00:00 Số lượt truy cập: 2993686

Thế giới sốt càphê nguyên liệu 

Được đăng : 03/11/2016
Hôm qua (1/3), giá càphê nhân xô thị trường Việt Nam đã lập kỷ lục với 45.800đ/kg – tăng cao gấp đôi so với cùng kỳ 2010. Theo nhận định của CLB Càphê Việt Nam, việc các doanh nghiệp nước ngoài đổ xô vào mua trực tiếp càphê của bà con với mức cao là bởi nguồn cung càphê trên thế giới đang thiếu trầm trọng.

Thế giới mất mùa càphê

Trên thị trường thế giới, phiên giao dịch ngày đầu tiên của tháng 3 hiển thị mốc tăng ấn tượng của giá càphê với 2.400USD/tấn (tại London) - tăng 16USD so với một ngày trước đó. Ông Nguyễn Nam Hải – Tổng Thư ký CLB Càphê VN - cho hay, nguyên nhân chính dẫn đến giá càphê tăng cao trong thời gian gần đây là do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thiên tai đang diễn ra tại nhiều nuớc trên thế giới, dẫn đến mất mùa nghiêm trọng ở nhiều “vương quốc” càphê như Colombia, Brazil... Hai quốc gia này chiếm 70% thị trường nguyên liệu càphê arabica toàn thế giới.

Càphê trong nước đang tận thu với giá cao.     Ảnh: VICOFA.ORG.VN

Càphê trong nước đang tận thu với giá cao. Ảnh: VICOFA.ORG.VN

Tại Châu Á, đứng đầu trong sản xuất nguyên liệu càphê robusta là VN và Indonesia cũng không nằm ngoài những tác động xấu của khí hậu. Vụ càphê 2011 của Indonesia thu hoạch muộn khoảng một tháng (từ tháng 5 - 6), theo đó dự báo mất mùa nặng do mưa kéo dài trong thời kỳ càphê ra hoa.

 Do sự biến động lớn về nguồn cung càphê trên thế giới, nên việc giao dịch loại càphê này cũng “nhảy múa” theo. Hiện thế giới có hai sàn giao dịch càphê lớn nhất là New York và London, chủ yếu giao dịch tương ứng hai loại càphê arabica và robusta. Thông thường, chênh lệch giá càphê giữa hai sàn chỉ dao động từ 1.200 - 1.500USD, song chỉ trong hai tháng gần đây, mức chênh lệch đã lên khá cao với 3.200 - 3.400USD/tấn.

Do thiếu trầm trọng nguồn cung cho thị trường thế giới, nên giá càphê vào thời điểm thu hoạch rộ nhất (tháng 12) đã tăng chóng mặt, thay vì tăng vào cuối vụ như mọi năm. Ngoài ra, cũng theo CLB Càphê VN, còn một số nguyên nhân khác tác động đến giá càphê và nhiều mặt hàng nông sản khác là sự tham gia của các nhà đầu cơ tài chính, tạm trữ “găm” hàng của DN, biến động tỉ giá, giá cả đầu vào...

Tín hiệu vui cho càphê VN

Giá càphê tăng mạnh trở lại sau hai phiên điều chỉnh giảm đáng kể tuần trước như tiếp thêm sức mạnh cho thị trường trong nước vốn đang khá sôi động. Các DN tiếp tục cạnh tranh tận thu nguồn càphê nên càng có cơ hội đẩy giá càphê lên cao. Chính vì vậy, hầu hết hộ trồng càphê nước ta đã bán gần hết càphê cho các đại lý, đầu mối. Ông Nguyễn Nam Hải cho hay: “Giá thu mua càphê cao tại thời điểm hiện nay là cơ hội vàng cho xuất khẩu càphê nói riêng và các mặt hàng nông sản nói chung trong thời điểm hiện nay”.

Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, trong hai tháng đầu năm 2011, VN đã xuất khẩu đuợc 225.000 tấn càphê với trị giá 438 triệu USD – tăng 2,2% về lượng và 40,4% về giá trị so với cùng kỳ. Các thị trường tiêu thụ lớn và tăng trưởng khá hiện nay là Bỉ - gấp 4,5 lần về lượng và 6 lần về giá trị so với cùng kỳ 2010; Italia tăng gấp 2 lần về lượng và 2,8 lần về giá trị...

Dự báo năm 2011, sản lượng càphê ước đạt 1,1 triệu tấn (tương đương năm 2010). Với mức giá thu mua cao như hiện nay, Bộ NNPTNT định hướng cần thu hẹp diện tích, giảm diện tích càphê ở những vùng không phù hợp điều kiện sinh thái, quy mô nhỏ và năng suất thấp. Việc xây dựng ngành hàng càphê theo hướng dựa trên nhu cầu thị trường và chú trọng khâu công nghiệp chế biến cần tiếp tục được chú trọng. Mục tiêu của ngành càphê nước ta là đến năm 2020, diện tích càphê đạt mức 500.000ha, sản luợng duy trì 1,1 triệu tấn.