Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp (FAO), Chương trình Lương thực thế giới (WFP) và Hội đồng Ngũ cốc quốc tế cảnh báo nguồn cung lương thực năm nay không đáp ứng cầu.
Lượng lúa mì dự trữ trên thế giới đã giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 25 năm qua và giá lương thực tăng tới mức cao kỷ lục.
Sản lượng ngũ cốc thế giới năm 2007 có thể đạt 2.125 triệu tấn, tăng 6% so với năm ngoái. FAO cho rằng mức tăng này không đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm truyền thống cho người và đà tăng nhanh của ngành sản xuất nhiên liệu sinh học. Sản lượng gạo thế giới ở mức 633 triệu tấn năm 2007, bằng mức năm ngoái, thấp hơn so với nhu cầu, nên giá gạo tăng cao và lượng gạo dự trữ sẽ giảm mạnh.
Tổng giá trị nhập khẩu lương thực, thực phẩm năm 2007 vượt mức 400 tỷ USD, tăng 5% so với năm 2006. Giá dầu ngũ cốc và dầu thực vật, nhóm sản phẩm liên quan tới sản xuất nhiên liệu sinh học tăng 13% so với năm 2006, kéo theo giá thịt, sữa, trứng tăng cao. Giá trị nhập khẩu lương thực, thực phẩm của các nước đang phát triển tăng 9% trong năm nay, so với năm 2006. Giá trị nhập khẩu lương thực, thực phẩm của các nước kém phát triển tăng tới 90%, đối với các nước phát triển tăng 22%.
Sản lượng lúa mì toàn cầu giảm xuống mức thấp nhất trong 30 năm qua do thời tiết thất thường tại Mỹ, hạn hán kéo dài tại nhiều nước. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đã điều chỉnh giảm dự báo sản lượng lúa mì, ngô trong năm nay do mưa lớn ở khu vực trồng lúa mì tại miền trung, miền tây và hạn hán kéo dài tại khu vực trồng ngô ở miền Đông.
Giá lúa mì tại Sở Giao dịch Chicago (Mỹ) trong tháng 6/2007 đã lên tới mức cao nhất trong 11 năm qua. Giá lúa mì giao tháng 7/2007 tăng 28,4 US cents, lên 5,56 USD/bushel (1 bushel lúa mì bằng 27,2 kg). Giá ngô giao cùng tháng tăng 14 US cents, lên hơn 4 USD/bushel (1 bushel ngô bằng 25,4 kg).
Tại châu Âu, những biến động của thời tiết như nắng nóng kéo dài đã ảnh hưởng tới sản lượng lương thực. Sản lượng lúa mì ở Ucraina giảm xuống còn 25-27 triệu tấn, so với mức 34,3 triệu tấn vụ trước. Giá lúa mì ở Pháp giao theo kỳ hạn tháng 11/2007 ở mức 182 Euro (248,8 USD) /tấn, tăng cao so với mức giá 140 USD/tấn hồi tháng 4 năm nay.
Hiện nay có tới 41 nước khuyến khích người dân dùng nhiên liệu sinh học nhằm giảm bớt tình trạng phụ thuộc vào dầu mỏ. Tại Mỹ, ngũ cốc dùng để sản xuất ethanol đã tăng gấp 3 lần kể từ năm 2000. Theo các chuyên gia, việc sử dụng ngô, lúa mì để sản xuất nhiên liệu sinh học, sẽ có khoảng 30-50% diện tích đất nông nghiệp trên thế giới phục vụ cho mục đích này.
Do thời tiết thay đổi bất thường trong năm nay, sản xuất lúa mì ở Nga, Ucraina, Kazastan đều gặp khó khăn. Trong bối cảnh giá lương thực tăng, ông Alexei Gordeev đề xuất ý kiến thành lập một tổ chức hành động của các nước sản xuất và xuất khẩu lương thực theo kiểu tổ chức OPEC.
Bộ trưởng Nông nghiệp Ấn Độ, Sharad Pawar cho biết, nước này sẽ phải nhập khẩu tới 5 triệu tấn lúa mì trong năm nay nhằm đảm bảo đủ lương thực cho hơn 1 tỷ người. Sản lượng ngũ cốc Trung Quốc giảm từ 10-20 triệu tấn/năm. Tình trạng sa mạc hoá đất canh tác đang diễn ra trầm trọng gây ảnh hưởng lớn tới sản lượng lương thực. Trong thập kỷ qua, tốc độ sa mạc hoá ở Trung Quốc nhanh, gây thiệt hại kinh tế khoảng 7 tỷ USD/năm.
Bà Jostte Sheern, Giám đốc điều hành WFP cảnh báo giá lương thực tăng cao có thể làm cho WFP không đủ khả năng cung cấp lương thực cho người nghèo.
Trong 5 năm qua WFP đã cung cấp lương thực cho 90 triệu người mỗi năm, một phần rất nhỏ trong tổng số 850 triệu người trên thế giới thiếu lương thực.WFP cho biết chi phí mua lương thực cho người nghèo đã tăng 50% trong 5 năm qua, trong đó riêng giá ngô đã tăng tới 120% trong 6 tháng qua ở một số quốc gia.
Bà J.Sheeran nói cộng đồng thế giới đang phải đối mặt với thị trường lương thực gay gắt nhất trong nhiều thập kỷ qua. Hiện nay có tới 10 khu vực lâm vào tình trạng thiếu đói, chủ yếu là các nước ở châu Phi.
Tại cuộc họp hàng năm của Nhóm Nghiên cứu và hỗ trợ chính sách châu Phi vừa diễn ra tại Cotunou (Benin), cho biết giá gạo tăng trên thị trường thế giới gây lo ngại cho các nước ở châu Phi nói chung và các nước chậm phát triển ở sa mạc Sahara nói riêng, vì gạo nhập khẩu chiếm tới 40% lượng gạo tiêu thụ...
Các nhà kinh tế châu Phi lo ngại giá gạo tăng cao tại Thái Lan và Việt Nam, hai nước xuất khẩu gạo truyền thống tới châu Phi sẽ tác động tiêu cực tới thị trường gạo khu vực này.