước trên thế giới. Riêng tại Pháp, năm nay là năm thứ 3 liên tiếp nước này phải chứng kiến cảnh những cánh đồng lúa mỳ thất bát. Đợt nắng nóng khủng khiếp năm ngoái làm cho ngành nông nghiệp Pháp chưa hết điêu đứng, thời tiết lạnh, ẩm và mưa nhiều vào mùa xuân năm nay lại làm cho những cây lúa mỳ bị thối gốc và không thể trổ bông, khiến sản lượng nông nghiệp một lần nữa sụt giảm nghiêm trọng. Bộ Nông nghiệp Pháp thông báo, sản lượng lúa mỳ năm nay của nước này tiếp tục giảm, chỉ có thể đạt 32,5 triệu tấn, thấp hơn 2,5% so với năm 2006. Không chỉ có Pháp là nạn nhân của sự biến đổi khí hậu. Ở Ô-xtrây-li-a, sản lượng vụ mùa ngũ cốc năm nay đã giảm từ 25 triệu tấn xuống còn 10 triệu tấn. U-cra-i-na cũng phải hạ chỉ tiêu xuất khẩu lương thực từ 6,5 triệu tấn năm 2005 xuống dưới mức 2,5 triệu tấn để bảo đảm an ninh lương thực trong nước. Chính sách phát triển sản xuất nhiên liệu sinh học và giảm diện tích trồng cây lương thực, cộng thêm với thiên tai lũ lụt, cũng đang làm cho Mỹ và Đức có nguy cơ rơi vào tình trạng bất ổn về lương thực. Ấn Độ và Trung Quốc tuy năm nay đạt được sản lượng lúa mỳ cao hơn, nhưng do năm ngoái đã gặp nhiều khó khăn nên các nước này vẫn tiếp tục nhập khẩu thêm nhiều lúa mỳ. Tình trạng cung không đủ cầu đã kéo theo sự bùng nổ về giá lương thực. Trong vài tuần qua, giá bột mỳ trên thế giới đã lên mức kỷ lục từ trước tới nay. Ở Mỹ, một đấu lúa mỳ (khoảng 27kg) đã được bán với giá hơn 7,25 USD. Ở Pháp, giá lúa mỳ cũng đã vọt lên 229 ơ-rô/tấn. Theo chuyên gia theo dõi giá cả nguyên liệu của Ngân hàng Schroders ở Luân Đôn, ông Rô-đôn-phơ Rô-sơ (Rodolphe Roche), giá lương thực thế giới sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Các chuyên gia lương thực cảnh báo, nếu thế giới không có một chiến lược phù hợp để đối phó với sự biến đổi khí hậu toàn cầu, tình trạng bất ổn an ninh lương thực sẽ ngày càng trầm trọng, kéo theo sự bùng nổ về giá cả. Đến lúc đó, ở các nước phát triển, người tiêu dùng sẽ phải trả nhiều tiền hơn nữa để có thể ăn bánh mỳ hay mỳ sợi. Còn ở các nước nghèo, nguy cơ thiếu đói sẽ là không tránh khỏi./.